Các chứng chỉ quốc tế có lệ phí cao nhất hơn 5 triệu đồng, các chứng chỉ trong nước không vượt quá 1 triệu đồng.
Các trường đại học xét tuyển sớm bằng nhiều chứng chỉ khác nhau bao gồm bài thi chuẩn hóa quốc tế, bài thi chuẩn hóa trong nước và các chứng chỉ ngoại ngữ.
Hiện, không có sự phân biệt chứng chỉ quốc tế và chứng chỉ trong nước khi xét tuyển đầu vào của các trường. Thông thường, các chứng chỉ sẽ được quy đổi về cùng 1 thang đo trên thang điểm 30.
Tuy vai trò bình đẳng trong xét tuyển đại học, lệ phí thi các chứng chỉ có sự chênh lệch rất lớn.
Thí sinh thi chứng chỉ TOEFL (Nguồn ảnh: IIG).
SAT là bài thi đánh giá năng lực chuẩn hóa của Mỹ, được khoảng 20 trường đại học tại Việt Nam sử dụng trong xét tuyển đầu vào.
Theo thông báo mới nhất từ College Board - đơn vị khảo thí SAT - lệ phí thi SAT từ tháng 8/2024 tại Mỹ là 68 USD. Các thí sinh quốc tế sẽ phải trả thêm 1 khoản phí là 43 USD.
Như vậy tại Việt Nam, lệ phí thi SAT năm nay là 111 USD, tương đương 2,8 triệu đồng.
Ngoài ra, thí sinh sẽ mất thêm phụ phí khi phát sinh nhu cầu riêng như: Phí hủy, đổi lịch thi 29 USD (733.000 đồng); phí báo kết quả gấp trong trường hợp thí sinh cần điểm sớm 31 USD (783.000 đồng).
Tương tự chứng chỉ SAT là chứng chỉ ACT. Bài thi chuẩn hóa của Mỹ này không quá phổ biến tại Việt Nam như SAT nhưng được trên 20 trường đại học top đầu sử dụng.
Chi phí thi ACT cao gần gấp đôi SAT và thay đổi tùy theo nhu cầu của thí sinh.
Cụ thể, thi ACT cơ bản không kèm bài luận là 181,5 USD (4,58 triệu đồng). Thi ACT kèm bài luận là 206,5 USD (5,2 triệu đồng). Phí thi bài luận riêng là 25 USD (632.000 đồng).
Cứ mức lệ phí tương đương ACT là TOEFL iBT.
Theo thông báo của ETS - đơn vị khảo thí bài thi TOEFL iBT - lệ phí thi chứng chỉ năm nay là 200 USD (5 triệu đồng).
Thí sinh đăng ký cấp tốc (trong vòng 7 ngày kể từ ngày thi) mất thêm 40 USD (1 triệu đồng). Phí đổi lịch thi là 60 USD (1,5 triệu đồng).
Chứng chỉ tiếng Anh IELTS có lệ phí là 4,66 triệu đồng, áp dụng cho cả bài thi trên giấy và trên máy tính.
Phí thi lại 1 kỹ năng là 2,94 triệu đồng.
Mức phí này áp dụng đến hết tháng 12/2024.
Trong số các chứng chỉ trong nước, mức lệ phí cao nhất là chứng chỉ tiếng Anh VSTEP với khoảng 1,8 triệu đồng tùy theo đơn vị tổ chức.
Tại Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Ngoại thương, Đại học Sư phạm Hà Nội, lệ phí thi đối với thí sinh tự do là 1,8 triệu đồng. Riêng Đại học Thái Nguyên thu 1,2 triệu đồng.
Đối với thí sinh là sinh viên, học sinh của trường, các trường thu từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng.
Tương tự, chứng chỉ V-SAT cũng có mức lệ phí khác nhau, tùy thuộc vào từng trường đại học. Đại học Thái Nguyên, Học viện Ngân hàng, Đại học Cần Thơ thu 120.000 đồng/môn thi. Đại học Sài Gòn, Đại học Ngân hàng TPHCM thu 115.000 đồng/môn thi.
Chứng chỉ HSA - bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội - là chứng chỉ phổ biến được sử dụng tại 97 trường đại học - có mức lệ phí hấp dẫn là 500.000 đồng. Trong khi đó, bài thi tương tự của Đại học Quốc gia TPHCM (chứng chỉ APT) có lệ phí 300.000 đồng.
Lệ phí là yếu tố quan trọng tác động đến sự lựa chọn của thí sinh vào mỗi dịp xét tuyển đại học. Đa số học sinh ở các vùng ngoài đô thị chọn chứng chỉ "nội địa" như HSA, APT, TSA. Trong khi đó, học sinh ở các thành phố lớn chọn IELTS, SAT, TOEFL iBT…
Theo Hoàng Hồng/ Dân trí