Về thời gian tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) nêu dự kiến: "Công tác coi thi kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ được tổ chức trong 2 ngày với 3 buổi thi. Trong đó 1 buổi thi môn ngữ văn, 1 buổi thi môn toán, 1 buổi thi 2 môn tự chọn trong số các môn học ở lớp 12 (tổ hợp tự chọn). Căn cứ các môn thi đã được công bố tại phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 và Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì sẽ có tới 36 tổ hợp tự chọn. Đây là thách thức lớn cho công tác bố trí và tổ chức thi".
Cũng theo Cục Quản lý chất lượng, để bảo đảm việc sắp xếp phòng thi là tối ưu, hạn chế tối đa việc di chuyển của thí sinh (TS), do đó các địa phương cần tiến hành khảo sát nguyện vọng đăng ký môn thi của TS sớm từ tháng 12.2024 và xây dựng các phương án phòng thi, bố trí thực hiện thử nghiệm.
Thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Bộ GD-ĐT dự kiến từ năm 2025 kỳ thi sẽ được tổ chức trong 2 ngày với 3 buổi thi thay vì 4 buổi như hiện nay. NHẬT THỊNH
Trên cơ sở kết quả khảo sát nguyện vọng của TS, các sở GD-ĐT có thể tiến hành dự kiến phương án sắp xếp địa điểm thi bảo đảm nguyên tắc các TS dự thi cùng tổ hợp tự chọn sẽ được sắp xếp cùng một phòng thi.
Về công tác chuẩn bị ra đề thi, Cục Quản lý chất lượng cho biết để chuẩn bị cho công tác ra đề kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo hướng mở, phát huy trí tuệ tập thể toàn ngành, Bộ GD-ĐT chủ động triển khai nhiều đợt tập huấn trên toàn quốc về quy trình, nghiệp vụ, cách thức xây dựng ngân hàng câu hỏi thi cho hàng nghìn giáo viên, giảng viên trên toàn quốc bởi các chuyên gia trong và ngoài nước.
Cụ thể, tháng 12.2023, đã triển khai tập huấn cho hơn 3.500 đội ngũ khảo thí, giáo viên, giảng viên, chuyên gia trên toàn quốc về quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi thi bởi các chuyên gia đến Viện Khảo thí Hoa Kỳ (ETS).
Tháng 4, Bộ GD-ĐT đã triển khai tập huấn xây dựng câu hỏi thi, ngân hàng câu hỏi thi cho gần 2.500 giáo viên từ các trường THPT, các cơ sở giáo dục đại học trên toàn quốc bởi các chuyên gia trong nước đã có nhiều năm kinh nghiệm ra đề thi, xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, viết sách giáo khoa...
Trên cơ sở kết quả tập huấn vào tháng 4 vừa qua, hiện nay các sở GD-ĐT đang triển khai cho giáo viên xây dựng đề thi theo cấu trúc định dạng đề thi mới (những đề thi này sẽ được sử dụng làm nguồn cho xây dựng ngân hàng câu hỏi thi từ năm 2025).
Cục Quản lý chất lượng cũng cho biết tháng 8 tới Bộ GD-ĐT sẽ triển khai đánh giá, nhận xét đề thi do các đơn vị xây dựng. Điều này góp phần nâng cao chất lượng xây dựng câu hỏi thi, ngân hàng câu hỏi thi của giáo viên tại các địa phương cũng như phát huy trí tuệ tập thể toàn ngành trong công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi theo hướng mở.
Bộ GD-ĐT đang triển khai thủ tục cần thiết để xây dựng hệ thống phần mềm phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, dự kiến cuối năm 2024 sẽ từng bước thử nghiệm các hệ thống này tại một số địa phương trước khi hoàn thiện và đưa vào sử dụng từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Một trong những điểm mới về đề thi từ năm 2025, theo Bộ GD-ĐT, là việc xây dựng thư viện, ngân hàng câu hỏi thi có "tính mở". Câu hỏi nguồn được đóng góp "mở" từ mọi nguồn lực có thể trong ngành, tạo ra thư viện "mở"; Bộ GD-ĐT mời các chuyên gia lựa chọn tạo đề thi.
Đề thi sẽ được thử nghiệm trên diện rộng tại các địa phương; sau đó lựa chọn câu hỏi tốt qua xử lý kết quả bằng lý thuyết khảo thí (kết hợp các góp ý) để đưa vào ngân hàng câu hỏi thi "đóng" (ngân hàng chuẩn hóa). Từ thư viện, ngân hàng câu hỏi thi là cơ sở để xây dựng đề thi cho các năm.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng nêu những thay đổi trong việc in sao, vận chuyển đề thi theo hướng chặt chẽ và an toàn hơn.
Theo Tuệ Nguyễn/ Thanh niên