Cơ quan Giáo dục New Zealand (ENZ) đầu tháng 8 công bố kế hoạch phát triển ngành giáo dục quốc tế của nước này với mục tiêu góp 4,4 tỉ NZD cho nền kinh tế vào 2027, "tập trung vào việc gia tăng và đa dạng hóa số lượng du học sinh", tức tăng cường tuyển sinh với đa dạng quốc tịch. Năm đầu tiên, ENZ cho biết sẽ tập trung đầu tư vào các thị trường được cơ quan này xác định là có "tiềm năng tăng trưởng".
"Đó là các quốc gia Ấn Độ, Philippines và Việt Nam, cùng một số lĩnh vực cụ thể trong các thị trường như Nhật Bản, Thái Lan. Chúng tôi cần bắt đầu ngay bây giờ để nâng cao nhận thức về New Zealand tại các thị trường này nếu muốn đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra", tiến sĩ Linda Sissons, Quyền giám đốc điều hành ENZ, chia sẻ trong thông cáo.
Theo ENZ, chiến lược trên là kết quả của quá trình tham vấn sâu rộng với các bên liên quan trong ngành giáo dục quốc tế và các cơ quan chính phủ, cũng như từ thực tế 1 năm hoạt động vừa qua. Đơn vị này cũng cho hay đã tổ chức thành công 18 sự kiện ở 5 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Động thái trên chỉ là một trong những ưu ái dành cho người Việt của quốc đảo này, theo các chuyên gia du học. Ông Allan Mai, Giám đốc Công ty tư vấn du học AU Hannah ở TP.HCM, cho biết thêm: "Điểm thu hút của du học New Zealand là chính sách di trú khá ổn định như các quyền làm việc sau tốt nghiệp. Nguyên nhân khác chính là sự an toàn".
Sinh viên New Zealand tại Viện Công nghệ Waikato (Wintec), trường thành viên của Học viện Kỹ năng và công nghệ New Zealand, trình bày về dự án nhà ở thông minh. NGỌC LONG
Bà Bành Phạm Ngọc Vân, Giám đốc ENZ tại Việt Nam, cho biết trong những năm qua, New Zealand liên tục triển khai nhiều sáng kiến "độc quyền" dành riêng cho Việt Nam. Và theo khảo sát bà Vân thực hiện với các công ty tư vấn du học chuyên về New Zealand ở Việt Nam, thời gian xét hồ sơ xin visa du học của người Việt đa phần trong khoảng 3-4 tuần, thấp hơn nửa so với mức trung bình thế giới (80% xét duyệt trong 6 tuần).
"Hiện tại, lệ phí xin visa du học của New Zealand là 430 NZD (khoảng 6,5 triệu đồng), yêu cầu chứng minh tài chính là 17.000 NZD với bậc trung học (khoảng 253 triệu đồng) và 20.000 NZD (khoảng 298 triệu đồng) với bậc ĐH", bà Vân nói, cho biết thêm từ năm nay, nhiều trường ĐH chấp nhận tuyển thẳng học sinh Việt Nam dựa trên điểm học bạ lớp 12 từ 8.0 trở lên, thay vì yêu cầu phải đợi đến khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Thêm cơ hội học bổng
Ôngng Ben Burrows, Giám đốc ENZ khu vực châu Á, cho biết một trong những trọng tâm của ENZ trong thời gian tới là gia tăng các suất học bổng và duy trì chương trình học bổng chính phủ bậc trung học dành riêng cho người Việt (NZSS). Đáng chú ý, ENZ đang lần đầu tiên xây dựng một chiến lược phát triển tổng thể sự hiện diện của các trường ĐH New Zealand tại Việt Nam.
"Trước đó vào 2018, chúng tôi từng thiết kế một chiến lược tương tự với bậc phổ thông để quảng bá NZSS và đạt nhiều thành tựu. Thế nên, trong chiến lược với các ĐH, chúng tôi cũng đang xem xét nhiều sáng kiến mới như học bổng chính phủ bậc cử nhân", ông Burrows nói.
Ở cấp chính phủ, ngoài học bổng bậc trung học, New Zealand hiện có học bổng bậc sau ĐH cho một số nước trên thế giới trong đó có Việt Nam (MNZS).
Học sinh trung học New Zealand trong trong tiết thể dục tại King's College (TP.Auckland, New Zealand). NGỌC LONG
Một điểm nhấn khác ông Burrows nêu ra là dù New Zealand muốn thu hút thêm du học sinh, song nước này không muốn tăng trưởng "nóng" ở mức độ hàng trăm nghìn người. Ví dụ cụ thể, ông Burrows cho biết vào thời điểm trước dịch, khoảng 130.000 sinh viên quốc tế học ở New Zealand. Con số này giảm mạnh khi nước này đóng cửa biên giới vì Covid-19 và hồi phục lại khoảng một nửa vào năm 2023, với gần 70.000 người.
"Đất nước chúng tôi khá nhỏ, với dân số khoảng 5 triệu người (thấp hơn tổng dân số tại TP.HCM là 8,9 triệu người vào năm 2023 - PV) và nền văn hóa bản địa hướng về thiên nhiên, thế nên không thể tiếp nhận quá đông du học sinh. Ngoài ra, việc thu hút du học sinh còn tạo cơ hội cho người học New Zealand tiếp cận với đa dạng lối sống, văn hóa của các nước, từ đó giúp cả hai bên trở thành những công dân toàn cầu", ông nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Trung, Đại sứ Việt Nam tại New Zealand, nhìn nhận nền giáo dục của New Zealand được thiết kế phù hợp với quy mô dân số ít. Thế nên, cách tiếp cận của họ "rất thực tế, đi thẳng vào nhu cầu của học sinh nhằm hướng tới thị trường lao động chứ không hướng tới bằng cấp, thành tích".
Điều này thể hiện rõ nét qua hệ thống giáo dục cho phép học sinh có thể đi làm sau khi tốt nghiệp THPT, cũng như bậc giáo dục ĐH phân hóa rõ theo hướng nghiên cứu (với 8 ĐH) hoặc ứng dụng (các trường thuộc Học viện Kỹ năng và công nghệ, các trường tư thục). Cơ hội làm việc rất rộng mở vì New Zealand đang thiếu lao động và du học sinh cũng được phép làm thêm 20 giờ/tuần, theo Đại sứ Nguyễn Văn Trung.
Đại sứ Việt Nam tại New Zealand Nguyễn Văn Trung (ngồi đầu bàn) trong một buổi họp mặt với truyền thông và cựu sinh viên New Zealand hồi tháng 11.2023. NGỌC LONG
Theo thống kê từ ENZ, 69.135 du học sinh nhập học ở các đơn vị cung cấp giáo dục tại New Zealand vào năm 2023, tăng 67% so với năm 2022. Trong đó, Việt Nam có 1.736 người, tăng 10% so với năm trước song vẫn cách mức kỷ lục khoảng một nửa (3.042 người vào 2019), tập trung đông nhất ở các ĐH (1.120) và trường phổ thông (308).