Không được tăng chỉ tiêu khi có 15% sinh viên bị thôi học, các trường nói gì?

Dự thảo thông tư về xác định chỉ tiêu tuyển sinh giáo dục ĐH và chỉ tiêu tuyển sinh ngành giáo dục mầm non quy định trường ĐH không được tăng so với chỉ tiêu và số thực tuyển của năm trước liền kề, nếu như tỷ lệ thôi học năm đầu cao hơn 15%.

Trước đó, Thông tư quy định chuẩn cơ sở giáo dục ĐH cũng có quy định tỷ lệ thôi học hàng năm của cơ sở giáo dục ĐH không cao hơn 10% và riêng với người học năm đầu không cao hơn 15%. Quy định này nhằm duy trì chất lượng, hiệu quả tuyển sinh và đào tạo của các cơ sở giáo dục ĐH.

Nhiều sinh viên bị thôi học vì kết quả học tập yếu kém

Trong mấy năm gần đây, tình trạng sinh viên bỏ học và bị thôi học tại nhiều trường ĐH ngày càng tăng cao.

Chẳng hạn trong tháng 10, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã thông báo danh sách 892 sinh viên các khóa 2021, 2022, 2023 dự kiến bị thử thách, cảnh báo kết quả học tập học kỳ 2 năm học 2023-2024 và dự kiến bị buộc thôi học học kỳ 1 năm học 2024-2025 do nợ tín chỉ, có điểm trung bình tích lũy xếp loại yếu.

Trường này cũng cảnh báo kết quả học tập học kỳ 2 năm học 2023-2024 và dự kiến bị buộc thôi học học kỳ 1 năm học 2024-2025 đối với 964 sinh viên các khóa 2021, 2022, 2023 vì những sinh viên này có kết quả học tập xếp loại yếu kém với điểm trung bình học kỳ <1,0.

Trường ĐH Luật TP.HCM đưa danh sách sinh viên dự kiến bị thôi học. ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Trong tháng 9, Học viện Ngân hàng cũng thông báo danh sách 450 sinh viên bị xử lý học vụ học kỳ 2 năm học 2023-2024. Trong đó, 241 sinh viên bị buộc thôi học, 217 sinh viên bị cảnh báo học vụ do kết quả học tập kém. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có 3.875 sinh viên bị cảnh báo học vụ lần 1 và 1.490 sinh viên có quyết định buộc thôi học... Trường ĐH Luật TP.HCM cũng vừa có danh sách hàng trăm sinh viên bị buộc thôi học và dự kiến bị cảnh báo học tập vì có kết quả học tập yếu kém trong học kỳ 2 năm học 2023-2024...

Nâng cao công tác hướng nghiệp và dịch vụ chăm sóc sinh viên

Chia sẻ về quy định này, tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho rằng đây là một quy định phù hợp, đảm bảo thống nhất với Thông tư 01 về chuẩn cơ sở giáo dục ĐH.

"Dù thời gian qua sinh viên bị thôi học nhiều nhưng không đến mức 15% vì tỷ lệ này là rất lớn, hiếm trường nào có. Tuy nhiên các trường vẫn nên có giải pháp để hạn chế tình trạng sinh viên thôi học và bị thôi học", tiến sĩ Nhân nêu quan điểm.

Theo tiến sĩ Nhân, lý do sinh viên bị thôi học thì có nhiều, trong đó đa số không có động lực học tập, do chọn sai ngành hoặc do trúng tuyển vào ngành mình không yêu thích mà vẫn nhập học… dẫn đến kết quả học tập không đạt.

"Điều này sẽ đặt ra vấn đề trường ĐH phải nâng cao công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho thí sinh trước khi tuyển sinh. Cụ thể, khi cung cấp thông tin phải chính xác, đầy đủ, rõ ràng và tư vấn đúng để thí sinh lựa chọn. Bên cạnh đó, khi thí sinh trúng tuyển vào học, trường cũng cần tiếp tục tư vấn và định hướng học tập và quan tâm tới sinh viên để các em có động lực và yêu thích ngành học", tiến sĩ Nhân nhận định.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công thương TP.HCM, cho rằng việc sinh viên bỏ học là một vấn đề mà nhiều trường đang phải đối diện, gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc xác định chỉ tiêu, thậm chí cả uy tín và xếp hạng của trường.

"Tỷ lệ bỏ học, bị thôi học nhiều do kết quả học tập yếu kém sẽ khiến các trường bị xem là thiếu hiệu quả trong công tác hướng nghiệp, tư vấn, chăm sóc sinh viên và thiếu hiệu quả trong đào tạo", thạc sĩ Sơn cho hay.

"Ngoài ra, cần hỗ trợ các em về kỹ năng quản lý thời gian, cân bằng giữa học và làm thêm, duy trì động lực học tập. Đồng thời tăng cường cố vấn học tập và hỗ trợ tâm lý cho sinh viên vì hiện nay có rất nhiều sinh viên bị stress do công việc và học tập", thạc sĩ Sơn chia sẻ.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân nhấn mạnh công tác truyền thông của xã hội, hướng nghiệp của gia đình, trường THPT trước khi thí sinh xét tuyển vào ĐH rất quan trọng. "Nếu các em vẫn có tâm lý bằng mọi giá phải vào ĐH dù đó là ngành không yêu thích, dù không phù hợp với năng lực bản thân, điều kiện gia đình, thì chắc chắn các em sẽ khó theo đuổi việc học đến cùng. Việc thôi học không chỉ ảnh hưởng tới chính bản thân sinh viên mà còn ảnh hưởng tới trường ĐH, gia đình và xã hội", tiến sĩ Nhân nhìn nhận.

Theo Mỹ Quyên/ Thanh niên

Tin cùng chuyên mục

Tỉnh Bình Phước sẽ có cơ sở giáo dục đại học đầu tiên vào năm 2025, góp phần quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh và các khu vực lân cận
Từ bất cập lựa chọn môn học tổ hợp theo định hướng nghề nghiệp ngay từ lớp 10, chuyên gia giáo dục kiến nghị cần linh hoạt cho học sinh chuyển đổi môn học lựa chọn theo nhu cầu xét tuyển của các trường ĐH.
Hai ĐHQG đang tiến hành tái cấu trúc, sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức, tạo đà phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới
Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM) đã tổ chức lễ khởi công xây dựng Trung tâm Nghiên cứu tiên tiến và Đổi mới sáng tạo vào chiều 9/12/2024, tại khu đất NC2.2, Khu Viện Nghiên cứu 2, Phường Đông Hòa, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT) cho biết, ngành giáo dục đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng các cơ sở dữ liệu từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên đến giáo dục đại học (ĐH). Ngành cơ bản đã số hóa thông tin phục vụ công tác quản lí tại tất cả các bậc học. Dữ liệu của ngành đã được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm để khai thác dữ liệu chuyên ngành phục vụ quản lí.
Trong hơn 1 tháng, có thêm 2 trường đại học (ĐH) là Kinh tế quốc dân và Duy Tân trở thành ĐH, nâng tổng số ĐH của VN lên 9 trường. Đây là 2 trong số 4 trường ĐH chuyển thành ĐH theo luật Giáo dục ĐH sửa đổi 2018.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Các ngành công nghiệp số cốt lõi nào được đẩy mạnh đào tạo nhân lực?
Bên cạnh ngành công nghiệp bán dẫn, các ngành công nghệ số cốt lõi đã được Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh đào tạo nhân lực đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.