Ngành AI trả lương cao nhưng rất hiếm nhân lực

Mặc dù kỹ sư ngành trí tuệ nhân tạo đang được các nhà tuyển dụng săn đón và trả mức lương khá cao từ 4.000 - 10.000 USD/tháng (khoảng 95 - 230 triệu đồng), song nguồn cung tại VN còn rất hạn chế.

Cung không đủ cầu

Theo báo cáo thị trường công nghệ thông tin (IT) VN năm 2022 vừa được TopDev - Nền tảng tuyển dụng IT tại VN công bố, sau dịch Covid-19, thị trường tuyển dụng lao động IT khá sôi động. Mức lương lập trình viên dao động từ 350 - 1.190 USD; lập trình viên kinh nghiệm lâu năm mức lương dao động từ 860 - 1.510 USD. Các vị trí quản lý (từ 5 năm trở lên) hoặc cấp cao hơn được khảo sát có mức lương từ 1.410 - 2.300 USD.

Đào tạo nhân lực AI chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng. LAN HƯƠNG

Các vị trí được trả lương cao yêu cầu các kỹ năng như data analyst (nhà phân tích dữ liệu), cloud, AI (trí tuệ nhân tạo), machine learning (học máy). Tuy được săn đón với mức lương hấp dẫn, nguồn cung nhân lực trong lĩnh vực IT vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và tốc độ phát triển như mong đợi của ngành.

Tại sự kiện về công nghệ AI “Tech talks 2022: The future of now” vừa diễn ra tại Hà Nội, bà Nguyễn Thu Giang, Phó giám đốc khu vực phía bắc Navigos Search, cho hay IT nói chung vốn là một ngành có mức lương khá hấp dẫn so với các ngành khác trên thị trường lao động, một phần do phát triển công nghệ là xu hướng của thế giới, một phần do ở VN vẫn đang thiếu khoảng 190.000 nhân sự chất lượng.

Đào tạo nguồn nhân lực AI không chỉ dành cho những nhân tài, người giỏi, người làm trong lĩnh vực AI, IT... mà dành cho tất cả mọi người, ở mọi lĩnh vực khác. Trước đây, chúng ta nói về xóa mù về IT thì giờ là xóa mù AI. Tới đây, AI sẽ được vào trong trường học để từ các em nhỏ đều có thể tiếp cận sớm.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam

Đáng chú ý, AI là mảng không quá mới với thế giới nhưng bắt đầu bùng nổ trong vài năm trở lại đây ở VN. Do vậy, mức lương dành cho mảng AI là khá cạnh tranh so với các mảng khác của ngành IT. Bà Giang cho hay: “Tại các thị trường vốn phát triển hơn về công nghệ AI như Mỹ, châu Âu, mức lương trung bình năm của một kỹ sư AI sẽ rơi vào khoảng 110.000 - 150.000 USD. Ở VN, tôi biết là có những nhân sự được trả tới mức 10.000 USD/tháng hoặc thậm chí cao hơn nhưng đây không phải là số đông. Mức lương trung bình của kỹ sư AI khoảng 4.000 - 5.000 USD/tháng”.

Mặc dù mức lương khá cạnh tranh, song theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường nhân lực lĩnh vực AI đang trong tình trạng khan hiếm. Ông Øyvind Forsbak, Giám đốc công nghệ (CTO) của Orient Software, cho biết nhu cầu nhân lực AI rất khan hiếm không chỉ ở VN mà trên thế giới. Hiện các trường ĐH tại VN vẫn chưa có các ngành đào tạo chuyên sâu về AI, chỉ có một số lượng hạn chế các khóa học AI, dẫn đến cung không đủ cầu.

Chỉ ra những điểm còn hạn chế ở nhân lực AI, ông Lê Duy Nghiêm, Giám đốc Trung tâm phân tích dữ liệu (Heineken VN), cho hay đó chính là kỹ năng mềm, khả năng quản lý đội nhóm, kỹ năng truyền thông, giao tiếp, kỹ năng thuyết phục, lãnh đạo. “Kỹ năng mềm với chúng tôi quan trọng 50% - 50% như kỹ năng chuyên môn. Trong môi trường áp dụng thực tế, người làm AI cần khả năng giao tiếp với đội ngũ kinh doanh, đội ngũ marketing, với tài chính, với sản xuất để hiểu nhu cầu, để giải thích rõ cách làm việc của mô hình thuật toán, để thiết kế giải pháp phù hợp. Có được kỹ năng mềm, giá trị của nhân lực AI sẽ tăng lên rất nhiều”, ông Nghiêm chia sẻ.

Đưa trí tuệ nhân tạo vào trường học

Để giải quyết bài toán thiếu hụt nhân sự AI, bà Nguyễn Thu Giang cho rằng VN cần thu hút nhân sự từ nước ngoài về, trong lúc chờ những thế hệ đầu tiên làm về công nghệ này phát triển ở VN.

“Từ năm 2019, chuyên ngành AI mới được đưa vào giảng dạy ở Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và Trường ĐH FPT. Chúng ta vẫn có những nhân sự làm chuyên môn nhưng chủ yếu là tự học, tự nghiên cứu, do vậy chưa đồng đều về chuyên môn cũng như các kỹ năng mềm. Để thu hút được người từ nước ngoài về cần có nhiều yếu tố bao gồm lương, thưởng; môi trường làm việc chuyên nghiệp và cơ hội phát triển khi về nước”, bà Giang nói.

Bên cạnh đó, với chính sách đẩy mạnh công nghiệp 4.0 của Chính phủ thì các doanh nghiệp cũng được hỗ trợ để phát triển nền tảng số nhiều hơn, các start-up công nghệ cũng ra đời nhiều hơn, theo bà Giang đây sẽ là nền móng để thúc đẩy AI phát triển hơn nữa trong thời gian tới ở VN.

Còn theo ông Øyvind Forsbak, tình hình thiếu hụt nhân lực AI sẽ sớm cải thiện khi các trường ĐH đang giới thiệu các chương trình, khóa học về AI và khoa học dữ liệu. Ngoài ra, các công ty như: FPT, Vingroup, Orient Software… đang tổ chức đào tạo nội bộ về AI cho những người muốn tham gia lĩnh vực này. “Kỹ sư VN giỏi toán, đây là một kỹ năng cần thiết trong AI. Tôi tin rằng tương lai của AI ở VN khá tươi sáng”, ông Øyvind Forsbak nhận định.

Theo ông Đặng Trần Thái, Trưởng phòng Xử lý ngôn ngữ tự nhiên (VinBigData - thuộc Vingroup), quy mô phát triển công nghệ AI tại VN chưa thật sự lớn mạnh, tuy nhiên sự phát triển AI tại VN không quá chênh lệch so với thế giới, và chúng ta vẫn có cơ hội để bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Ông Thái chia sẻ: “So với các ngành khoa học cơ bản khác thì khoa học dữ liệu và khoa học máy vẫn là một ngành khoa học non trẻ đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Chúng ta có một lớp các nhà khoa học trẻ tài năng trong lĩnh vực này, trong đó nhiều người đã thành danh trên trường quốc tế. Chúng ta có chiến lược đào tạo AI trong các trường ĐH giúp xây dựng được nguồn nhân lực dồi dào trong lĩnh vực này”.

Đánh giá về xu hướng AI trong ngắn hạn và dài hạn, ông Đặng Trần Thái nhận định các lĩnh vực như phân tích dữ liệu, xử lý ảnh, xử lý ngôn ngữ sẽ vẫn là “hot trend” trong vài năm tới và được ứng dụng rộng rãi trong các doanh nghiệp và tổ chức. Các ngành như công nghiệp, dịch vụ, thương mại sẽ vẫn có nhu cầu phân tích dữ liệu để hiểu về khách hàng và nâng cao chất lượng sản phẩm của họ. Ngành khoa học dữ liệu và học máy thống kê sẽ vẫn trên đà phát triển và hứa hẹn nhiều nghiên cứu mới sẽ mang lại giá trị cao và được ứng dụng vào thực tế.

Tại Ngày hội AI VN 2022 do Bộ KH-CN tổ chức cuối tháng 9, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay nguồn nhân lực AI còn thiếu, việc đào tạo chưa thực sự đáp ứng nhu cầu, do đó VN cần phải nỗ lực rất nhiều trong quá trình ứng dụng AI vào cuộc sống.

“Đào tạo nguồn nhân lực AI không chỉ dành cho những nhân tài, người giỏi, người làm trong lĩnh vực AI, IT... mà dành cho tất cả mọi người, ở mọi lĩnh vực khác. Trước đây, chúng ta nói về xóa mù về IT thì giờ là xóa mù AI. Tới đây, AI sẽ được vào trong trường học để từ các em nhỏ đều có thể tiếp cận sớm”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Nhân lực trí tuệ nhân tạo đáp ứng khoảng 10% nhu cầu tuyển dụng

Theo tiến sĩ Đinh Ngọc Minh, Trường ĐH RMIT, nhân lực AI tại VN mới chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu tuyển dụng. Nhiều doanh nghiệp có nguồn dữ liệu lớn từ khách hàng, thị trường song lại gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đội ngũ nhân lực chuyên sâu về AI, đồng thời hiểu vấn đề của doanh nghiệp và phù hợp với môi trường của họ. Các lĩnh vực đang thiếu nhân lực về AI nhất tập trung ở nhóm ngành tự động hóa, sản xuất, nông nghiệp, công nghiệp nhẹ, xây dựng và bất động sản... Định hướng phát triển trí tuệ nhân tạo kết hợp với Internet vạn vật (IoT) là hướng đi rất tốt hỗ trợ doanh nghiệp xử lý những việc con người phải thực hiện liên tục, ví dụ như tối ưu hóa điều kiện môi trường, nhận diện lỗi sản phẩm, phân loại sản phẩm...

Theo Thu Hằng/TNO

Tin cùng chuyên mục

Trong Hội nghị thượng đỉnh chính phủ thế giới diễn ra vào tháng 2/2024, lời phát biểu của ông Jensen Huang - Giám đốc điều hành Tập đoàn Nvidia - đã gây sự chú ý lẫn những tranh luận đa chiều. Theo ông, giới trẻ không cần học lập trình nữa bởi trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ làm việc đó; giới trẻ chỉ nên học các ngành sinh học, giáo dục, nông nghiệp…
Quan hệ công chúng (viết tắt là PR) là một ngành thuộc lĩnh vực truyền thông.
Trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh giúp học sinh, sinh viên có thêm nhiều cơ hội học tập và nghiên cứu sâu về lĩnh vực này.
Ai cũng cần những người thầy trong đời. Người thầy đứng trên bục giảng nhìn xuống những gương mặt chăm chú của học trò để biết kiến thức của mình đang được gieo xuống mảnh đất màu mỡ mỗi ngày. Ở đó những mầm xanh hối hả vươn lên!
Điện thoại, máy tính, ti vi hay xe máy, ô tô, máy bay,… đều không thể vận hành nếu thiếu một thành phần cốt lõi, chip bán dẫn. Trong đó, các mạch tích hợp chứa hàng triệu, thậm chí hàng tỷ thành phần điện tử trên một chíp bán dẫn, giúp tạo ra các bộ vi xử lý mạnh mẽ, bộ nhớ dung lượng lớn và các ứng dụng di động ngày càng nhỏ gọn. Quá trình tạo ra các mạch tích hợp ấy chính là nhiệm vụ của ngành thiết kế vi mạch.
Đến năm 2030, Đại học Quốc gia TP.HCM đặt mục tiêu đào tạo được 1.500 kỹ sư và 500 thạc sỹ thiết kế vi mạch; đào tạo và cấp chứng chỉ công nghiệp và quốc tế về thiết kế vi mạch cho 15.000 kỹ sư.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề