Liên thông ĐH mà không có bằng tốt nghiệp THPT, gỡ khó từ đâu?

Mặc dù quy chế cho phép học sinh tốt nghiệp trung cấp đã học và thi đủ khối lượng văn hóa do Bộ GD-ĐT quy định được liên thông lên ĐH nhưng thực tế đa số các trường ĐH yêu cầu phải có bằng tốt nghiệp THPT.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT, đánh giá: “Rõ ràng người tốt nghiệp THCS có bằng trung cấp và hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa do Bộ GD-ĐT quy định, hiện nay không được đa số các trường ĐH tiếp nhận trong xét tuyển ĐH hoặc liên thông lên ĐH, mặc dù các văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này cho phép".

"Do đó, một người học trung cấp xong đi làm 10 năm rồi, muốn học tiếp ĐH lại bắt các em phải thi tốt nghiệp THPT để có bằng, thì liệu có phải là đánh đố hay không? Điều này cũng trái với triết lý học tập suốt đời mà chúng ta đang hướng đến”, tiến sĩ Vinh nói.

Học sinh tốt nghiệp THCS học trung cấp tại một trường CĐ. M.Q

Nên công nhận bằng tốt nghiệp trung cấp 9+3 tương đương bằng THPT

Hiện nay, với cùng một mục tiêu đào tạo trình độ trung cấp, Việt Nam có đến 3 khung thời gian là 1 năm, 2 năm và 3 năm dành cho học sinh tốt nghiệp THCS.

Tôi kiến nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đề nghị Chính phủ gọi trình độ 9+3 và THPT là bằng trung học (secondary level) như nhiều quốc gia khác. Nghĩa là 2 bằng này tương đương nhau. Hiện nay không chỉ trường ĐH yêu cầu thí sinh phải có bằng tốt nghiệp THPT mà cơ quan, tổ chức cũng bắt người lao động phải có bằng THPT, như vậy là trái luật nghiêm trọng

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT

Trong đó, chương trình 9+3 tại nhiều trường được thiết kế gồm học nghề kết hợp với học khối lượng kiến thức văn hóa THPT do Bộ GD-ĐT quy định. Đối với 9+1 và 9+2, học sinh chủ yếu chỉ học nghề để tốt nghiệp là đi làm ngay, không đủ điều kiện để liên thông lên CĐ.

"Tôi kiến nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đề nghị Chính phủ gọi trình độ 9+3 và THPT là bằng trung học (secondary level) như nhiều quốc gia khác. Nghĩa là 2 bằng này tương đương nhau. Hiện nay không chỉ trường ĐH yêu cầu thí sinh phải có bằng tốt nghiệp THPT mà cơ quan, tổ chức cũng bắt người lao động phải có bằng THPT, như vậy là trái luật nghiêm trọng", tiến sĩ Vinh nhìn nhận.

Được biết, trước năm 2017, khi giáo dục nghề nghiệp (gồm CĐ, trung cấp, trung tâm dạy nghề) chưa về Bộ LĐ-TB-XH quản lý, thì trung cấp và CĐ được chia làm 2 hệ, một là hệ CĐ, trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) thuộc Bộ GD-ĐT quản lý và một là hệ CĐ, trung cấp nghề thuộc Bộ LĐ-TB-XH quản lý. Thời điểm đó, việc liên thông cho người có bằng TCCN thuận lợi hơn do ông Hoàng Ngọc Vinh lúc bấy giờ là Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp có ký một văn bản gửi các sở GD-ĐT, trường ĐH, CĐ, TCCN và cơ sở khác có đào tạo TCCN.

Văn bản này có nội dung: "Căn cứ luật Giáo dục và các quy định hiện hành về đào tạo, trường hợp người học đã có bằng tốt nghiệp TCCN nhưng chưa có bằng tốt nghiệp THPT, nếu đã học và được công nhận hoàn thành các môn văn hóa trong chương trình giáo dục THPT hoặc trong chương trình đào tạo TCCN (dành cho đối tượng đã tốt nghiệp THCS) theo quy định của Bộ GD-ĐT, thì bằng tốt nghiệp TCCN của người học nói trên được sử dụng thay thế cho bằng tốt nghiệp THPT để học lên cao hoặc cho nhu cầu tuyển dụng".

Thạc sĩ Trần Phương, Hiệu trưởng Trường trung cấp Việt Giao, cho rằng nếu Bộ GD-ĐT tiếp tục có văn bản công nhận bằng trung cấp 9+3 tương đương với bằng tốt nghiệp THPT như văn bản trên, thì việc liên thông của đối tượng này sẽ rõ ràng hơn, từ đó các trường ĐH cũng không thể không tiếp nhận.

Tiến sĩ Phan Thị Hải Vân, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ TP.HCM, cũng nhận định: "Đây là nhu cầu, quyền lợi chính đáng của người học, quy định cũng đã có, nhưng các trường ĐH lại không thực hiện gây thiệt thòi cho các em, ảnh hưởng tới tâm lý của phụ huynh, cũng như công tác phân luồng. Thiết nghĩ Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB-XH cũng nên ngồi lại thống nhất quan điểm và có văn bản chỉ đạo các trường ĐH để nhà trường tiếp nhận học sinh tốt nghiệp trung cấp đúng theo quy định".

Quy định liên thông ở các nước

GS-TS Trương Nguyện Thành cho biết ở Mỹ thì cầu nối liên thông nằm trong từng cấp, từ THPT lên ĐH. "Ở bậc THPT, học sinh có cơ hội chọn hướng nghề sớm hoặc lên ĐH. Nếu chọn nghề thì có thể lấy một số lớp như sửa máy, nấu ăn, mạng và máy tính... và vài lớp có thể nhận tín chỉ cho bằng CĐ. Nếu chọn học ĐH thì học sinh có thể lấy một số lớp chuyên như các lớp AP (Advanced Placement) được cấp tín chỉ ĐH. Trong CĐ cũng có chương trình liên thông lên ĐH. Sinh viên khi đang học CĐ có cơ hội lấy một số lớp cơ bản mà trình độ có thể chuyển tiếp và nhận tín chỉ ở ĐH", ông Thành nói.

Theo giáo sư Thành, khá nhiều du học sinh Việt Nam tận dụng các chương trình liên thông này ở các CĐ Mỹ có tên (Community College) để lên ĐH với học phí rẻ hơn.

Còn tại Phần Lan, theo tiến sĩ Vinh, học xong bậc THCS, học sinh có thể chọn học tiếp lên THPT hoặc giáo dục nghề nghiệp. Chương trình giáo dục nghề nghiệp kéo dài 3 năm, sau đó người học có thể học liên thông lên ĐH.

Theo Mỹ Quyên/TNO

Tin cùng chuyên mục

Hiện nay, nhiều thí sinh muốn học khối ngành kỹ thuật nhưng lại không biết khi tốt nghiệp sẽ được cấp bằng cử nhân hay bằng kỹ sư. Theo các cơ sở đào tạo (các đại học, trường đại học, trường cao đẳng), sinh viên tốt nghiệp có thể nhận bằng cử nhân hoặc bằng kỹ sư tùy theo lựa chọn của người học.
Theo các nhà chuyên môn, hiện nay có một số ngộ nhận về nhân lực trình độ đại học cho công nghiệp chip bán dẫn cần được "giải ảo".
Từ khi các trường ĐH được thực hiện tự chủ mở ngành, hàng trăm ngành học mới được mở ra nhưng trong số đó nhiều ngành không tuyển được sinh viên dẫn đến đóng cửa.
Từ khi trường ĐH được tự chủ mở ngành đào tạo, hàng loạt ngành mới xuất hiện mỗi năm. Nhưng nhiều ngành đã nhanh chóng đóng cửa chỉ sau một vài năm tuyển sinh.
Từ quy định tối thiểu của Bộ GD&ĐT, cơ sở đào tạo đại học (ĐH) được phép nâng “sàn” nên đôi khi những người trong cuộc cảm thấy băn khoăn do chưa thực sự nắm bắt được ngọn nguồn vấn đề trong đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam
Rất nhiều quảng cáo hấp dẫn về các khóa luyện thi, các sách luyện đề đánh giá năng lực được tung ra, nhất là trong giai đoạn nước rút. Các chuyên gia nhất quán cho rằng, tham gia những khóa luyện thi vừa tốn tiền, vừa mất thời gian mà không mang lại hiệu quả.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề