Nhật Bản điều chỉnh giới hạn tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng đặc định

Trong số 12 ngành nghề được phép tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng đặc định nước ngoài, Chính phủ Nhật Bản nâng giới hạn tiếp nhận đối với ngành thực phẩm và đồ uống, ngành chế tạo máy và sản xuất khác.
Nhật Bản điều chỉnh giới hạn tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng đặc định
Các ứng viên điều dưỡng, hộ lý lên đường sang Nhật Bản làm việc. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Chính phủ Nhật Bản vừa quyết định điều chỉnh giới hạn tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng đặc định nước ngoài trong một số ngành nghề để phù hợp với những thay đổi về nhu cầu lao động ở nước này.

Trong số 12 ngành, nghề được phép tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng đặc định nước ngoài, Chính phủ Nhật Bản nâng giới hạn tiếp nhận đối với ngành thực phẩm và đồ uống, ngành chế tạo máy và sản xuất khác.

Tuy nhiên, Nhật Bản lại hạ giới hạn đối với 9 ngành, trong đó có lĩnh vực nhà hàng và giữ nguyên giới hạn đối với ngành nông nghiệp.

Nhưng về tổng thể, Nhật Bản vẫn giữ nguyên giới hạn tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng đặc định nước ngoài.

Nhật Bản bắt đầu triển khai chương trình tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng đặc định nước ngoài vào tháng 4/2019. Khi đó, Chính phủ Nhật Bản giới hạn tổng số thực tập sinh mà nước này sẽ tiếp nhận theo chương trình này trong giai đoạn từ tài khóa 2019 tới tài khóa 2023 là 345.150 người.

Mặc dù vậy, theo hãng tin Jiji Press, cho tới tháng 4 năm nay, Nhật Bản mới tiếp nhận 73.512 thực tập sinh kỹ năng đặc định nước ngoài.

Nguyên nhân chủ yếu khiến số lượng thực tế vẫn thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng là do tác động của đại dịch COVID-19.

Các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt cùng với việc nhiều doanh nghiệp đình chỉ hoạt động tuyển dụng vì gặp khó khăn do dịch bệnh đã tác động không nhỏ tới việc tiếp nhận các thực tập sinh kỹ năng đặc định nước ngoài của Nhật Bản.

Tuy nhiên, một số ngành, nghề như thực phẩm và đồ uống lại đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động do việc người dân hạn chế đi ăn ở ngoài khiến nhu cầu thực phẩm chế biến tăng mạnh.

Trong khi đó, mức trần tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng đặc định đối với ngành chế tạo máy và sản xuất khác lại quá thấp, nhất là khi nhu cầu đối với máy tính cá nhân và robot công nghiệp đang gia tăng./.

Theo Đào Thanh Tùng/ Vietnam+

Tin cùng chuyên mục

Mặc dù mức lương và tiền thưởng của ngành công nghệ thông tin (IT) đang tăng lên đáng kể, song từ năm 2023 - 2025, Việt Nam vẫn sẽ thiếu hụt từ 150.000 - 200.000 lập trình viên, kỹ sư hàng năm.
“Chân ướt chân ráo” lên thành phố học tập, không ít tân sinh viên đã bị dính bẫy các chiêu lừa đảo khi đi việc làm thêm. Nhiều bạn phải ngậm đắng nuốt cay khi mất đến cả chục triệu đồng tiền…học phí.
Theo Bộ GD&ĐT, năm học 2022-2023, toàn quốc có hơn 19.300 giáo viên nghỉ hưu và bỏ việc, trong đó số người bỏ việc lên tới gần 9.300 người. Trong bối cảnh các cấp học thiếu giáo viên đứng lớp, việc hàng nghìn người rời khỏi ngành càng làm khó khăn thêm.
Hiện du lịch đang phục hồi nhanh sau đại dịch nhưng nhiều mảng trong ngành này lại thiếu hụt lao động.
Dẫu trên đà phục hồi nhưng theo nhận định của các chuyên gia, ngành du lịch đang đối mặt với thách thức thiếu trầm trọng nhân lực có chuyên môn.
Tại kỳ họp thứ 11 của HĐND TP Cần Thơ, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết thành phố vẫn đang thiếu gần 700 giáo viên.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Tra cứu điếm thi