Khi thầy cô cũng “viral”

Hình thức sáng tạo nội dung qua video ngắn nhận được sự quan tâm của hầu hết người dùng mạng xã hội, đặc biệt là lứa tuổi học sinh, sinh viên. Nhờ thuật toán đặc biệt, một số video có câu chuyện hoặc thử thách thú vị sẽ trở nên “viral” (phổ biến), trở thành “trend” (xu hướng) và thu hút hàng ngàn người làm theo. Hiểu được điều này, một số thầy cô giáo quyết định cùng học sinh thực hiện và đăng tải nhiều video vui nhộn.

Cái nhìn khác về mạng xã hội

Trước đây, khi nói về việc sử dụng mạng xã hội của học sinh, nhiều người cho rằng, với lượng thông tin khổng lồ và đa chiều ít nhiều sẽ ảnh hưởng không tốt đến các em, khiến các em không chú tâm vào việc học. Điều này dẫn đến tâm lý e dè và đối phó, nhiều học sinh tuy vẫn dùng mạng xã hội, nhưng sẽ chặn tài khoản của bố mẹ và thầy cô ra khỏi danh sách bạn bè, để thoải mái theo dõi và đăng tải thông tin mà không bị kiểm soát.

Khi thầy cô cũng viral

Cô chủ nhiệm cùng lớp thực hiện trend thả tim. Ảnh: Group Học sinh TPHCM

Trong thời gian gần đây, mối quan hệ giữa thầy cô, học sinh và mạng xã hội đang có nhiều chuyển biến tích cực. Thỉnh thoảng, nền tảng TikTok (nơi đăng tải các video ngắn) lại xuất hiện video xu hướng được sáng tạo bởi chính các thầy cô giáo. Nội dung của các video này thường đơn giản, mang đến góc nhìn từ “người trong cuộc” và khiến người xem thích thú.

Chẳng hạn khi các trường vừa hoàn tất đợt thi cuối kỳ, dạng video với nội dung “Tôi khi chấm bài cho học sinh kiểu:…” lập tức lên xu hướng và đạt hàng ngàn lượt xem. Video do thầy cô tự quay lại cảm xúc thay đổi liên tục chính mình khi chấm bài cho các em. Dưới phần bình luận, nhiều người bày tỏ sự bất ngờ với sự hài hước của các thầy cô giáo trong video, đồng thời phần nào thể hiện sự đồng cảm khi hiểu được những vất vả phía sau bục giảng.

Chia sẻ về lý do quay và đăng tải video lên mạng xã hội, nhiều thầy cô cho biết, ban đầu việc sử dụng mạng xã hội chỉ là vì sở thích cá nhân. Tuy nhiên, nhận thấy những trào lưu vui nhộn có ảnh hưởng mạnh đến học sinh, thầy cô quyết định thử sức “đu trend” để cùng các em tạo kỷ niệm đẹp, cũng như gần gũi với các em hơn.

Sở hữu kênh TikTok Cô Liên 8x với hơn 820.000 lượt theo dõi, cô giáo Lê Liên tâm sự: “Ban đầu, tôi cùng học sinh của mình quay video để giúp các em được thư giãn, tự tin thể hiện đam mê của mình sau những tiết học căng thẳng. Về sau, đây trở thành cách gắn kết tình cảm giữa cô trò. Ngoài ra, tôi còn đưa ra tiêu chí nếu các em chăm ngoan, tiến bộ trong học tập, tôi sẽ quay cùng các em. Sau đó các em cũng tiến bộ hẳn. Thấy các em có nhiều cố gắng, tôi vui lắm!”.

Thu hẹp khoảng cách thầy - trò

Khi được áp dụng đúng cách, video thầy cô giáo cùng học sinh “đu trend” không chỉ mang đến những buổi học tràn ngập niềm vui, mà còn là phương thức sáng tạo, hiệu quả để thấu hiểu và giáo dục các em. Trong một video thực hiện thử thách ném bút do thầy Hữu Phát (giáo viên môn Kỹ năng sống tại một trường THCS thuộc quận 6, TPHCM) đăng tải ngày 18-10-2024, các em học sinh cùng thầy vây quanh chiếc bàn có đặt một cây bút ở giữa, thầy cầm một cây bút khác và nêu thử thách “Giờ thầy ném cây bút này nếu trúng cây bút trên bàn, lớp mình sẽ nghỉ tiết này”.

Giữa không khí nhộn nhịp và háo hức của các em, thầy giáo cố tình ném hụt một cách hài hước và các em bất đắc dĩ phải về chỗ ngồi, nhưng em nào cũng cười tươi. Có thể thấy, thầy giáo đã giúp các em khởi động tinh thần thật vui nhộn để bắt đầu tiết học mới. Video này thu hút hơn 2,3 triệu lượt xem.

Để thực hiện những video này, bên cạnh việc chọn lọc những nội dung vừa vui nhộn, vừa không vi phạm các chuẩn mực đạo đức và có tính giáo dục, các thầy cô cũng cần có quá trình trao đổi và chia sẻ với các em về quy trình quay, dựng video. Nhờ đó, giờ ra chơi dần trở thành giờ thảo luận sôi nổi, vui vẻ của thầy trò về “trend” sắp tới. Dần dần, thầy cô dễ dàng giáo dục các em về cách sử dụng mạng xã hội hợp lý, cùng các em tránh xa thông tin xấu và hướng dẫn các em chọn lọc thông tin có giá trị. Hơn thế, việc cùng các em “đu trend” còn giúp thầy cô trở thành một người bạn lớn, đến gần các em và cùng các em đồng hành ở nhiều khía cạnh, chứ không chỉ là khoảng cách bục giảng, bàn học và bài vở, điểm số.

Tuy nhiên, để các video trên phát huy được hiệu quả trong việc giáo dục, luôn còn đó những khó khăn, thử thách buộc các thầy cô phải lường trước và kiểm soát chặt chẽ. Nỗi lo lớn nhất đến từ chính các bậc phụ huynh khi nhìn thấy hình ảnh con em mình xuất hiện công khai trên các phương tiện truyền thông, đi kèm với đó là khả năng không nhỏ xuất hiện các ý kiến trái chiều, gây ảnh hưởng đến tâm lý các em. Vì thế, các thầy cô giáo đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý và định hướng cho nội dung xuất hiện trong từng video, nhằm đảm bảo giá trị thông tin và hình ảnh của các em.

Theo Hồng Ân/Sài Gòn Giải Phóng

Tin cùng chuyên mục

Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM (HUB) vừa tổ chức lớp học đặc biệt về "Quản lý tài chính cá nhân" trong khuôn khổ Ngày hội giao lưu văn hóa quốc tế HUB International Day. Sự kiện đã chào đón các bạn sinh viên quốc tế đến từ Myanmar và Campuchia, cùng nhau tham gia vào một không gian học hỏi sôi động và bổ ích.
Trong 3 ngày 30/10 và 01,02/11/2024, sinh viên Khoa Quản lý văn hoá, nghệ thuật - Trường ĐH Văn hoá TP.HCM đã có chương trình giao lưu với Đoàn học sinh Nhật Bản tại Bảo tàng Áo dài (tọa lạc tại số 206/19,30 đường Long Thuận, Phường Long Phước, Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) thông qua Công Ty Cổ Phần Du Lịch Apex Việt Nam (Apex Vietnam).
Chương trình Digital.auto Bootcamp do khoa Kỹ thuật Máy tính Trường ĐH Công nghệ Thông tin – ĐHQG-HCM (UIT) kết hợp với Bosch Global Software Technology tổ chức diễn ra trong 3 ngày (29 - 31/20/2024) giúp sinh viên trải nghiệm thực tế, khám phá sự phát triển của công nghệ trong lĩnh vực xe tự hành.
Đó là chủ đề của chương trình Unitour 2024 diễn ra ngày 28/10 tại Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) trong khuôn khổ chuỗi các hoạt động của Cuộc thi Sinh viên Kinh doanh số (DBC 2024) do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) và Mạng lưới Các cơ sở đào tạo Thương mại điện tử (VECOMNET) tổ chức với sự đồng hành, hỗ trợ của các doanh nghiệp và đơn vị.
Một tân sinh viên sau vài tuần bước vào năm học mới tại trường ĐH đã khóc và cho biết không muốn đi học nữa, vì "thầy cô không giảng bài như hồi THPT, không tiếp thu được, bị thầy la và bài kiểm tra bị điểm thấp".
Một năm học mới đã bắt đầu “khởi động” với nhiều kỳ vọng của các bậc phụ huynh về học tập của con em mình.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Các ngành công nghiệp số cốt lõi nào được đẩy mạnh đào tạo nhân lực?
Bên cạnh ngành công nghiệp bán dẫn, các ngành công nghệ số cốt lõi đã được Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh đào tạo nhân lực đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.