Ngành học nào được doanh nghiệp săn đón nhiều nhất khi tốt nghiệp?

Dịch vụ vận tải, nghệ thuật, thú y, kiến trúc và xây dựng là những nhóm ngành học được doanh nghiệp săn đón nhân sự nhiều nhất, với tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm cao nhất trong năm 2020 và 2021.

Nhóm ngành thú y, dịch vụ vận tải nhu cầu cao nhưng tốt nghiệp còn ít

Bộ GD-ĐT vừa công bố kết quả khảo sát về tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp trong 2 năm 2020 và 2021.

Cụ thể, trong năm 2021, các lĩnh vực được doanh nghiệp săn đón, với tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm ở mức cao (đạt tỷ lệ trên 85%) gồm: dịch vụ vận tải (89,2%), nghệ thuật (85,4%), thú y (85,2%), kiến trúc và xây dựng (79,6%).

Còn năm 2020, nhóm ngành nghệ thuật, thú y, máy tính và công nghệ thông tin có tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao nhất.

Như vậy, ở trong cả 2 năm 2020 và 2021, thú y và nghệ thuật đều nằm trong tốp 3 lĩnh vực sinh viên tốt nghiệp dễ kiếm việc làm.

Ngành học nào được doanh nghiệp săn đón nhiều nhất khi tốt nghiệp?

Thí sinh dự thi ngành kiến trúc đông do nhu cầu nhân lực ngành này khá cao. H.A

Ông Bùi Văn Linh, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực Bộ GD-ĐT, cho hay các lĩnh vực mà tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm mức cao là dịch vụ vận tải, nghệ thuật và thú y.

"Tuy nhiên, có ngành số lượng sinh viên tốt nghiệp còn rất thấp, chỉ dao động từ vài trăm đến hơn 1.000 sinh viên. Chẳng hạn, năm 2020 ngành thú y chỉ có 114 sinh viên tốt nghiệp, năm 2021 là 715. Nhóm dịch vụ vận tải năm 2021 cũng chỉ có khoảng 1.338 sinh viên tốt nghiệp", ông Linh lưu ý.

Từ thực tế này, có thể nhìn nhận, do số lượng sinh viên tốt nghiệp các ngành như thú y, nghệ thuật và dịch vụ vận tải rất ít nên tỷ lệ có việc làm cao.

Riêng trong ngành kiến trúc xây dựng, hơn 12.000 sinh viên tốt nghiệp vào năm 2021, tỷ lệ có việc làm là 79,6%.

Doanh nghiệp "săn" nhân sự ở buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp

Nhận định về kết quả khảo sát trên, thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, cho biết: "Trong mấy năm qua, có nhiều doanh nghiệp về kiến trúc, xây dựng kết nối, hợp tác dài hạn với trường để tuyển dụng nhân sự. Trong các buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp, nhà tuyển dụng đến tận nơi theo dõi để "săn" nhân sự phù hợp".

Ông Tuấn lý giải thêm sở dĩ sinh viên nhóm ngành này tốt nghiệp nhiều mà tỷ lệ việc làm vẫn cao là do nhu cầu xây dựng, kiến trúc nhà cửa hiện nay quá lớn. "Hơn nữa, các công trình ở Việt Nam có sự đa dạng nên người học kiến trúc càng có 'đất' để làm nghề, dẫn đến nghề này luôn hot", thạc sĩ Tuấn chia sẻ.

Nói về ngành thú y, thạc sĩ Đặng Kiên Cường, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, đánh giá: "Ngành này nằm trong tốp những ngành nghề sinh viên có việc làm cao vì hiện nay nhu cầu việc làm rất lớn. Nhiều công ty không tuyển dụng được nhân sự, nhất là nhân sự chất lượng cao".

Ngành học nào được doanh nghiệp săn đón nhiều nhất khi tốt nghiệp?

Sinh viên ngành bác sĩ thú y của Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM. LÊ HỮU NGỌC

"Hiện nay trên cả nước chỉ có khoảng 23 trường ĐH đào tạo ngành thú y, chỉ tiêu không nhiều nên không đủ để đáp ứng nhu cầu xã hội. Hằng năm, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM tuyển sinh khoảng 150 sinh viên cho ngành chăn nuôi, 180 em cho ngành bác sĩ thú y. Theo thống kê về việc làm của sinh viên tốt nghiệp sau một năm, hơn 98% sinh viên ngành thú y có việc làm", ông Cường thông tin thêm.

Đối với nhóm ngành nghệ thuật, một cán bộ của Trường ĐH Sân khấu điện ảnh TP.HCM, cho hay: "Trong những năm qua, sinh viên tốt nghiệp đúng là có việc làm nhưng nhiều em làm ở lĩnh vực gần với ngành học, chứ hoạt động nghệ thuật đúng với chuyên môn đã học thì chỉ một vài cá nhân có năng khiếu nổi bật hoặc có năng lực kèm thêm cái 'duyên may' với nghề".

"Chẳng hạn, nhiều em học đạo diễn, diễn viên, quay phim ra thì vẫn làm các công việc như tổ chức sự kiện, MC, trang điểm hoặc những công việc liên quan đến truyền thông đa phương tiện, hoạt động nghệ thuật trên mạng xã hội... Đó cũng là xu hướng vì các sân khấu nghệ thuật đang ngày càng khó khăn", vị cán bộ này nhìn nhận.

Theo Mỹ Quyên/TNO

Tin cùng chuyên mục

Bộ GD-ĐT cho hay, mỗi năm các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, thú y cần đến 46.000 lao động trình độ từ cao đẳng trở lên (chưa kể trung cấp). Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, số lượng nhân lực nhóm ngành này chỉ đáp ứng được khoảng 11,2% nhu cầu.
Dù doanh nghiệp khối kỹ thuật, xây dựng, môi trường... vào tận trường đặt hàng nhưng những năm gần đây, các ngành này lại khó tuyển sinh.
Thị trường lao động ngày nay đang trở nên cạnh tranh khốc liệt, nhất là trong lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật.
Nhà sản xuất chip hàng đầu châu Âu Infineon đang tăng cường tuyển dụng nhân lực lành nghề từ Nam Á và Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nguồn nhân lực ngành nông nghiệp đang đứng trước nhiều khó khăn.
Nhu cầu tuyển dụng nhân sự chất lượng cao lúc nào cũng có nhưng số lượng người thực sự giỏi, có kinh nghiệm phù hợp để đảm nhận được thì không bao giờ đủ để đáp ứng.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề