Nhiều trường đại học ưu tiên xét thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế

Những năm gần đây, xu hướng được nhiều trường đại học lựa chọn là tập trung tuyển người giỏi ngoại ngữ. Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế ngày càng có nhiều cơ hội lựa chọn trường học.

Tuyển thẳng thí sinh khá, giỏi có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế

Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thí sinh (TS) có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là một trong số các phương thức tuyển sinh của nhiều trường ĐH những năm gần đây. Trong năm 2022, các trường ĐH tiếp tục xu hướng này.

Trong 6 phương thức tuyển sinh năm tới của Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, trường dành riêng một phương thức xét chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế với khoảng 5 - 10% chỉ tiêu mỗi ngành. Cùng với học lực và hạnh kiểm thì chứng chỉ ngoại ngữ là một trong những điều kiện bắt buộc với các TS này. Chẳng hạn, để xét vào chương trình tiên tiến và chất lượng cao, TS cần có chứng chỉ IELTS từ 6 hoặc TOEFL iBT 65 trở lên, đồng thời phải xếp loại giỏi trở lên 3 năm THPT. Với chứng chỉ tiếng Pháp, TS cần có DELF mức B2 hoặc TCF B2 và có học lực khá trở lên 3 năm THPT.

Nhiều trường đại học ưu tiên xét thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế

Sinh viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM. Trường này cũng có cách xét ưu tiên với thí sinh giỏi ngoại ngữ. NGỌC DƯƠNG

Trường ĐH Nha Trang cũng đẩy mạnh hình thức xét tuyển riêng, trong đó có xét dựa vào chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Tiến sĩ Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo trường này, cho hay trường sẽ xét tuyển thẳng TS tốt nghiệp THPT từ loại khá trở lên và có chứng chỉ IELTS quốc tế từ 5,5 hoặc TOEIC quốc tế 550 hoặc TOEFL iBT từ 65 điểm trở lên. Riêng ngành ngôn ngữ Anh, điểm chứng chỉ ngoại ngữ có yêu cầu cao hơn, từ 6 điểm IELTS hoặc tương đương trở lên.

“Ngoài ra, học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế với mức điểm thấp hơn được ưu tiên xét tuyển bằng cách cộng từ 1 - 3 điểm cho phương thức xét điểm kỳ thi tốt nghiệp hoặc các phương thức khác. Chẳng hạn, chứng chỉ IELTS mức 5 hoặc chứng chỉ quốc tế khác được quy đổi tương đương cộng 3 điểm, mức 4,5 cộng 2 điểm, mức 3,5 - 4 cộng 1 điểm”, ông Phương thông tin thêm.

Tương tự, Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM cũng dành một phần chỉ tiêu xét tuyển đầu vào thông qua các chứng chỉ quốc tế uy tín. Trong đó, trường xét TS có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế IELTS 5,5 hoặc TOEFL iBT 60 điểm, hoặc chứng chỉ tiếng Nhật JLPT N3 trở lên. Đồng thời, người học cần đạt điều kiện cần là hạnh kiểm tốt, tối thiểu đạt danh hiệu học sinh khá trong các năm học THPT; Có tổng điểm trung bình 3 năm của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển phải đạt từ 24 điểm trở lên.

Năm 2022, Trường ĐH Kinh tế - Luật cũng dự kiến có những ưu tiên cho TS có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Thạc sĩ Nguyễn Hải Trường An, Giám đốc Trung tâm truyền thông và tư vấn tuyển sinh trường này, cho biết trong phương thức ưu tiên xét tuyển TS giỏi nhất trường THPT, ngoài 2 tiêu chí chính học lực và hạnh kiểm, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là một trong các tiêu chí kết hợp.

Bên cạnh đó, cũng theo thạc sĩ An, trường này có riêng 1 phương thức xét dựa vào chứng chỉ quốc tế kết hợp với kết quả học tập THPT cho các chương trình chất lượng cao. Trong đó, riêng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, TS được đăng ký xét tuyển khi đạt điểm IELTS 5 trở lên và đạt điểm trung bình học tập THPT từ 7 trở lên. Hội đồng tuyển sinh sẽ xét theo thứ tự ưu tiên gồm: chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, kết quả học THPT, bài luận viết tay thể hiện động cơ học tập và sự phù hợp bản thân với ngành học.

Càng có điểm IELTS cao, càng lợi thế

Nhiều trường ĐH có những cách thức linh hoạt để ưu tiên cho người học đạt điểm cao các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

Năm 2022, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM dự kiến giữ ổn định các phương thức tuyển sinh đã áp dụng năm trước đó, trong đó ưu tiên quy đổi cộng điểm từ chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Theo cách quy đổi năm 2021, điểm xét tuyển phương thức xét tuyển học sinh giỏi là tổng điểm quy đổi từ 4 tiêu chí. Tiêu chí bắt buộc là điểm trung bình học lực 3 năm THPT, trong các tiêu chí không bắt buộc có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Khi đó, TS có IELTS 6 được quy đổi thành 12 điểm, mức 6,5 thành 14 điểm, 7 thành 16 và từ 8 trở lên thành 20 điểm.

Nhìn vào bảng quy đổi điểm của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM có thể thấy, một học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đạt điểm cao có nhiều ưu thế khi xét tuyển vào trường này. Chứng chỉ IELTS 8 trở lên có mức điểm quy đổi tương đương với điểm trung bình năm học lớp 10, 11 đạt từ 9,5 - 10 điểm, tương đương với đoạt giải nhất kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, TP.

Trường ĐH Y Dược TP.HCM cũng có một cách xét khác ưu tiên với TS giỏi ngoại ngữ. Cụ thể, trường này đã áp dụng phương thức xét tuyển kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế vào một số ngành. Trong đó, muốn xét tuyển theo phương thức này người học bắt buộc phải có IELTS từ 6 hoặc TOEFL iBT 80 trở lên với ngành y khoa, răng - hàm - mặt, dược học. Ngành điều dưỡng, yêu cầu mức điểm chứng chỉ ngoại ngữ thấp hơn với IELTS 5 hoặc TOEFL iBT 61 trở lên. Sau khi thỏa điều kiện ngoại ngữ, các TS sẽ được chọn từ trên xuống dưới dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 3 môn theo tổ hợp xét từng ngành. Đặc biệt là điểm trúng tuyển phương thức kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ này có thể thấp hơn tối đa 2 điểm so với cách xét chỉ dựa vào điểm thi.

Cũng ưu tiên TS giỏi có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế nhưng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có cách xét khác. Trong đó, trường xét tuyển thẳng người tốt nghiệp THPT xếp loại học lực lớp 12 chuyên từ giỏi trở lên và đạt một trong các điều kiện theo thứ tự ưu tiên vào ngành đúng hoặc ngành gần. Trong đó, ngoài học sinh giỏi quốc gia và cấp tỉnh trở lên, tiêu chí ngoại ngữ được xếp ưu tiên thứ 3. TS có chứng chỉ ngoại ngữ B2 trở lên hoặc IELTS 5,5 hoặc tương đương được ưu tiên xét tuyển thẳng vào các ngành ngoại ngữ.

Theo Hà Ánh/TNO

Tin cùng chuyên mục

Học sinh lớp 12 trên cả nước có 5 ngày để thử đăng ký thi tốt nghiệp THPT năm 2024, từ 24/4 đến hết 28/4.
Thí sinh được Hiệu trưởng giới thiệu để ưu tiên tuyển thẳng vào đại học phải là thuộc nhóm 5 học sinh giỏi, có điểm trung bình cộng 3 năm THPT cao nhất trường.
Ngày 23/4, Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Gia Định TP.HCM công bố điểm chuẩn đạt điều kiện trúng tuyển xét tuyển sớm đối với 53 ngành/chuyên ngành trong đợt tháng 4/2024.
Đa số các trường đại học tại TP.HCM nhận hồ sơ xét tuyển từ 600-700 điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, thang điểm tối đa là 1.200.
Năm nay, điểm kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM được sử dụng để xét tuyển vào 105 cơ sở đào tạo ĐH và CĐ trong cả nước. Thí sinh xét tuyển bằng phương thức này cần lưu ý những quy định khác nhau về điểm sàn, quy định riêng của các trường và các ngành.
Bộ Công an đã có thông báo về phương án đổi mới công tác tuyển sinh văn bằng 2. Theo đó, phương án đổi mới được chia thành 2 giai đoạn: từ năm 2024 - 2025 và từ năm 2026 trở đi.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề