Hàng loạt sinh viên rơi vào "báo động đỏ"!

Các trường ĐH thực hiện xử lý với những sinh viên có kết quả học tập yếu kém, hàng ngàn sinh viên có nguy cơ thôi học ngay từ học kỳ đầu tiên

Mới đây, nhiều trường ĐH ở TP HCM đã công bố danh sách sinh viên (SV) bị buộc thôi học. Đáng nói, có trường ĐH công bố danh sách gần 2.000 sinh viên rơi vào dạng "báo động đỏ".

Trăm lý do sinh viên bỏ học giữa chừng

Cuối tháng 9, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM thông báo danh sách SV bị thử thách, cảnh báo kết quả học tập học kỳ 2 năm học 2023 - 2024 và bị buộc thôi học học kỳ 1 năm học 2024 - 2025. Trường đã "điểm mặt" gần 2.000 SV do thành tích học tập yếu kém. Đặc biệt, có 88 SV dự kiến bị buộc thôi học học kỳ 1 năm học 2024 - 2025, những SV này từng có 2 học kỳ liên tiếp điểm trung bình học kỳ dưới 1 hoặc có số tín chỉ không đạt theo quy định.

Tương tự, vào tháng 10-2024, Trường ĐH Luật TP HCM công bố danh sách 41 SV đại học chính quy dự kiến bị buộc thôi học và 75 SV đại học chính quy dự kiến bị cảnh báo học tập vì có kết quả học tập yếu kém ở học kỳ 2 năm 2023-2024.

Học viện Ngân hàng cũng thông báo danh sách hơn 450 SV sẽ bị xử lý học vụ học kỳ 2 năm học 2023 - 2024. Trong đó, 241 SV bị buộc thôi học do vượt quá thời hạn đào tạo tối đa 6 năm, bị cảnh báo học vụ 3 lần liên tiếp.

Chia sẻ về tình trạng này, đại diện Trường ĐH Luật TP HCM cho biết điểm trúng tuyển ĐH vào trường khá cao, chính vì vậy hầu hết SV đều có học lực tốt. Việc thôi học giữa chừng chủ yếu ở việc SV không chọn đúng ngành học yêu thích, SV có kế hoạch đi du học...

Hàng loạt sinh viên rơi vào báo động đỏ!

Không ít sinh viên sau một thời gian nhập học đã nghỉ học giữa chừng vì nhiều lý do

TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo - Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, cho biết với mỗi SV thôi học giữa chừng, nhà trường đều tìm hiểu lý do cụ thể. "Đối với SV năm nhất, chủ yếu do chọn học sai ngành. Đối với những SV năm cuối, các em bị phân tâm do đi làm thêm nhiều, dẫn đến kết quả học tập không đạt yêu cầu" - ông Nhân cho biết.

ThS Bùi Quang Trung, Trưởng Phòng Truyền thông Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết SV bị buộc thôi học, bị cảnh báo học vụ vì lý do kết quả học tập chiếm khoảng 7%/ năm. Đợt này, trường có 3.875 SV bị cảnh báo học vụ lần 1 và 1.490 SV có quyết định buộc thôi học...

Theo ông Trung, SV bị buộc thôi học và cảnh báo học vụ tại các trường ĐH hiện nay khá phổ biến với rất nhiều nguyên nhân. Trong đó, một số SV tâm sự "bị đuối" vì phương pháp học tập ở bậc ĐH có sự khác biệt so với bậc phổ thông.

Trường ĐH "đau đầu" vì tỉ lệ sinh viên thôi học

Hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý dự thảo thông tư quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh giáo dục ĐH và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non.

Trong đó, dự thảo có 2 điểm mới khiến các trường ĐH quan tâm. Cụ thể: hạn chế việc tăng chỉ tiêu ĐH đối với những trường có tỉ lệ SV thôi học năm đầu cao hơn 15%, tỉ lệ người tốt nghiệp có việc làm thấp hơn 70%.

Trước đó, Thông tư năm 2022 không quy định về tỉ lệ thôi học, chỉ quy định không tăng chỉ tiêu nếu tỉ lệ SV tốt nghiệp có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp của lĩnh vực đó thấp hơn 80%, hoặc tỉ lệ thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh của lĩnh vực đó ở năm tuyển sinh liền kề trước năm tuyển sinh đạt dưới 80%.

Chia sẻ về vấn đề này, ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông - Trường ĐH Công Thương TP HCM, cho rằng SV bỏ học giữa chừng khiến nhà trường rất đau đầu, thậm chí ảnh hưởng đến uy tín nhà trường. Nhiều người sẽ đặt câu hỏi nhà trường dạy như thế nào mà SV mới học được 1-2 năm là nghỉ học.

Theo ThS Trung, số lượng SV nghỉ học hằng năm là một sự lãng phí lớn đối với xã hội. Chính vì vậy, nhà trường đặc biệt quan tâm đến SV năm nhất.

"Để việc hướng nghiệp hiệu quả, nhà trường xây dựng và kết nối mạng lưới với các trường THPT trên cả nước để định hướng tư vấn, tâm lý trong việc lựa chọn ngành nghề từ ban đầu cho HS; thường xuyên tổ chức các chuyên đề về mục tiêu học tập, sức khỏe tinh thần, xác định sở thích nghề nghiệp và các bước để có công việc phù hợp sau khi tốt nghiệp cho SV năm nhất" - ông Trung cho biết thêm.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trung Nhân cho biết rất nhiều SV "vỡ mộng" vì trót tin vào bức tranh màu hồng của giảng đường ĐH. Mặc dù số lượng SV nghỉ học chỉ chiếm một phần nhỏ nhưng nếu nhìn rộng hơn, xét trên địa bàn TP HCM và cả nước thì con số này vô cùng lớn, đồng nghĩa với sự lãng phí rất lớn cho cả người học lẫn đơn vị đào tạo. 

Mải chạy theo tuyển sinh, quên hướng nghiệp

Một số cơ sở giáo dục ĐH hiện nay trong tư thế tuyển sinh càng nhiều càng tốt. Họ thu hút SV bằng việc xét tuyển học bạ, chương trình đào tạo hấp dẫn, ngành "hot" có cơ hội việc làm cao... nhưng lại quên không định hướng SV lựa chọn học ngành bản thân yêu thích.

Theo TS Nguyễn Trung Nhân, dự thảo Thông tư đang bám sát thực tế của các trường ĐH, bắt buộc các cơ sở ĐH phải nâng cao công tác hướng nghiệp cho học sinh. "Không nhất thiết phải đậu ĐH, học những ngành "hot" thì mới thành công. Sau khi tốt nghiệp THPT, học sinh có rất nhiều hướng đi để lựa chọn. Chỉ khi tìm được ngành học bản thân yêu thích thì việc học của SV mới có ý nghĩa và đạt kết quả tốt" - TS Nhân nhấn mạnh.

Theo Huế Xuân/Người Lao Động

Tin cùng chuyên mục

Trong hơn 1 tháng, có thêm 2 trường đại học (ĐH) là Kinh tế quốc dân và Duy Tân trở thành ĐH, nâng tổng số ĐH của VN lên 9 trường. Đây là 2 trong số 4 trường ĐH chuyển thành ĐH theo luật Giáo dục ĐH sửa đổi 2018.
Chính phủ đề xuất chuyển Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM về Bộ GD-ĐT để quản lý. Đồng thời, giao 2 đại học quốc gia đề xuất phương án sắp xếp, cơ cấu lại và giảm mạnh tổ chức bên trong.
8 chương trình giáo dục đã được Bộ GD-ĐT xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu học tập thường xuyên, học tập suốt đời của người dân, góp phần nâng cao dân trí, phát triển bản thân để tạo thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hiện nay, hình thức đào tạo từ xa, ứng dụng công nghệ vào dạy và học đang được các trường đẩy mạnh quy mô tuyển sinh. Từ năm 2024, quy chế về đào tạo từ xa cũng được Bộ GD-ĐT quy định chặt chẽ nhằm kiểm soát về chất lượng của hệ đào tạo này.
Thống kê tại hơn 120 trường đại học của Việt Nam ở năm học 2023-2024, chỉ có hơn 5.000 sinh viên quốc tế theo học dài hạn, tức mỗi trường chỉ có khoảng 40 sinh viên.
Dự thảo thông tư xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra lấy ý kiến có nhiều điểm mới so với thông tư trước đây. Lợi cũng có mà hại cũng nhiều.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Các ngành công nghiệp số cốt lõi nào được đẩy mạnh đào tạo nhân lực?
Bên cạnh ngành công nghiệp bán dẫn, các ngành công nghệ số cốt lõi đã được Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh đào tạo nhân lực đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.