Việc đặt nguyện vọng (NV) vào trường công lớp 10 là một bước rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến việc học tập và định hướng tương lai của học sinh. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh, học sinh vì những lý lo khác nhau đã chọn trường để đặt NV theo cách "đậu bằng mọi giá" mà quên việc "chọn trường phù hợp" dẫn đến nhiều chuyện “dở khóc dở cười” sau mỗi mùa tuyển sinh.

Thí sinh thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM. Ảnh TTXVN
Thông thường hàng năm, học sinh dự tuyển vào lớp 10 có 3 NV xét tuyển vào trường THPT công lập khối không chuyên (trường thường). Tuy nhiên đăng ký NV như thế nào cho hợp lý thì không phải phụ huynh nào cũng nắm. Vì thế mà năm nào sau mỗi kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập cũng xảy ra các tình trạng "khóc không được mà cười cũng không xong" trong đăng ký NV như: học sinh có điểm thi cao nhưng trượt hết các NV; học sinh học giỏi nhưng chọn trường “top” giữa dẫn đến thừa điểm vào trường “top” trên; học sinh có sức học trung bình, do đua theo bạn chọn NV1 ở trường “top” trên nên bị trượt; học sinh chọn NV1 và NV2 quá sát nhau, dẫn đến trượt cả 2 NV. Học sinh chỉ đăng ký duy nhất 1 NV dẫn đến trượt; học sinh chỉ đăng ký 2 NV và không đỗ NV nào; học sinh trượt hết 3 NV do sắp xếp và lựa chọn NV không phù hợp...
Vậy làm thế nào để có thể đặt NV lớp 10 cho chuẩn? Dưới đây là một số lưu ý và cách đặt NV lớp 10 chuẩn để giúp phụ huynh và học sinh đưa ra quyết định hợp lý:
Hiểu rõ quy chế tuyển sinh của địa phương
Mỗi tỉnh/thành phố có quy định riêng về việc xét tuyển, thi tuyển, và số lượng NV được đăng ký. Ví dụ: Ở TP.HCM mỗi thí sinh thường được đăng ký 3 NV vào các trường THPT công lập thường, còn ở các tỉnh khác thì có thể khác.
Tìm hiểu điểm chuẩn các năm trước của trường muốn chọn
Tham khảo điểm chuẩn của những trường muốn chọn trong 1–3 năm gần nhất để ước lượng khả năng trúng tuyển, đồng thời so sánh với học lực hiện tại của học sinh và kết quả thi thử nhằm xác định năng lực xem có phù hợp.
Không chạy theo “trường hot”
Đừng chọn trường quá cao so với khả năng của học sinh vì rủi ro cao là rớt cả 3 NV.
Tốt hơn nên chọn trường vừa sức hoặc thấp hơn chút xíu so với năng lực của học sinh. Nên chọn trường gần nhà nếu có thể, để tiết kiệm thời gian và đảm bảo sức khỏe.
Tham khảo ý kiến thầy cô và phụ huynh
Nếu chưa thực sự hiểu rõ năng lực học tập của con em, phụ huynh có thể tham khảo ý kiến giáo viên chủ nhiệm, thầy cô bộ môn và phụ huynh khác có nhiều kinh nghiệm, có thể giúp phụ huynh đưa ra lời khuyên đúng đắn khi lựa chọn NV cho con em mình.
Cách đặt nguyện vọng phù hợp
Các nguyện vọng thường được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống, nếu trúng tuyển nguyện vọng nào, thí sinh phải học nguyện vọng đó và không được thay đổi thứ tự hay nội dung. Sau đây là cách đặt NV phù hợp nhất nhé:
Nguyện vọng 1 (NV1): Chọn trường yêu thích nhất có điểm chuẩn phù hợp với sức học.
Nguyện vọng 2 (NV2): chọn trường có mức điểm chuẩn vừa phải để có khả năng đậu cao hơn. Cụ thể nên chọn trường có điểm chuẩn thấp hơn 2 - 3 điểm so với điểm chuẩn của trường NV1 và cùng thuộc khu vực tuyển sinh.
Nguyện vọng 3 (NV3): Chọn trường an toàn, đảm bảo đậu nếu rớt 2 NV trên. Ở NV này, học sinh được lựa chọn khu vực tuyển sinh bất kỳ vì đây thường được xác định là NV cứu cánh, dự phòng nếu chẳng may học sinh trượt cả hai NV đầu nên cần đặt trường có điểm chuẩn thấp hơn khoảng 3 điểm so với điểm chuẩn của trường NV2, thậm chí chênh nhiều hơn 3 điểm.
Tại sao kỳ thi tuyển sinh lớp 10 lại khó hơn đại học?
Việc nói rằng thi vào lớp 10 khó hơn thi đại học không phải là vô lý, dù hai kỳ thi này có mục đích và tính chất khác nhau. Dưới đây là một số lý giải:
Tỷ lệ chọi cao hơn
Ở nhiều thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM, số lượng học sinh thi vào lớp 10 công lập rất đông, nhưng số lượng trường THPT công lập lại giới hạn.
Ví dụ: Hà Nội có khoảng 100.000 học sinh lớp 9 nhưng chỉ khoảng 60-70% vào được trường công lập, còn lại phải học trường tư hoặc trung tâm GDTX.
Trong khi đó, thi đại học hiện nay có nhiều trường, nhiều ngành và phương thức xét tuyển đa dạng hơn (học bạ, điểm thi, tuyển thẳng...).
Ít lựa chọn và ít cơ hội
Học sinh lớp 9 thường chỉ được đăng ký 2–3 nguyện vọng vào các trường THPT công lập, nếu trượt sẽ phải chuyển sang trường tư, trung tâm GDTX, hoặc học nghề.
Trong khi thi đại học, thí sinh có thể đăng ký nhiều nguyện vọng, nhiều trường, và có thể điều chỉnh nguyện vọng sau khi biết điểm.
Áp lực từ xã hội và gia đình
Lớp 10 được coi là bước đệm cực kỳ quan trọng, vì vào được trường công lập "tốt" sẽ giúp con đường học hành sau này thuận lợi hơn.
Nhiều phụ huynh kỳ vọng con vào các trường “top” như trường chuyên, trường “top” trên nên áp lực rất lớn.
Cách ra đề thi mang tính phân loại cao
Đề thi vào lớp 10 thường rất “gắt”, nhất là ở môn Toán và Văn, với những câu hỏi mang tính phân hóa cao để chọn học sinh giỏi. Trong khi đề thi đại học có những năm khá nhẹ nhàng, tính phân loại chưa cao.
Thi lớp 10 diễn ra trong bối cảnh chuyển cấp
Học sinh đang ở độ tuổi 14–15, vừa mới trải qua THCS, tâm lý còn non, kỹ năng làm bài chưa tốt nên cảm giác "khó" là điều dễ hiểu.
Còn khi lên lớp 12, học sinh đã trưởng thành hơn và cũng dần quen với việc học và áp lực thi cử.
T.Xuân