Giảm/bỏ chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ: Giải pháp phương thức kết hợp

Một số cơ sở giáo dục ĐH công bố phương thức tuyển sinh năm 2025 cho thấy xu hướng giảm chỉ tiêu hoặc bỏ phương thức xét tuyển bằng kết quả học tập (học bạ).

Xu hướng tuyển sinh năm 2025 của nhiều cơ sở giáo dục ĐH là giảm chỉ tiêu hoặc dừng hẳn phương thức xét tuyển bằng điểm học bạ.

Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã công bố từ năm 2025. Theo đó, trường sẽ không sử dụng kết quả học tập THPT trong xét tuyển, chỉ sử dụng điểm học bạ là điều kiện ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Trường ĐH Kinh tế quốc dân dự kiến có 3 phương thức tuyển sinh, gồm: xét tuyển thẳng (2%), xét tuyển kết hợp (83%) và xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT (15%). Một số trường ĐH tốp đầu cả nước, như ĐH học Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Y dược TP.HCM cũng không xét tuyển bằng học bạ.

Trường ĐH Công Thương TP.HCM dự kiến giảm chỉ tiêu cho phương thức xét học bạ từ 30% còn 15 - 20% tổng chỉ tiêu.

ĐH Quốc gia TP.HCM dự kiến thực hiện 3 phương thức tuyển sinh, gồm: xét tuyển thẳng; xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức; xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT. Khuyến khích các trường xây dựng phương thức xét tuyển kết hợp.

Theo một số nhà quản lý cơ sở giáo dục ĐH, lý do khiến nhiều trường không xét tuyển học bạ bởi điểm học bạ của các trường THPT không đều nhau, có khoảng cách chênh lệch lớn dẫn đến việc không bảo đảm công bằng trong xét tuyển đầu vào. Hơn nữa, từ năm 2025, thí sinh học và thi theo chương trình giáo dục 2018 nên mỗi em sẽ lựa chọn và có điểm học bạ ở những tổ hợp khác nhau.

Giảm/bỏ chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ: Giải pháp phương thức kết hợp

Thí sinh trúng tuyển ĐH theo các phương thức xét tuyển sớm, trong đó có điểm học bạ, nộp hồ sơ làm thủ tục nhập học. Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Trả lời Báo Thanh Niên, thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, từng giải thích kết quả học tập thể hiện trong học bạ THPT khác nhau giữa các trường, cùng điểm 9 môn toán nhưng học sinh (HS) trường này có thể khác với trường khác, tùy theo cách đánh giá và thang đo.

Bên cạnh đó, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều khác biệt so với chương trình giáo dục 2006, vì HS lựa chọn môn học, cụm chuyên đề học tập khác nhau.

Theo các chuyên gia giáo dục, xu hướng giảm chỉ tiêu hoặc bỏ phương thức xét tuyển bằng học bạ góp phần giảm tiêu cực trong kiểm tra, đánh giá ở trường phổ thông, tăng công bằng trong tuyển sinh ĐH. Tuy nhiên, cũng đặt ra vấn đề phải chăng việc kiểm tra, đánh giá HS ở trường THPT chưa đảm bảo tin cậy để trường ĐH sử dụng tuyển sinh như nhiều nước trên thế giới?

Khi biết thông tin nhiều trường ĐH giảm chỉ tiêu hoặc bỏ phương thức xét tuyển bằng học bạ, hiệu trưởng một trường THPT ở tỉnh Quảng Trị cho rằng việc đánh giá HS theo Thông tư 22 đã thực hiện đến nay gần 3 năm học. Giai đoạn đầu GV gặp khó khăn, nhưng đến nay đã đi vào nền nếp, có nhiều tiến bộ, đánh giá HS hiệu quả và thực chất hơn.

Đặc biệt, Bộ GD-ĐT đã 2 lần công bố đề thi minh họa tốt nghiệp THPT năm 2025. Dựa vào đó, nhà trường đã triển khai ra đề, kiểm tra, đánh giá theo dạng đề thi mới. Điều này giúp GV đánh giá HS về năng lực tốt hơn, vừa giúp HS làm quen với dạng đề thi mới, chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Mặc dù HS chọn các tổ hợp môn học tập và cụm chuyên đề học tập khác nhau nhưng dạy học, kiểm tra, đánh giá cũng đều dựa trên chuẩn chung. Đây là thước đo chung và tất cả đều công khai, rõ ràng, tuyên bố trước chứ không phải đánh đố HS như trước đây.

Giữa trường này, trường kia, khi đánh giá có thể khác nhau, nhưng vẫn có sự thống nhất. Thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có 36 tổ hợp môn khác nhau. Những HS chọn cùng một tổ hợp để thi sẽ có sự tập trung học tập đối với các môn trong tổ hợp tương tự nhau. Việc kiểm tra, đánh giá HS ở các trường, dù hình thức khác nhau, nhưng cùng dựa vào yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực nên kết quả đánh giá sẽ tương đồng.

Theo Hồ Sỹ Anh/Thanh Niên

Tin cùng chuyên mục

Theo các nhà giáo, hiện nay học sinh đang “chạy” theo nhiều kỳ thi riêng, ôn thi các loại chứng chỉ rất vất vả, áp lực, tốn kém... Mặt khác, điều này cũng khiến học sinh vùng khó khăn thiệt thòi vì giảm cơ hội tuyển sinh vào các trường mong muốn.
Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, việc thiết kế phương án thi, trong đó các môn thi lựa chọn đều thi trong thời gian 50 phút sẽ khó đánh giá được đúng năng lực của người học.
Với những dự kiến thay đổi lớn về phương thức xét tuyển, quy đổi điểm về một thang điểm chung trong đợt xét tuyển chung với điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm sàn khối ngành sức khỏe và sư phạm..., nhiều trường đã lên kịch bản điều chỉnh các phương án xét tuyển để không bị động nếu như những thay đổi của quy chế tuyển sinh năm 2025 được áp dụng trong năm nay.
Nhiều ý kiến đề nghị bỏ xét tuyển sớm để tạo công bằng cho thí sinh nên Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ cân nhắc việc này
Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức 6 đợt thi Đánh giá năng lực (HSA) từ tháng 3-6/2025 và phục vụ 85.000 lượt thi; thí sinh đăng ký dự thi tối đa 2 lượt thi mỗi năm.
Năm 2025, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sử dụng điểm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt xét tuyển cho các ngành đào tạo. Trường sử dụng điểm thi môn nào để xét tuyển vào từng ngành cụ thể?
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Các ngành công nghiệp số cốt lõi nào được đẩy mạnh đào tạo nhân lực?
Bên cạnh ngành công nghiệp bán dẫn, các ngành công nghệ số cốt lõi đã được Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh đào tạo nhân lực đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.