New Zealand ưu ái học sinh Việt Nam, vì sao?

Tạo học bổng dành riêng cho Việt Nam và tăng số lượng qua các năm là động thái nổi bật mà chính phủ cùng các đơn vị giáo dục của New Zealand đang triển khai trong thời gian qua.

Trao đổi với phóng viên, thạc sĩ Bành Phạm Ngọc Vân, Giám đốc Cơ quan giáo dục New Zealand (Education New Zealand-ENZ) tại Việt Nam, cho biết chính phủ và các đơn vị giáo dục của New Zealand gần đây dành nhiều ưu ái cho học sinh, sinh viên Việt Nam. Điều này thể hiện rõ nét qua các học bổng dành riêng cho Việt Nam thay vì học bổng chung cho sinh viên quốc tế trong đó có Việt Nam như trước đây.

"Có thể kể đến Học bổng Chính phủ New Zealand bậc trung học (New Zealand Schools Scholarship-NZSS) ra mắt năm 2019 với 36 suất, đến 2023 tăng thành 45 suất dành cho học sinh Việt Nam. Hay Học bổng sinh viên Việt Nam xuất sắc (Vietnam Excellence Scholarship) của ĐH Auckland, Học bổng sinh viên Việt Nam xuất sắc của phó hiệu trưởng (Vice Chancellor's International Excellence Scholarship for Vietnam) ĐH Waikato", bà Vân nêu ví dụ.

Chính sách này được thúc đẩy một phần nhờ sự tăng cường đáng kể mối quan hệ hợp tác song phương về giáo dục giữa Việt Nam và New Zealand sau khi chính thức nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược vào tháng 7.2020, bà Vân lý giải.

Cũng theo bà Vân, thị trường Việt Nam đang tăng trưởng đáng kể khi các đơn vị giáo dục New Zealand tuyển sinh ngày càng nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam trong những năm gần đây. Cụ thể, Việt Nam đứng thứ 4 về số du học sinh tại New Zealand trong năm 2021, với gần một nửa trong số đó theo học tại các trường ĐH nước này.

Chúng tôi luôn đầu tư nhiều nguồn lực vào Việt Nam vì xem đây là thị trường ưu tiên số 1 tại Đông Nam Á

Thạc sĩ Nguyễn Lam Giang, Giám đốc khu vực Đông Nam Á ĐH Waikato (New Zealand)

"Do đó, các trường đã ra mắt học bổng mới để công nhận nỗ lực, thành tích cũng như khuyến khích bạn trẻ Việt Nam chọn du học New Zealand. Ngoài ra, học sinh, sinh viên Việt Nam được đánh giá rất cao bởi các trường New Zealand nhờ tính cầu tiến, sự thông minh, thái độ học tập nghiêm túc và những phấn đấu bền bỉ cho sự nghiệp tương lai", thạc sĩ Vân phân tích.

Chia sẻ thêm về sự ưu ái này, thạc sĩ Nguyễn Lam Giang, Giám đốc khu vực Đông Nam Á ĐH Waikato (New Zealand), cho hay trước đây trường không có chương trình học bổng dành riêng cho Việt Nam. "2023 là năm đầu tiên trường triển khai gói học bổng riêng không giới hạn số lượng vì muốn thu hút nhiều bạn trẻ Việt Nam hơn. Chúng tôi luôn đầu tư nhiều nguồn lực vào Việt Nam vì xem đây là thị trường ưu tiên số 1 tại Đông Nam Á", bà Giang nói.

Cách "săn" học bổng hiệu quả

Đối với học bổng chính phủ New Zealand, thạc sĩ Vân lưu ý ứng viên cần thể hiện được mình là ai, vì sao xứng đáng nhận học bổng, kế hoạch sau khi đạt được học bổng là gì, qua đó phản ánh tâm tư, nguyện vọng và động lực của mình. Ứng viên cũng cần nắm rõ yêu cầu và tiêu chí của mỗi loại học bổng, chẳng hạn bậc trung học cần làm video ngắn để chia sẻ bản thân, còn bậc cao học phải chú tâm vào quá trình chuẩn bị hồ sơ và phỏng vấn.

"Một trong những yếu tố quyết định để đạt học bổng bậc trung học là chiến lược chọn trường. Do có đến 45 đơn vị thuộc chương trình NZSS nên ứng viên cần tránh đổ dồn vào những trường ở thành phố lớn hoặc quen thuộc khiến tỷ lệ cạnh tranh tăng cao. Trên thực tế, các trường trung học New Zealand đều có chất lượng tương đối đồng đều và mỗi trường đều có thế mạnh riêng, hoặc tập trung phát triển một số lĩnh vực nhất định", bà Vân khuyên.

Phụ huynh và học sinh nghe tư vấn chọn trường ở triển lãm Giáo dục New Zealand tổ chức hồi tháng 10.2022 tại Hà Nội. ENZ

Trong khi đó, đối với học bổng của cơ sở giáo dục ĐH, bà Giang cho biết tùy vào bậc học sẽ có các tiêu chí riêng. Ở bậc cử nhân, trường tập trung đánh giá kết quả học tập, đặc biệt là thành tích đạt được của lớp 12. Còn với bậc cao học như thạc sĩ và tiến sĩ, điểm tốt nghiệp ĐH, đề tài nghiên cứu và năng lực nghiên cứu sẽ là 3 yếu tố quan trọng hàng đầu.

Thạc sĩ Tâm Lê cho rằng không có lời khuyên cụ thể về điểm số và hoạt động ngoại khóa để trúng tuyển học bổng từ trường ĐH. NGỌC LONG

Mặt khác, thạc sĩ Tâm Lê, Giám đốc khu vực Đông Nam Á ĐH Otago (New Zealand), lưu ý rằng rất khó để đưa ra mức điểm và số lượng hoạt động ngoại khóa cụ thể đạt được học bổng của trường ĐH. Thiết thực nhất, theo nữ giám đốc, bạn trẻ nên xác định sở trường, đam mê và có kế hoạch phát triển dựa trên nhu cầu của bản thân lẫn xã hội, cộng đồng.

Theo Ngọc Long/TNO

Tin cùng chuyên mục

Hồi tháng 8, Bộ Giáo dục Hàn Quốc công bố kế hoạch 5 năm nhằm thu hút 300 nghìn sinh viên quốc tế.
Theo các phương tiện truyền thông Australia, chính phủ nước này dự kiến giới hạn số lượng sinh viên quốc tế nhằm cắt giảm lượng người di cư.
Chính phủ Trung Quốc cấp 77 chỉ tiêu học bổng cho công dân Việt Nam đi đào tạo ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ tại Trung Quốc bằng tiếng Anh và tiếng Trung.
Chính phủ Hungary sẽ cấp 200 suất học bổng du học cho công dân Việt Nam theo diện hiệp định năm 2024.
Nhiều quốc gia điều chỉnh chính sách du học năm 2024 theo hướng "dễ thở" với mục tiêu thu hút tuyển sinh. Song, số du học sinh tăng cao cũng khiến một số nước thắt chặt các quy định, quyền lợi.
Hệ thống đào tạo nghề song song với 2/3 giờ thực hành tại doanh nghiệp, nhà máy và 1/3 giờ lý thuyết đang là mô hình giáo dục - đào tạo hiệu quả tại Đức, cung cấp nhân công ngay lập tức cho thị trường lao động đang thiếu trầm trọng sau đại dịch Covid-19, đồng thời giải quyết vấn đề già hóa dân số về lâu dài.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề