"Chết mòn" vì ít được đầu tư
PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho rằng lý do chính khiến một số ngành khoa học cơ bản đang “chết dần, chết mòn” là vì ít được đầu tư.
“Nhà nước không đầu tư, làm gì phát triển được?”- ông Hoàn nói. Theo ông Hoàn, đã có quy định những ngành khó tuyển sinh- những ngành khoa học cơ bản, phải đào tạo theo đơn đặt hàng của nhà nước, tuy nhiên việc này vẫn chưa thông suốt.
Cụ thể, bất cập trong nghiên cứu về Vật lý hạt nhân là trường đại học có thể đảm bảo đào tạo nhưng sau khi ra trường sinh viên không có nhiều cơ hội việc làm. Tình trạng này cũng xảy ra tương tự với ngành Vật lý học.
“Điều đó có nghĩa các em thất nghiệp là tất yếu. Trong khi trường chỉ tuyển được vài sinh viên, không đủ bù lại kinh phí đào tạo”- ông Hoàn thẳng thắn.
Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cho rằng các ngành khoa học cơ bản cần phải đào tạo theo đơn đặt hàng và phải đảm bảo đầu ra cho sinh viên. Bởi các trường có thể đủ hoặc dư điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ cho đào tạo, nhưng để sinh viên thất nghiệp sẽ rất thiệt thòi cho các em. Do vậy, cơ chế nhà nước phải từ có chính sách từ thượng tầng mới giải quyết được vấn đề. Đó là đảm bảo đầu ra cho sinh viên và cấp học bổng cho sinh viên trong quá trình học.
Từ thực tế ở Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, ông Hoàn thông tin: “Nhà trường từng có ý định mở ngành Toán ứng dụng. Tuy nhiên, chúng tôi do dự khi nhìn sang các trường khác có ngành này nhưng "ế". Mở ngành ra không có sinh viên thì trường "chết". Sinh viên giỏi đến mấy nhưng ra không có chỗ làm sao có thể phát huy?”.
Trước tình trạng một số ngành khoa học cơ bản ở một số trường đang ngắc ngoải, ông Hoàn thẳng thắn cho rằng tình trạng này kéo dài bắt buộc phải đóng cửa ngành. "Tuyển 3-4 sinh viên, đào tạo 4 năm, nhà trường sẽ "lỗ chổng vó". Vì vậy, ngành nào có nguy cơ “chết dần, chết mòn” tất yếu phải đóng cửa".
Theo vị lãnh đạo này, thực tế các trường đại học cũng đang thấy được điều này. "Tại ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, ngành Hoá phân tích chỉ tuyển được 19 sinh viên nên tôi đã động viên các em chuyển qua ngành khác. Ngành Công nghệ vật liệu - dù rất cần cho xã hội nhưng không có người học, tuyển sinh 1 năm chỉ được hơn 10 sinh viên, trường cũng thuyết phục các em sang học ngành khác”, ông Hoàn cho biết.
Ảnh minh họa: Thanh Tùng
Ông Hoàn đề xuất cơ chế nhà nước cần có đơn đặt hàng, tức là bộ ngành, cơ quan cần như thế nào, các trường phải đào tạo chuẩn đầu ra như vậy. Làm thế sẽ đỡ áp lực cho sinh viên, sinh viên thấy nhà nước đặt hàng, đầu ra có việc, các em sẽ theo học.
Đồng thời trước khi có quy hoạch ngành nghề, theo ông Hoàn, phải có tổng quan về lĩnh vực công nghiệp, các lĩnh vực liên quan đến ngành này, phải có tầm nhìn đến 2030, 2045.
“Khi có bức tranh tổng thể, chúng ta bắt tay quy hoạch ngành nghề. Sau quy hoạch ngành nghề, bộ nào, ngành nào cần sẽ đặt hàng cho trường đại học. Khi đặt hàng, các đơn vị phải yêu cầu trường đại học có các điều kiện mới nhận được đơn hàng ấy bằng tiền ngân sách”- Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm đề xuất.
TS Trần Quang Huy, giảng viên ngành Kỹ thuật Xây dựng công trình giao thông, Khoa Xây dựng, Trường ĐH Nha Trang, nhìn nhận những ngành cơ bản, ngành trụ cột không thể mất, nếu không muốn nói có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển của một đất nước.
Do đó, nhà nước cần có chiến lược, tầm nhìn dài hạn để có thể đào tạo nguồn nhân lực cần thiết đáp ứng nhu cầu xây dựng, phát triển hạ tầng của đất nước. Nếu không có sự quan tâm đúng mức, trong tương lai gần, sẽ bị thiếu nhân lực có trình độ cho lĩnh vực này.
Cụ thể, nhà nước có thể có chính sách hỗ trợ học phí, tặng học bổng cho sinh viên, có chế độ đãi ngộ nhân sự tốt hơn nữa về lương, bảo hiểm. Trong công tác hướng nghiệp cho học sinh phổ thông, các trường đại học đào tạo các ngành khoa học cơ bản cần công khai nhu cầu của các nghề nghiệp thuộc lĩnh vực này, để các em cũng như các phụ huynh hiểu được ý nghĩa và giá trị nghề. Từ đó, các em có thể chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân, đóng góp giá trị cho xã hội.
Ông Phùng Quán, chuyên gia tuyển sinh, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho rằng ngoài tăng cường quảng bá, giới thiệu những lợi ích của các ngành này đối với xã hội và sự phát triển của đất nước, các trường đại học và đơn vị liên quan cần cải tiến chương trình đào tạo.
Trường cần tăng cường việc giảng dạy và hỗ trợ cho sinh viên, tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên có thể phát triển khả năng và kỹ năng trong quá trình học tập và nghiên cứu.
Ngoài ra, các trường có thể tăng cường cơ hội thực tập, tương tác với các chuyên gia và các doanh nghiệp trong lĩnh vực này giúp sinh viên có thể hình thành thêm kỹ năng thực tiễn, có cơ hội việc làm sau này.
Không để ngành "chờ chết", các trường đang làm gì?
Hiện nay, tại một số trường đại học đã có những chính sách thu hút sinh viên vào ngành khoa học cơ bản. Theo PGS Nguyễn Thiên Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, thiếu nhân lực cho tương lai trong từng ngành đều sẽ làm trì trệ ngành đó, kéo theo sự chậm phát triển của toàn xã hội.
Cụ thể như nhân lực trong ngành khí tượng thủy văn - dự báo thời tiết, nếu thiếu nguồn nhân lực giỏi trong những ngành này sẽ đưa đến hậu quả - các trận thiên tai sẽ gây tác hại rất lớn do thiếu dự báo hoặc dự báo thiếu chính xác.
Tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, theo ông Phúc, nhà trường tập trung vào việc quảng bá tầm quan trọng của ngành cho xã hội; xây dựng những “ngành lai” ứng dụng công nghệ thông tin vào những ngành này để gia tăng hiệu quả. Trường cũng xây dựng chế độ khuyến khích học tập dưới mọi hình thức thông qua sự tài trợ, tuyên truyền của cựu sinh viên ngành hoặc các công ty, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực.
Ông Trần Vũ, Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM, chia sẻ trường tiếp tục duy trì gói học bổng 2 tỷ đồng cấp học bổng toàn phần và bán phần dành (100% học phí và học bổng bán phần 50% cho năm học đầu tiên) cho các thí sinh trúng tuyển năm 2023 với thành tích cao vào 7 ngành/nhóm ngành hướng đến đào tạo nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực phục vụ một số mục tiêu chiến lược phát triển bền vững, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của quốc gia đến năm 2030.
Cụ thể, đó là các lĩnh vực thuộc khoa học tự nhiên, khoa học sự sống: Vật lý học, Hải dương học, Kỹ thuật hạt nhân, Địa chất học, Kỹ thuật địa chất, Khoa học môi trường, Công nghệ kỹ thuật môi trường.
Ông Vũ cho biết, những ngành học trên có số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển ít nên tỷ lệ cạnh tranh thấp, nhưng lĩnh vực làm việc khá rộng, đáp ứng được nhiều nhu cầu xã hội. Trong nhiều năm qua, các sinh viên tốt nghiệp những ngành này có cơ hội nhận học bổng sau đại học, ngoài ra có thể tham gia thị trường lao động đang thiếu hụt nhân lực chất lượng cao tại các khu vực làm việc.
Ngoài những chính sách trên, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM còn kết nối với doanh nghiệp và cộng đồng cựu sinh viên hỗ trợ học bổng khuyến học dành cho các sinh viên tài năng và các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để đảm bảo cam kết của nhà trường là “không để sinh viên vì khó khăn kinh tế mà ngừng học”.
Sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Ảnh: Thanh Tùng
TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Nha Trang, cảnh báo nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra sẽ làm mất cân đối ngành nghề. Đối với nhà nước và xã hội, sẽ gặp nhiều khó khăn về phát triển kinh tế biển, vốn là khâu đột phá trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Vì vậy, Trường ĐH Nha Trang đã có giải pháp thích ứng bằng cách cải tiến nội dung chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, đầu tư nguồn lực của nhà nước nhiều hơn vào đào tạo nhóm ngành thủy sản. Đặc biệt, trường cũng phát triển các ngành, chuyên ngành đào tạo thích ứng với nhu cầu luôn thay đổi của xã hội.
Thứ hai, trường tăng cường hợp tác doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trong việc tuyển sinh và đào tạo các ngành đặc thù này. Minh chứng tiêu biểu nhất, năm 2022, trường đã hợp đào tạo với một tập đoàn xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới.
Tập đoàn này sẽ tài trợ chi phí đào tạo mỗi khóa 10 tỷ đồng giai đoạn 2022 – 2027 cho 100 sinh viên/khóa học ở 2 ngành Nuôi trồng thủy sản và Chế biến thủy sản. Ngoài ra, trường hỗ trợ 100% ký túc xá, đặc biệt, sinh viên được cam kết đầu ra, 100% làm việc tại các cơ sở sản xuất kinh doanh.
“Như vậy, sinh viên gần như chỉ tốn sinh hoạt phí hàng tháng vì học phí và chỗ ở được tài trợ hoàn toàn. Đây là 1 giải pháp căn cơ kỳ vọng thu hút nhiều hơn thí sinh quan tâm đến những ngành này” – ông Phương mong.
Theo ông Huỳnh Quyền, Trường ĐH Tài Nguyên và Môi trường TP.HCM, vẫn phải duy trì những ngành thuộc khoa học cơ bản và những ngành đặc thù chuyển sâu để tuyển sinh, trước bối cảnh này, trường cũng đã có những biện pháp để thích ứng.
Cụ thể, đào tạo nhân lực 4.0 đòi hỏi kỹ sư cử nhân ra trường phải đảm bảo năng lực. Năng lực này để giải quyết các vấn đề mang tính phức tạp nên đòi hỏi kỹ sư, cử nhân phải có năng lực chuyên môn mang tính liên ngành.
Trong nhiều năm trở lại đây, trường đã chủ động làm việc này, xoay hướng đào tạo chuyên ngành, liên ngành. Cử nhân, kỹ sư làm trong lĩnh vực tài nguyên nước, hay biển đảo, biến đổi khí hậu được trang bị kiến thức liên ngành trong đó có ứng dụng công nghệ thông tin, vấn đề môi trường, hoặc một số chuyên ngành khác để sinh viên ra trường có đủ kiến thức giải quyết các vấn đề thuộc ngành này.
Chương trình đào tạo theo hướng liên ngành, xuyên ngành, vừa trang bị kiến thức chuyên ngành và kiến thức ngành liên quan, để sinh viên ra trường có đủ cơ sở làm nhiều ngành nghề khác nhau. Việc này sẽ đáp ứng nguồn nhân lực 4.0, đồng thời cũng giải quyết nhiệm vụ chính trị của Chính phủ giao phó.
Ông Quyền cho rằng, hiện nay, đa số các trường đại học đào tạo theo nhu cầu của xã hội, ngoài kiến thức cơ bản được trường trang bị, chương trình đào tạo sẽ có học phần mang tính chất ứng dụng để triển khai kiến thức khoa học cơ bản thành kiến thức áp dụng vào thực tiễn.
Ví dụ ngành Khoa học thuỷ văn trang bị kiến thức cơ bản về khoa học trái đất, nhưng cũng ứng dụng kiến thức về việc quy hoạch đất đai, hoạt động sản xuất nông nghiệp, kinh doanh hải sản, hay sự tác động biến đổi khí hậu…
Như vậy, khi lên chiến lược phát triển nông nghiệp công nghệ cao phải nắm được thời tiết. Hay nuôi trồng hải sản ở Đồng bằng sông Cửu Long phải hiểu được sự biến đổi khí hậu tác động theo mùa, mức độ ngập mặn ra sao để điều chỉnh chiến lược hoạt động. Sinh viên được trang bị những kiến thức này, khoa học cơ bản và chương trình đào tạo có những học phần liên quan đến ứng dụng khoa học cơ bản sẽ giúp các em làm việc.
Ông Quyền mong ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, các Bộ GD-ĐT, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên Môi trường và các bộ ngành liên quan khác định hướng nguồn nhân lực tương lai phục vụ chiến lược phát triển từng bộ ngành.
Cụ thể, đó là nguồn nhân lực cần 5 năm tới, 10 năm tới để thí sinh chọn ngành nghề và sau này sẽ thành nguồn nhân lực phục vụ chiến lược phát triển từng bộ ngành, phát triển kinh tế bền vững của đất nước.
Theo Lê Huyền/ Vietnamnet