Lo thi tốt nghiệp THPT không như ý, thí sinh đổ xô xét học bạ vào đại học

Thí sinh đổ xô xét tuyển học bạ để chắc suất vào đại học hơn là ngồi chờ kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, “số phận” kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 rất khó đoán, có thể phải liên tục hoãn như năm 2020, cũng có thể phải tổ chức làm nhiều đợt cho những địa phương đang phong tỏa, cách ly. Thí sinh đổ xô xét tuyển học bạ để chắc suất vào đại học hơn là ngồi chờ kết quả của kỳ thi

Xét học bạ vào đại học tăng mạnh 

Ngày 24/5, Trường đại học (ĐH) Sư phạm TP.HCM bắt đầu mở cổng nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển bằng học bạ. Chị Phụng Giao, có con nộp hồ sơ xét tuyển vào trường, chia sẻ: “Con tôi đăng ký ba nguyện vọng vào trường này và thêm Trường ĐH Mở TP.HCM, Trường ĐH Tài chính Marketing, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM. Ban đầu, con không định nộp hồ sơ nhiều như vậy, nhưng thấy tình hình dịch bệnh phức tạp, không biết khi nào mới thi. Thấy vậy nên tôi khuyên con lấy học bạ làm trọng tâm xét tuyển, đợi kết quả tốt nghiệp THPT nữa cho an tâm thôi”. 

Từ tháng Năm, khi đợt dịch thứ tư bùng phát trở lại, nhiều cuộc chuyển hướng tương tự như thế đã diễn ra. Nếu như trước đây thí sinh chú trọng lấy điểm thi để xét vào ĐH thì nay đã có sự biến chuyển rõ rệt. Thực tế hiện nay, kể cả trường ĐH công lập hay tư thục đều dành không ít chỉ tiêu cho phương thức này. 

Lo thi tốt nghiệp THPT không như ý, thí sinh đổ xô xét học bạ vào đại học
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển tại Trường đại học Công nghệ TP.HCM - Ảnh: Phúc Trần

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết: tính đến thời điểm này, có khoảng 16.000 thí sinh đăng ký trực tuyến và khoảng 5.000 thí sinh nộp hồ sơ trực tiếp tại trường. Trường cũng khống chế số lượng nguyện vọng, tối đa mỗi thí sinh chỉ được đăng ký năm nguyện vọng. Do dịch bệnh nên hiện chỉ nhận hồ sơ trực tuyến hoặc qua đường bưu điện đến ngày 15/7. Trường dự kiến tuyển phương thức này là 30% tổng chỉ tiêu (khoảng 2.500). Nhóm ngành kinh doanh - quản lý, công nghệ thông tin, ô tô, du lịch... có số lượng thí sinh đăng ký nhiều nhất. 

Hầu hết các trường đều có lượng thí sinh đăng ký phương thức này tăng đáng kể so với những năm trước. Số thí sinh đăng ký thường vượt xa chỉ tiêu tuyển sinh. Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM có bốn phương thức xét tuyển, cho gần 5.000 chỉ tiêu. Với phương thức học bạ, trường (cả cơ sở chính và hai Phân hiệu Ninh Thuận, Gia Lai) có gần 13.000 nguyện vọng xét tuyển cho khoảng 1.700 chỉ tiêu.

Tương tự, thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và Phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, thông tin: trường ưu tiên xét tuyển và xét học bạ khoảng 12% tổng chỉ tiêu. Dù trường dành chỉ tiêu cho phương thức xét học bạ không nhiều, chỉ khoảng 420 chỉ tiêu cho chương trình chất lượng cao và quốc tế song bằng, nhưng đã nhận được khoảng 3.800 hồ sơ. 

Trường ĐH Nguyễn Tất Thành sau đợt xét tuyển đầu tiên đã nhận được hơn 8.000 hồ sơ gửi về qua hình thức trực tiếp hoặc gửi theo đường bưu điện. Riêng hình thức đăng ký trực tuyến có hơn 12.000 hồ sơ. Tiến sĩ Trần Ái Cầm, Quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho hay: “Nhà trường khuyến khích thí sinh nộp hồ sơ online hoặc gửi qua đường bưu điện cho an toàn. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, trường cũng sẽ liên hệ để thí sinh an tâm và hướng dẫn các thủ tục tiếp theo”.

Hay như Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM có số nguyện vọng đăng ký xét học bạ đến thời điểm này hơn 40.000. Trong đó, ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng có tổng số nguyện vọng theo ngành cao nhất là hơn 3.000 nguyện vọng, ngành công nghệ thông tin với gần 2.500 nguyện vọng, ngành công nghệ kỹ thuật ô tô với gần 2.000 nguyện vọng. 

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết, trường chỉ xét 30% chỉ tiêu (trong tổng 7.200 chỉ tiêu) bằng phương thức này. Hiện chỉ sau đợt 1 có khoảng 6.000 nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường, khả năng còn tiếp tục tăng ở các đợt tiếp theo. Số lượng này tăng nhiều so với năm chưa có dịch. 

Dễ ảo đến 60-70%

Theo thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM, tính đến thời điểm này có 2.200 thí sinh xét tuyển với khoảng 6.500 nguyện vọng, tăng 30-40% so với các năm trước. Điều này cho thấy sự dịch chuyển rõ rệt. Tuy nhiên, số lượng tăng cũng không khiến các trường an tâm vì phương thức học bạ luôn tiềm ẩn tỷ lệ ảo rất lớn. Các trường rất khó để xác định điểm chuẩn để gọi nhập học, gọi dư chỉ tiêu hay thiếu đều không được. 

Nếu xác định điểm chuẩn thấp - gọi nhiều thí sinh trúng tuyển để trừ hao mà tỷ lệ thí sinh nhập học cao thì tuyển vượt chỉ tiêu, bị chế tài. Ngược lại nếu gọi vừa đủ, thí sinh nhập học ít thì thiếu chỉ tiêu đào tạo. Hơn nữa, điểm chuẩn đợt sau không thể giảm so với đợt trước nên nếu đã tuyển thiếu chỉ tiêu rất khó tuyển đủ ở các đợt sau. 

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân nhấn mạnh: xét học bạ sợ nhất là ảo, việc xác định điểm chuẩn, gọi nhập học dựa vào kinh nghiệm để làm. Năm trước, tỷ lệ ảo học bạ của trường là 40-50% tùy ngành, có ngành gọi 10 thí sinh chỉ có 4-5 thí sinh nhập học. Một thí sinh được quyền nộp hồ sơ vào nhiều trường nên ảo rất nhiều. Chính vì vậy, trường hạn chế mỗi thí sinh chỉ đăng ký xét tuyển tối đa năm nguyện vọng. 

Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ cũng thừa nhận, khi số lượng càng tăng ảo càng kinh hoàng. Chuyện gọi 10 thí sinh nhập học mà chỉ có ba thí sinh xác nhận là bình thường. Ngành nào gọi đạt 50% là rất tốt. Xét tuyển bằng học bạ không có cơ chế lọc ảo chung như điểm thi. Thời gian tới cần tính toán giải pháp để xét học bạ bớt ảo. 

“Quy chế đã quy định rất rõ thí sinh trúng tuyển các phương thức trước thì các trường phải cập nhật trên hệ thống để xóa khỏi dữ liệu, nhường cơ hội lại cho các thí sinh khác. Năm nay, học sinh du học có thể giảm do dịch bệnh nhưng rất nhiều trường sử dụng nhiều phương thức xét tuyển, kể cả tuyển thẳng nên cần nghiêm túc thực hiện quy chế nhằm giảm ảo, giảm lo lắng”, tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, đề xuất. 

Theo Tiêu Hà/PNO

 

Tin cùng chuyên mục

Bộ GD&ĐT chính thức ban hành kế hoạch tuyển sinh đại học và tuyển sinh ngành cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024.
Thí sinh muốn phúc khảo bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cần đăng ký trong khoảng thời gian từ ngày 15 đến 17- 4.
ĐH Quốc gia TP.HCM vừa công bố kết quả kỳ thi đánh giá năng lực 2024 đợt 1, trong đó thủ khoa đạt 1.076 điểm (thang điểm 1.200).
Hôm nay (15/4), ĐH Quốc gia TP.HCM công bố điểm thi đánh giá năng lực đợt 1. Kỳ thi có gần 100.000 thí sinh tham dự. Sau đây là cách xem điểm thi đánh giá năng lực.
Có trường đại học, có ngành, thí sinh phải đạt từ 850 điểm (thang điểm 1.200) thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM mới được nộp hồ sơ xét tuyển.
Năm 2024, Trường ĐH Y dược TP.HCM thêm phương thức tuyển sinh mới, áp dụng riêng cho 2 ngành y khoa và răng-hàm-mặt.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề