Phan Thị Hiền Anh, học sinh lớp 12D6, Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho biết, em đặt mục tiêu trúng tuyển vào trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Từ đầu năm học, Hiền Anh vừa luyện thi lấy chứng chỉ IELTS vừa ôn tập chuẩn bị cho thi đánh giá năng lực làm các điều kiện xét tuyển sớm.
Tuy nhiên, khi biết, Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ siết chỉ tiêu tuyển sinh sớm của các trường ĐH, em có phần lo lắng vì cơ hội trúng tuyển sớm sẽ ít đi.
“Nếu trước em chỉ tập trung những điều kiện để có thể trúng tuyển sớm, thì giờ đây sẽ phải chia sức cho nhiều phương án, trong đó có kỳ thi Tốt nghiệp THPT trong năm tới”, Hiền Anh nói.
Theo em Trần Đức Kiên, học sinh lớp 12A1, trường THPT Việt Đức, siết chỉ tiêu xét tuyển sớm sẽ tác động không nhỏ đến định hướng của học sinh lớp 12 năm nay. Đó là việc các em sẽ phải đầu tư, tập trung nhiều hơn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Cá nhân Kiên lựa chọn tổ hợp Toán, Lý, Hóa để theo đuổi mục tiêu vào ĐH Bách khoa Hà Nội nên chuẩn bị ôn luyện cho kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH này đồng thời luyện chứng chỉ IELTS song song với ôn tập thi tốt nghiệp THPT.
Mong sớm có phương án tuyển sinh
Học sinh lớp 12 Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) trong giờ học sáng 28/11 Ảnh: Hà Linh
Cô Nguyễn Ngọc Huệ, giáo viên môn Toán, Trường THPT Đông Anh (Hà Nội) cho rằng, phương án thi tốt nghiệp mới năm 2025 các môn trắc nghiệm có dạng thức câu hỏi mới, tăng độ khó ở các câu hỏi phân hóa.
Đơn cử môn Toán, đề minh họa kỳ thi xuất hiện thêm 2 dạng thức câu hỏi đúng - sai và điền khuyết khiến học sinh không thể học lơ mơ, đánh bừa vẫn đạt điểm cao. Dạng câu hỏi đúng sai đề đưa ra 4 đáp án, nếu thí sinh trả lời đúng 1 ý chỉ được 0,1 điểm, đúng 2 ý được 0,25 điểm, đúng 3 ý được 0,5 điểm, đúng 4 ý được 1 điểm.
Như vậy, với đề có 4 câu hỏi dạng này, học sinh chỉ cần sai 1 ý ở tất cả các câu đã mất đứt 2 điểm. Hay dạng câu hỏi điền khuyết yêu cầu học sinh tính toán ở nháp sau đó điền kết quả vào cũng có tình huống rủi ro là, nếu cách làm đúng nhưng kết quả sai và các em sẽ “trắng tay”.
Trước đây, khi thi tự luận, học sinh giải một bài toán đủ các bước đúng, ra kết quả sai vẫn sẽ được một mức độ điểm hợp lý.
“Với những lý do đó, từ đầu năm học, nhiều em lớp 12 không muốn đánh cược với “canh bạc cuối” là kỳ thi tốt nghiệp THPT mà muốn dồn sức cho các phương thức xét tuyển sớm nhằm vững tâm hơn. Tuy nhiên, với dự kiến siết chỉ tiêu tuyển sinh sớm không vượt quá 20% buộc học sinh phải “quay xe” dồn sức luyện thi”, cô Huệ chia sẻ.
Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) nói rằng, dự thảo về Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh ĐH, trong đó đưa ra những quy định nhằm siết chỉ tiêu xét tuyển sớm của các trường ĐH ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh.
Nhà trường đã động viên học sinh, dù phương án nào, điều quan trọng nhất các em vẫn phải học để có nền tảng kiến thức vững chắc chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp đồng thời chuẩn bị các điều kiện khác để xét tuyển khi trường ĐH công bố phương án.
Bà Quỳnh mong muốn, chỉ còn một học kỳ nữa sẽ kết thúc năm học, các trường ĐH sớm công bố phương án tuyển sinh năm 2025 để nhà trường và học sinh có sự chuẩn bị, tránh tình trạng “nước đến chân, không kịp nhảy”.
Theo Hà Linh/ Tiền Phong