Giáo viên miền núi viết đơn tự nguyện dạy thêm miễn phí

Toàn bộ giáo viên Trường THCS Yên Khê (huyện Con Cuông, Nghệ An) đã có đơn tự nguyện dạy thêm miễn phí cho học sinh sau khi Thông tư 29 có hiệu lực.

Ngày 20/2, thầy Nguyễn Văn Hào, Hiệu trưởng Trường THCS Yên Khê (huyện Con Cuông, Nghệ An) cho biết, toàn bộ 16 giáo viên của nhà trường đã viết đơn tự nguyện dạy thêm miễn phí cho học sinh.

“Phải làm thêm giờ nhưng các thầy cô đều tự nguyện dạy miễn phí cho học sinh với tinh thần thoải mái, trách nhiệm, tâm huyết, tất cả vì học sinh thân yêu. Đến nay, chúng tôi đã tổ chức được hai buổi học”, thầy Hào chia sẻ.

Giáo viên Trường THCS Yên Khê (huyện Con Cuông, Nghệ An)

Thầy Hào cho biết, trước đây, việc dạy thêm được thực hiện theo Thông tư 17 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, hoạt động này đã kết thúc sau khi hoàn thành chương trình học kỳ 1, trước khi Thông tư 29 có hiệu lực. Khi một số giáo viên đề xuất dạy thêm miễn phí, nhà trường đã tổ chức họp chi bộ và lấy ý kiến tập thể giáo viên.

“Trong cuộc sinh hoạt chi bộ, 100% các thầy cô giáo của trường nhất trí dạy thêm miễn phí cho học sinh. Các giáo viên thống nhất tổ chức 1-2 buổi ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh mỗi tuần. Riêng giáo viên bộ môn thể dục cũng tham gia dạy về các môn năng khiếu như đá cầu, bóng chuyền. Thầy cô cũng giao bài tập về nhà cho học sinh tự học và định kỳ 2-3 tuần, các tổ bộ môn sẽ kiểm tra việc tự học của học sinh tại nhà”, thầy Hào cho hay.

Những lá đơn tự nguyện dạy thêm miễn phí cho học sinh

Theo vị Hiệu trưởng, các ý kiến đã được đưa vào Nghị quyết của chi bộ nhà trường. Đối với học sinh lớp 9, nhà trường đã gặp gỡ giáo viên dạy 3 môn thi để giúp các em chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10.

Trước đây, nhà trường và phụ huynh đã thống nhất thu 18 nghìn đồng/buổi để chi trả điện nước, văn phòng phẩm và thù lao cho giáo viên dạy thêm. Tuy nhiên, hiện nay, việc dạy thêm miễn phí có thể ảnh hưởng đến thu nhập của giáo viên. Mặc dù có đề xuất hỗ trợ kinh phí từ phụ huynh, nhà trường quyết định không nhận hỗ trợ để tổ chức các buổi dạy này, theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều đáng trân trọng, ngoài giáo viên biên chế của trường, có 2 giáo viên tăng cường môn Tiếng Anh từ trường khác đến cũng tham gia dạy thêm tình nguyện. Trong đó, thầy Đặng Ngọc Quý là giáo viên của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Thạch Ngàn, cách Trường THCS Yên Khê hơn 20km, vẫn đảm bảo vừa dạy chính khóa vừa dạy thêm cho khối 7 – 8 vào thứ 6 hàng tuần.

Còn cô Nguyễn Thị Trà Ly - giáo viên của Trường Tiểu học Bồng Khê dù phải dạy 2 cấp nhưng vẫn sẵn sàng sẻ chia với học sinh của nhà trường bởi môn Tiếng Anh luôn là môn khó với học sinh vùng cao.

Năm học 2024 - 2025, Trường THCS Yên Khê có 11 lớp với gần 400 học sinh, trong đó hơn 90% là con em đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là đồng bào Thái, trong đó có một số em tộc người Đan Lai. Dù gặp nhiều khó khăn, trường vẫn duy trì vị trí tốp trên của huyện Con Cuông.

Theo Thu Hiền/ tienphong.vn

Tin cùng chuyên mục

Bộ Nội vụ đề nghị không chuyển các trường đại học phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước của bộ, ngành, địa phương và các trường đại học trọng điểm, chuyên sâu của các ngành, lĩnh vực về Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Gần 3 tháng sau khi Thông tư 29 có hiệu lực, tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định vẫn diễn biến phức tạp, với nhiều vi phạm mới...
Sáng ngày 26/4/2025, Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập (26/04/1995 - 26/04/2025) tại Trung tâm Đào tạo Nhân lực chất lượng cao HUTECH,
Mang danh “luyện chữ đẹp” và “dạy vẽ”, một số lớp học tổ chức tại Nhà văn hóa Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TPHCM) thực chất lại giảng dạy các môn văn hóa cho học sinh tiểu học...
Bộ GD&ĐT thông tin, tính đến 17 giờ ngày 24/4, đã có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2025...
Việt Nam lần đầu có tới 9 đại diện lọt vào bảng xếp hạng ĐH tốt nhất châu Á năm 2025, nhiều nhất từ trước đến nay, với 3 đại diện mới.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề