Một điểm đến cho phép du học sinh làm thêm không giới hạn thời gian

Du học sinh bậc ĐH, sau ĐH ở Hồng Kông hiện có thể đi làm thêm không giới hạn thời gian, nối tiếp loạt quy định nới lỏng chính quyền đặc khu đưa ra trong những năm qua.Một điểm đến cho phép du học sinh làm thêm không giới hạn thời gian

Du học sinh tại Hồng Kông. ẢNH: ĐH HỒNG KÔNG

Áp dụng với bậc ĐH, sau ĐH

Theo thông cáo từ chính quyền đặc khu Hồng Kông (Trung Quốc), từ đầu tháng 11 này, sinh viên nước ngoài học chương trình ĐH chính quy sẽ tạm thời được miễn trừ các hạn chế về làm việc bán thời gian. Đồng nghĩa, du học sinh được tự do làm thêm thay vì bị giới hạn 20 giờ/tuần chỉ trong khuôn viên trường như trước, hay bị giới hạn phải đi thực tập liên quan đến chuyên ngành trong năm học và vào kỳ nghỉ hè.

Để được làm việc bán thời gian ở Hồng Kông, du học sinh phải có Thư không phản đối (NOL) cấp bởi Cục Xuất nhập cảnh (ImmD). Trước đây, sinh viên quốc tế phải xin giấy thông báo từ trường ĐH để gửi ImmD sau đó đợi giám đốc ImmD chấp thuận mới được cấp NOL. Còn theo quy định mới, ImmD sẽ cấp NOL cho những sinh viên đủ điều kiện thông qua trường ĐH, không yêu cầu phải nộp đơn riêng nữa.

"Quy định mới về NOL sẽ giúp sinh viên quốc tế như tôi dễ tìm việc làm thêm hơn. Các công ty cũng không còn e ngại khi tuyển dụng sinh viên nước ngoài nữa vì nhiều rủi ro có thể xảy ra. Trước đây, tôi từng bị trì hoãn quá trình nhận việc vì các vấn đề liên quan đến NOL", sinh viên ĐH Hồng Kông Kylie Zhong nói với tờ Shroffed.

Khoảng 20.000 sinh viên ĐH được hưởng lợi từ quy định mới, thông cáo cho biết. Trước đó, Hồng Kông hồi tháng 11.2023 cũng quyết miễn trừ các hạn chế về làm việc bán thời gian với bậc sau ĐH, hỗ trợ cho khoảng 35.000 học viên nước ngoài.

Theo chính quyền đặc khu Hồng Kông, việc cho phép sinh viên nước ngoài bậc ĐH và sau ĐH khóa chính quy được tự do làm bán thời gian sẽ giúp thu hút thêm nhiều du học sinh đến Hồng Kông hơn. Điều này cũng nhằm mục đích giảm bớt tình trạng thiếu nhân lực tại khu vực, đồng thời giúp các bạn sinh viên chuẩn bị tốt hơn cho sự nghiệp lâu dài sau tốt nghiệp.

Thông cáo cho biết thêm chính quyền đặc khu Hồng Kông sẽ đánh giá hiệu quả của các quy định này vào năm 2025 trước khi xem xét áp dụng lâu dài.

Một điểm đến cho phép du học sinh làm thêm không giới hạn thời gian

Ông Nguyễn Tấn Phát (giữa), Giám đốc tuyển sinh bậc ĐH của ĐH Hồng Kông tại Việt Nam, trong một phiên tư vấn cho người học. ẢNH: NGỌC LONG

Trước đó vào 2023, chính quyền đặc khu Hồng Kông đã quyết định nới lỏng chính sách thị thực cho người Việt, tạo điều kiện để học sinh Việt Nam có thể đến đặc khu này học tập. Điểm đến này năm ngoái còn yêu cầu các trường ĐH công lập tăng gấp đôi số lượng sinh viên ở nước ngoài và Trung Quốc đại lục lên 40%, đồng thời lập Văn phòng hỗ trợ nhân tài để tư vấn, giúp đỡ sinh viên quốc tế có ý định ở lại làm việc.

Du học sinh lưu ý gì?

Ông Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc tuyển sinh bậc ĐH của ĐH Hồng Kông tại Việt Nam, cho biết tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức trong môi trường làm việc ở Hồng Kông, thế nên du học sinh chưa sành sỏi tiếng Trung vẫn có thể tìm được việc làm thêm như người bản địa. Riêng với du học sinh Việt, ông Phát khuyên các bạn có thể ứng tuyển để thành đại sứ của trường, vừa được trả thù lao vừa có cơ hội giao lưu, tổ chức các hoạt động.

Ông Phát nói thêm, trường ĐH cũng có bộ phận riêng chuyên cung cấp các thông tin về vị trí thực tập khả dụng cho sinh viên, và đây là cơ hội để các bạn có thể đi làm ngay từ năm nhất. "Nhưng một trong những mục tiêu của việc du học là tốt nghiệp đúng hạn, vì vậy các bạn đừng bỏ bê học và chỉ lo đi làm", ông Phát khuyên, nói thêm sau tốt nghiệp, sinh viên của trường có thu nhập 4.100 USD/tháng (103 triệu đồng), chưa khấu trừ thuế.

Trong khi đó, theo Cục Lao động Hồng Kông, mức lương tối thiểu từ 1.5.2023 đến nay theo luật định là 40 HKD/giờ (130.000 đồng), tăng 2,5 HKD so với trước. Mức này được áp dụng với cả du học sinh nhưng có một số ngoại lệ các bạn được miễn trả lương theo mức tối thiểu mà tùy vào thỏa thuận với người sử dụng lao động. Ngoài ra, lương tối thiểu sẽ được xem xét lại và điều chỉnh vào tháng 5 năm sau.

Theo Cục Giáo dục Hồng Kông, học phí áp dụng cho sinh viên quốc tế tại 8 trường ĐH công lập dao động từ 90.000-265.000 HKD/năm tùy bậc học (293-864 triệu đồng), chưa bao gồm các khoản khác như tài liệu học tập, phí ghi danh, phí tốt nghiệp... Trong khi đó, chỗ ở dao động từ 15.000-180.000 HKD/năm (48-586 triệu đồng) tùy loại hình, còn chi phí sinh hoạt khoảng 50.000 HKD/năm (163 triệu đồng).

Theo Ngọc Long/ Thanh niên

 

Tin cùng chuyên mục

Xét tuyển học sinh Việt Nam bằng điểm bài thi chuẩn hóa là động thái mới từ ĐH Quốc gia Úc (ANU), sau nhiều năm chỉ nhận ứng viên học ở 92 trường chuyên, trường điểm.
Chính phủ Hungary sẽ cấp tối đa 200 suất học bổng cho công dân Việt Nam để theo học tại Hungary ở các lĩnh vực: Khoa học Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học, Bán dẫn, Khoa học dữ liệu, Khoa học máy tính, Trí tuệ nhân tạo, Giáo dục, Kinh tế, Khoa học y tế và sức khỏe, Nông nghiệp, Khoa học tự nhiên, Nghệ thuật, Khoa học xã hội và Nhân văn, Luật, Kiến trúc, Thú y và Khoa học thể thao.
Cục Hợp tác quốc tế - Bộ GD -ĐT cho biết năm 2025 Chính phủ Trung Quốc sẽ cấp 34 chỉ tiêu học bổng cho công dân Việt Nam đi đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ tại Trung Quốc theo diện Hiệp định.
Châu Âu đang trở thành điểm đến hấp dẫn sinh viên Việt Nam nhờ hệ thống giáo dục chất lượng cao, chi phí học tập hợp lý, đặc biệt là cơ hội miễn hoặc giảm học phí. Với chương trình đào tạo nghề tại nhiều quốc gia, người học không chỉ được miễn học phí mà còn được trả lương từ 800-1.200 euro/tháng.
Du học sinh Việt ngoài được miễn học phí và nhận trợ cấp 1.000 euro/tháng khi học nghề Điều dưỡng, còn có nhiều cơ hội việc làm sau tốt nghiệp vì lĩnh vực này đang thiếu lao động.
Hơn 10.000 thư mời nhập học của sinh viên quốc tế từ các trường cao đẳng và đại học Canada đã bị phát hiện là có khả năng giả mạo trong năm nay, theo thông tin từ quan chức di trú phụ trách sinh viên quốc tế ở nước này.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Các ngành công nghiệp số cốt lõi nào được đẩy mạnh đào tạo nhân lực?
Bên cạnh ngành công nghiệp bán dẫn, các ngành công nghệ số cốt lõi đã được Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh đào tạo nhân lực đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.