Hôm nay, chính thức bắt đầu công bố điểm chuẩn đại học

Từ 17 giờ chiều nay, 17-8, các cơ sở đào tạo đại học trên cả nước bắt đầu công bố điểm chuẩn và danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức.

Hôm nay, 17-8, Bộ GD&ĐT cùng các cơ sở đào tạo đại học (ĐH) trên cả nước sẽ hoàn tất quá trình lọc ảo nguyện vọng xét tuyển ĐH. Điểm chuẩn ĐH dự kiến sẽ biến động ở nhiều trường, nhiều ngành học.

Nhiều trường công bố sớm nhất

Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, thời gian công bố điểm chuẩn theo xét điểm thi tốt nghiệp THPT và danh sách thí sinh (TS) trúng tuyển ĐH chính thức năm 2024 sẽ bắt đầu từ 17 giờ ngày 17-8 đến chậm nhất là 17 giờ ngày 19-8.

Tuy nhiên, đa số các trường sẽ công bố sớm trong chiều tối 17-8 hoặc ngày 18-8 để phụ huynh, TS yên tâm và chuẩn bị cho các thủ tục nhập học. Cụ thể, theo thông báo của Trường ĐH Công thương TP.HCM, lịch công bố kết quả trúng tuyển sẽ vào lúc 19 giờ 19 phút ngày 17-8.

Đáng nói, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, cho biết số thí sinh và nguyện vọng năm nay đăng ký xét tuyển vào trường cao gấp hai lần năm trước với khoảng 75.000 nguyện vọng.

Vì vậy, dự kiến điểm chuẩn năm nay cao hơn năm ngoái và dao động từ 17 – 24,75 điểm.

Trong đó, các ngành có điểm chuẩn cao nhất là các ngành như Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc, Marketing, Logistics và chuỗi cung ứng, Kinh doanh quốc tế, do tỷ lệ hồ sơ đăng ký các ngành này cao hơn nhiều so với chỉ tiêu.

Ngược lại, các ngành có điểm chuẩn thấp như Công nghệ chế biến thủy sản, Công nghệ kỹ thuật môi trường và Kỹ thuật nhiệt.

Cũng theo thông báo của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), trường sẽ công bố điểm chuẩn của phương thức xét tuyển tổng hợp vào 17 giờ 8 phút ngày 17-8. Đây là phương thức chiếm đa số chỉ tiêu tuyển sinh của trường, trong đó có các điểm thành phần như điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm học bạ, thi đánh giá năng lực....

Một loạt trường ĐH khác cũng sẽ công bố điểm chuẩn và kết quả thí sinh trúng tuyển trong chiều và tối 17-8, gồm: Trường ĐH Luật TP.HCM, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, ĐH Kinh tế TP.HCM, Trường ĐH Gia Định, Trường ĐH Văn Lang, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM)…

Tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, dự kiến sẽ công bố kết quả trúng tuyển vào ngày 18-8. Phía trường thông tin, năm nay, số đăng ký xét tuyển vào trường lên đến 120% so với năm trước, với hơn 51.000 nguyện vọng của hơn 31.000 thí sinh. Do đó, dự kiến điểm chuẩn hầu hết các ngành chỉ có thể từ giữ nguyên cho đến tăng.

Tương tự, một số trường như Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, Trường ĐH Y dược TP.HCM, Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch… sẽ công bố điểm chuẩn trong ngày 18-8.

Hàng loạt trường ĐH sẽ công bố điểm chuẩn từ 17 giờ ngày 17-8. Ảnh: TRƯỜNG GIANG

Lưu ý xác nhận nhập học và hồ sơ nhập học

Bộ GD&ĐT lưu ý, sau công bố điểm chuẩn, có kết quả trúng tuyển chính thức, tất cả TS trúng tuyển phải xác nhận nhập học bằng hình thức trực tuyến trên hệ thống tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Thời gian xác nhận nhập học trực tuyến bắt đầu từ 20-8 đến chậm nhất là 17 giờ ngày 27-8.

Sau khi hoàn tất xác nhận trực tuyến, tùy theo lịch thông báo cụ thể của từng trường, TS sẽ đến trường làm thủ tục nhập học trực tiếp.

Cạnh đó, các trường ĐH cũng lưu ý TS chuẩn bị những hồ sơ cần thiết để làm thủ tục nhập học. Tùy theo TS trúng tuyển ở phương thức xét tuyển nào cần nộp hồ sơ theo đúng phương thức đó.

Cụ thể, hồ sơ chung các em cần chuẩn bị gồm bản sao có công chứng các loại giấy tờ: học bạ THPT; Giấy chứng nhận kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024; Giấy chứng nhận hoặc giấy khen các giải đã khai báo khi đăng ký xét tuyển online (nếu có); Giấy chứng nhận kết quả thi kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc Gia TP.HCM năm 2024 (nếu có); giấy tờ xác nhận cho đối tượng ưu tiên (nếu có).

Đối với các TS trúng tuyển các ngành có môn năng khiếu, TS phải nộp bản sao có công chứng phiếu điểm thi các môn năng khiếu do trường hoặc trường liên kết tổ chức.

Cạnh đó, TS cần chuẩn bị các khoản học phí, phí nhập học, bảo hiểm theo thông báo và hướng dẫn của từng trường.

Ngoài ra, TS chuẩn bị thêm các giấy chuyển sinh hoạt Đảng hoặc Đoàn đến đơn vị sẽ học tập.

Để đảm bảo quyền lợi cho TS, Bộ GD&ĐT lưu ý các cơ sở đào tạo không được yêu cầu TS xác nhận nhập học hoặc nhập học trước ngày 19-8 và không được kết thúc xác nhận nhập học hoặc kết thúc nhập học trước 17 giờ ngày 27-8 (kể cả đối với các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài).

Nhóm ngành sư phạm có số đăng ký xét tuyển tăng cao nhất

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm nay có hơn 733.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH và xét tuyển CĐ ngành giáo dục mầm non (tương đương 68,5% so với số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2024).

Theo Bộ GD&ĐT, đây cũng là năm có số thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH cao nhất trong ba năm qua.

Ở 24 lĩnh vực với 400 ngành đào tạo, số thí sinh đăng ký nhiều nhất vào sáu khối ngành, lần lượt là kỹ thuật công nghệ, máy tính, công nghệ thông tin, sư phạm, nhân văn, sức khỏe. Trong đó, khối ngành khoa học giáo dục, đào tạo giáo viên có tỷ lệ nguyện vọng đăng ký tăng mạnh nhất so với năm 2023 với mức tăng 85% (tương đương tăng khoảng 200.000 nguyện vọng).

Theo Phạm Anh/ Pháp luật TP.HCM

Tin cùng chuyên mục

Theo các nhà giáo, hiện nay học sinh đang “chạy” theo nhiều kỳ thi riêng, ôn thi các loại chứng chỉ rất vất vả, áp lực, tốn kém... Mặt khác, điều này cũng khiến học sinh vùng khó khăn thiệt thòi vì giảm cơ hội tuyển sinh vào các trường mong muốn.
Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, việc thiết kế phương án thi, trong đó các môn thi lựa chọn đều thi trong thời gian 50 phút sẽ khó đánh giá được đúng năng lực của người học.
Với những dự kiến thay đổi lớn về phương thức xét tuyển, quy đổi điểm về một thang điểm chung trong đợt xét tuyển chung với điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm sàn khối ngành sức khỏe và sư phạm..., nhiều trường đã lên kịch bản điều chỉnh các phương án xét tuyển để không bị động nếu như những thay đổi của quy chế tuyển sinh năm 2025 được áp dụng trong năm nay.
Nhiều ý kiến đề nghị bỏ xét tuyển sớm để tạo công bằng cho thí sinh nên Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ cân nhắc việc này
Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức 6 đợt thi Đánh giá năng lực (HSA) từ tháng 3-6/2025 và phục vụ 85.000 lượt thi; thí sinh đăng ký dự thi tối đa 2 lượt thi mỗi năm.
Năm 2025, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sử dụng điểm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt xét tuyển cho các ngành đào tạo. Trường sử dụng điểm thi môn nào để xét tuyển vào từng ngành cụ thể?
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Các ngành công nghiệp số cốt lõi nào được đẩy mạnh đào tạo nhân lực?
Bên cạnh ngành công nghiệp bán dẫn, các ngành công nghệ số cốt lõi đã được Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh đào tạo nhân lực đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.