Học phí đại học tăng dần đều

Tự chủ đại học (ÐH) đi kèm với tăng học phí là lựa chọn của các cơ sở đào tạo do không còn được cấp ngân sách. Ðồng thời học phí hằng năm cũng tăng theo lộ trình.
Học phí đại học tăng dần đều
Tự chủ đại học đồng nghĩa với việc tăng học phí trên thực tế. Ảnh: Nghiêm Huê

Từ năm 2022, học phí của các cơ sở giáo dục ĐH sẽ được điều chỉnh tăng theo quy định tại Nghị định mới của Chính phủ về thu chi học phí (Nghị định số 81). Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, việc tăng học phí rõ ràng là một gánh nặng với nhiều người học.

Theo Nghị định 81, từ năm học 2022 - 2023 đến năm học 2025- 2026, mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục ĐH công lập chưa tự chủ được quy định theo từng khối ngành với mức 1,2 - 3,5 triệu đồng/tháng.

So với năm học 2021 - 2022 thì mức học phí năm học 2022 - 2023 tăng vọt (trừ khối ngành II, Nghệ thuật). Đặc biệt, khối ngành VI.2 (Y dược), tăng 71,3% (hiện đang ở mức trần 1,43 triệu đồng/tháng sẽ tăng lên thành 2,45 triệu đồng/tháng). Các khối ngành còn lại (trừ khối ngành II) hầu hết đều tăng hơn 20% đến gần 30%, riêng khối ngành IV (Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên) mức tăng vừa phải hơn, 15,3%.

Các năm học tiếp theo, lộ trình tăng học phí cũng được quy định rõ trong Nghị định 81 để người học có cơ sở theo dõi, cân nhắc lựa chọn ngành nghề cho phù hợp. Thực tế, trong cùng một trường các ngành cũng có mức học phí không giống nhau nên người học cần đưa ra quyết định chính xác, tránh tình trạng đứt gánh giữa đường chỉ vì không kham nổi mức học phí phải đóng góp.

Một lưu ý quan trọng nữa là lộ trình tăng học phí của các trường còn phụ thuộc vào lộ trình thực hiện tự chủ bởi theo quy định, với cơ sở giáo dục ĐH công lập tự chủ mức 1 (đảm bảo chi thường xuyên), học phí được xác định tối đa bằng 2 lần mức trần học phí các trường chưa tự chủ nêu trên, tương ứng với từng khối ngành và từng năm học. Với cơ sở giáo dục

ĐH công lập tự chủ mức 2 (đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư), học phí được xác định tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí các trường chưa tự chủ nêu trên.

Mới đây, theo thông báo của Trường ĐH Thủ Dầu Một, mức học phí từ học kỳ II năm học 2021- 2022 sẽ tăng khoảng 20% so với trước. Lý do nhà trường đưa ra là từ 1/1, trường chính thức tự chủ tài chính. Nhóm ngành Giáo dục, Quản lý kinh tế, Khoa học xã hội nhân văn mức cũ (học kỳ I năm học 2021 - 2022) trung bình 408.500 đồng/tín chỉ, mức mới (từ học kỳ II) là 490.000 đồng/tín chỉ. Đối với nhóm ngành Khoa học tự nhiên, Kỹ thuật công nghệ, Kiến trúc..., mức cũ trung bình 487.500 đồng/tín chỉ, mức mới 585.000 đồng/tín chỉ.

Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn ĐH Quốc gia TPHCM cũng đã công bố đề án đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ. Cụ thể, học phí năm học 2022-2023 sẽ cao gấp đôi so với trước.

Với nhóm ngành Khoa học xã hội, từ 16 triệu đến 20 triệu đồng/sinh viên /năm học, nhóm ngành Ngôn ngữ và Du lịch 21-24 triệu đồng/sinh viên/năm. Riêng học phí chương trình chất lượng cao sẽ gấp ba lần mức trần học phí chương trình đại trà, dự kiến là 60 triệu đồng/sinh viên/năm.

Ngoài ra, ngay từ năm học này, ba trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM cũng đã được chuyển sang tự chủ với mức học phí mới. Trường ĐH Kinh tế - Luật, hệ đại trà 18,5-20,5 triệu đồng/năm (mức cũ là 9,8 triệu đồng), hệ chất lượng cao từ 29,8 đến 46,3 triệu đồng/năm, chương trình liên kết khoảng 39 triệu đồng/học kỳ.

Trường ĐH Bách khoa, hệ đại trà là 25 triệu đồng/năm (mức cũ là khoảng 12 triệu đồng). Còn lớp chất lượng cao tăng cường tiếng Anh là 66 triệu đồng (mức cũ khoảng 30 triệu đồng). Trường ĐH Công nghệ thông tin cũng có mức thu 25-45 triệu đồng/năm tùy theo chương trình đào tạo.

“Học phí cao điều kiện học tập sẽ khác, khung chương trình đào tạo có ưu việt hơn. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc sinh viên học xong ra trường sẽ có việc làm tốt. Vì còn phụ thuộc vào kiến thức, kỹ năng của mỗi người”.

TS Nguyễn Thanh Bình

Không “nhắm mắt” chọn trường

Nguyễn Ngọc Thắng, sinh viên năm cuối Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết đã vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội từ năm thứ nhất. Số tiền được vay mỗi năm là 25 triệu đồng không đủ đóng học phí nên phải xin thêm gia đình và đi làm thêm để có tiền chi trả sinh hoạt phí.

TS Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Công tác chính trị Học sinh, sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia cho hay, một ngành có nhiều trường đào tạo, trong số đó có trường tự chủ nên học phí rất cao, có trường đào tạo chương trình chuẩn nên mức học phí phù hợp hơn. Do vậy sinh viên cân nhắc giữa học phí và chương trình đào tạo cho phù hợp với hoàn cảnh của gia đình.

Theo Nghiêm Huê/TPO

 

Tin cùng chuyên mục

Từ ngày 24 - 28/4, Bộ GD-ĐT tổ chức cho thí sinh là học sinh lớp 12 thử đăng kí dự thi trực tuyến trên Hệ thống quản lý thi. Thí sinh sẽ đăng kí dự thi chính thức từ ngày 2/5 đến 17h ngày 10/5.
Kết quả của đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ được công bố vào đúng một tuần sau khi thi, tức ngày 15-4.
Sau 17 năm thực hiện chuyển đổi từ mô hình trường ĐH dân lập sang trường ĐH tư thục, Trường ĐH dân lập công nghệ Sài Gòn đã nhận được quyết định công nhận trở thành Trường ĐH tư thục Công nghệ Sài Gòn.
Sáng 7/4, hơn 95.000 thí sinh chính thức bước vào kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2024 của Đại học Quốc gia TPHCM. Đây là đợt thi có số thí sinh đông nhất trong lịch sử kỳ thi này.
Bộ Y tế vừa có dự thảo Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực sức khỏe với những nội dung về chương trình đào tạo, học phí, văn bằng...
Nhiều trường đại học công lập đã công bố học phí năm học 2024-2025, mức học phí lên tới hàng trăm triệu đồng/năm học.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề