Khởi nghiệp một mình, có dễ thành công?

Một người tự khởi nghiệp, không có đồng sáng lập, không nhân viên. Họ ứng dụng công nghệ để hỗ trợ. Nhưng khởi nghiệp một mình liệu có dễ thành công?

Vì sao có xu hướng khởi nghiệp một mình?

Tiến sĩ Phan Tấn Lực, Phó trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Trường Kinh tế tài chính (Trường ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương), phân tích: "Xu hướng khởi nghiệp một mình ngày càng phổ biến vì nhiều người trẻ muốn tự chủ hoàn toàn trong công việc và cuộc sống, không bị ràng buộc bởi giờ giấc hay mô hình tổ chức truyền thống. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) đã giúp một người có thể đảm nhiệm nhiều vai trò mà trước đây cần cả đội ngũ hỗ trợ".

Khởi nghiệp một mình, có dễ thành công?

Khởi nghiệp một mình dễ rơi vào cảnh cô đơn, lạc lõng, chán nản. ẢNH MINH HỌA

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Quỹ đầu tư Aryon (TP.HCM), cho biết thực tế hiện nay có không ít người trẻ khởi nghiệp một mình. Ông kể: "Tôi thường nhận được những tin nhắn của người trẻ với nội dung: "Không có cộng sự, muốn khởi nghiệp một mình có được không?", "Thấy nhiều người xây dựng doanh nghiệp một cách "solo" (nghĩa là một mình - PV), liệu có khả thi?...".

Ông Tuấn nói: "Nhiều người mới khởi nghiệp, chưa tìm được ai cùng chí hướng nhưng lại muốn bắt đầu ngay; hoặc đơn giản là thuộc kiểu "chiến binh độc hành", thích làm nhanh, không phải đợi ai, để rồi họ quyết định khởi nghiệp một mình. Và mỗi khi nhận được thắc mắc của người trẻ với câu hỏi ấy, tôi trả lời rằng khởi nghiệp một mình vẫn được. Nhưng phải biết bản thân đang làm ở quy mô nào? Liệu có mãi làm một mình được không? Và tuy khởi nghiệp một mình, nhưng đừng cứ mãi… solo. Bắt đầu một mình, nhưng sau một thời gian hãy tìm kiếm thêm nhân sự, xây dần hệ thống, hoàn thiện quy trình. Nếu không, thì sẽ mãi là người làm thuê cho chính mình".

Nhiều khó khăn nếu "đơn thương độc mã"

Theo Shark Lê Hùng Anh, Chủ tịch Tập đoàn BIN Corporation Group (Q.7, TP.HCM): "Khởi nghiệp một mình vẫn được, nếu như làm với quy mô nhỏ. Nhưng để có thể phát triển thì rất chậm, cơ hội thành công là rất khó khăn".

Vị shark này nói thêm: "Khởi nghiệp một mình có thể là xu hướng trong tương lai, khi những robot hiện đại xuất hiện hay sự phát triển của AI Agent (tác nhân AI)… Nhưng đó là câu chuyện của 2, 3 năm nữa, còn hiện nay thì chưa phải lúc. Không nên phấn khích quá mức với những ứng dụng AI hiện có rồi lầm tưởng sẽ dễ dàng khởi nghiệp một mình".

Tiến sĩ Phan Tấn Lực cho rằng khởi nghiệp một mình không dễ dàng. "Lựa chọn này mang lại sự tự do, toàn quyền kiểm soát, nhưng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Trước hết là vấn đề thu nhập. Không như đi làm thuê với mức lương ổn định, người khởi nghiệp một mình phải "tự làm tự ăn", trong khi việc xây dựng hệ thống kinh doanh và có được khách hàng thường mất nhiều thời gian. Nếu không có kế hoạch tài chính rõ ràng, sẽ dễ rơi vào áp lực sinh tồn trong giai đoạn đầu. Song song đó, khối lượng công việc quá lớn, từ làm sản phẩm, quảng bá, bán hàng đến tài chính và chăm sóc khách hàng… rất dễ dẫn đến tình trạng kiệt sức", ông Lực nói.

Tiến sĩ Lực nói thêm, khi "đơn thương độc mã", sẽ không có lợi thế về quy mô hay ngân sách như các doanh nghiệp lớn. Vì vậy, dễ rơi vào cuộc cạnh tranh bằng cách hạ giá, vừa mất giá trị vừa khó giữ chân khách hàng...

Anh Nguyễn Trần Hữu Thắng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần NBIYAN (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), cho biết: "Trong câu chuyện khởi nghiệp, ngoài chất lượng sản phẩm, mọi người còn quan tâm đến văn hóa doanh nghiệp. Đó là các giá trị, niềm tin, hành vi, thái độ, chuẩn mực và cách hành xử chung của mọi thành viên trong một tổ chức doanh nghiệp. Thế nên nếu doanh nghiệp chỉ có một người thì khi ký kết hợp đồng dễ bị nghi ngại, sẽ khó lòng tạo dựng được sự tin tưởng với khách hàng, đối tác".

Theo bà Trần Thị Nga, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Help All 24/7 (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), có thể khởi nghiệp một mình với sự trợ giúp của các ứng dụng AI. "Tuy nhiên, khởi nghiệp kiểu vậy tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì các ứng dụng AI không thể có những "chất liệu con người", chưa có tư duy sáng tạo, phản biện, giao tiếp, hợp tác, quản lý, sự linh hoạt… Đấy là chưa kể những thông tin do các ứng dụng AI cung cấp chưa hẳn chính xác 100%. Nếu nghe theo hoàn toàn, dễ dẫn đến những kết quả sai, việc kinh doanh từ đó cũng có nguy cơ thất bại", bà Nga phân tích.

Theo Thanh Nam/ Thanh niên

Tin cùng chuyên mục

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông Đỗ Đức Quế, trong giai đoạn 2020 – 2024, cả nước ghi nhận khoảng 8.700 dự án khởi nghiệp đến từ học sinh phổ thông – một con số thể hiện sự chuyển biến rõ rệt trong tư duy và hành động của học sinh...
Hơn 775 dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên tham dự cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp năm 2025, lần đầu tiên có sự tham gia của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ 7 do Bộ GD-ĐT tổ chức vừa bổ sung các giải thưởng cho học sinh, sinh viên trường nghề.
Những người lao động lớn tuổi, người về hưu, người khởi nghiệp hiện nay có thể theo học các khóa đào tạo tại trường ĐH, CĐ, trung cấp với nhiều hình thức linh hoạt, thuận tiện...
Năm học 2024-2025, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 hoàn tất lộ trình triển khai cuốn chiếu ở các bậc học. Bên cạnh chương trình giáo dục chính khóa, nhiều trường học tại TPHCM còn đẩy mạnh hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, tạo sân chơi nghiên cứu khoa học nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, phát triển kỹ năng và phẩm chất cho học sinh...
Tại vòng chung kết Vietnam Startup Contest 2024 lần thứ 2 diễn ra tại TP.Huế, nhiều ý tưởng khởi nghiệp đột phá từ các start-up Việt Nam đã có cơ hội tiếp cận các quỹ đầu tư mạo hiểm uy tín từ Nhật Bản.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề