Kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2023 có những thay đổi gì?

Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023 do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức sẽ được thực hiện theo 2 đợt và dự kiến mở rộng địa điểm tổ chức nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh.

ĐH Quốc gia TP.HCM dự kiến được mở rộng địa điểm tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực trong năm 2023. HÀ ÁNH

Sáng 26.10, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết ĐH này hiện đã có phương án dự kiến tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023.

Theo đó, kỳ thi này năm 2023 cơ bản giữ ổn định như năm 2022 với 2 đợt: đợt 1 vào cuối tháng 3 và đợt 2 vào cuối tháng 5. Tuy nhiên, ngoài 17 địa phương đã diễn ra kỳ thi này, ĐH này sẽ xem xét mở rộng thêm các địa điểm thi. Chẳng hạn, kỳ thi có thể được tổ chức tại Lâm Đồng hoặc thêm điểm thi tại khu vực ĐBSCL để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh dự thi.

“ĐH Quốc gia TP.HCM xác định việc mở rộng địa điểm thi trong phạm vi từ Đà Nẵng trở vào, không mở rộng phạm vi ra các địa phương phía bắc. Sở dĩ như vậy bởi ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Quốc gia Hà Nội đã thống nhất chủ trương sẽ công nhận kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của nhau để tránh tình trạng thí sinh phải tham dự 2 kỳ thi trong khi đề thi có sự tương đồng”, tiến sĩ Chính cho hay.

Cũng theo tiến sĩ Chính, đề thi đánh giá năng lực năm 2023 sẽ được chuẩn hoá hơn nhưng cấu trúc đề thi sẽ giữ ổn định. Thí sinh sẽ làm bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm trong 150 phút. Bài thi hướng đến đánh giá năng lực cơ bản để học ĐH của thí sinh gồm: sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh (40 điểm); suy luận logic và xử lý số liệu (30 điểm); giải quyết vấn đề liên quan lĩnh vực hóa, lý, sinh, địa, lịch sử, chính trị và xã hội (50 điểm). Đa phần các câu hỏi được xây dựng theo hướng cung cấp số liệu dữ kiện và kiến thức cơ bản để đánh giá mức độ vận dụng, phân tích của người học. Tuy nhiên, điểm của từng câu hỏi sẽ có trọng số khác nhau tùy thuộc vào độ khó và độ phân biệt của câu hỏi.

Năm 2022, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM đã diễn ra trong 2 đợt. Đợt 1 được tổ chức vào ngày 27.3 thu hút hơn 79.000 thí sinh, đã diễn ra đồng loạt tại 17 địa phương gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đắk Lắk, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ. Ở đợt 2 năm ngoái, kỳ thi diễn ra ngày 22.5 tại 4 điểm: TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa và An Giang.

Theo Hà Ánh/TNO

Tin cùng chuyên mục

Điểm sàn cao nhất xét tuyển vào ĐH Kinh tế TP.HCM là 730 điểm, theo kết quả thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức đợt 1 năm 2024.
Bộ GD&ĐT chính thức ban hành kế hoạch tuyển sinh đại học và tuyển sinh ngành cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024.
Thí sinh muốn phúc khảo bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cần đăng ký trong khoảng thời gian từ ngày 15 đến 17- 4.
ĐH Quốc gia TP.HCM vừa công bố kết quả kỳ thi đánh giá năng lực 2024 đợt 1, trong đó thủ khoa đạt 1.076 điểm (thang điểm 1.200).
Hôm nay (15/4), ĐH Quốc gia TP.HCM công bố điểm thi đánh giá năng lực đợt 1. Kỳ thi có gần 100.000 thí sinh tham dự. Sau đây là cách xem điểm thi đánh giá năng lực.
Có trường đại học, có ngành, thí sinh phải đạt từ 850 điểm (thang điểm 1.200) thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM mới được nộp hồ sơ xét tuyển.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề