Chậm chân nhận bằng tốt nghiệp
Dù tốt nghiệp đã 2 năm, song mỗi khi nhắc đến chứng chỉ tiếng Anh đầu ra, T.T. - cựu sinh viên Trường đại học (ĐH) Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) - vẫn thấy sợ.
Cô cho hay, tiếng Anh là môn cô học không tốt từ thời phổ thông. Vào ĐH, đó vẫn là môn học có kết quả không được như mong đợi. Sang năm thứ ba, T. dành nhiều thời gian hơn cho việc học ngoại ngữ, song sau 2 lần thi vẫn không đạt.
T. chia sẻ: “Tôi thi lần 3 sau khi nhiều bạn đã nhận bằng tốt nghiệp 1 tháng. So với nhiều bạn không đạt chứng chỉ ngoại ngữ, tôi vẫn được nhận bằng tốt nghiệp sớm. Có nhiều bạn mấy tháng, thậm chí cả năm sau tốt nghiệp mới đủ điều kiện nhận bằng”.
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực ngoại ngữ VSTEP tại Học viện Ngân hàng. Ảnh: M.T.
N.M.Đ. là sinh viên niên khóa 2019-2023 của ĐH Thái Nguyên nhưng tháng 10/2024 mới đủ điều kiện nộp hồ sơ xét tốt nghiệp. M. thú nhận mình cũng học kém môn tiếng Anh từ phổ thông nên lên ĐH vẫn sợ nhất môn này. Từ kỳ nghỉ hè năm thứ ba, Đ. bắt đầu học thêm tại trung tâm và tự học. Song thi mấy lần, Đ. không đạt mức B1 nên không đủ hồ sơ xét tốt nghiệp cả 2 đợt trong năm 2023.
“Đợt xét tốt nghiệp lần 1 năm 2024, tôi vẫn lỡ vì chưa có chứng chỉ ngoại ngữ. Tôi rất áp lực, bị khủng hoảng, một phần vì thấy hầu hết bạn bè đều đã ra trường, một phần vì thi đi thi lại mà không đạt, điểm thiếu chủ yếu ở phần nghe và viết. May mắn là đợt hè vừa qua tôi đã lấy được chứng chỉ và hoàn thiện hồ sơ xét tốt nghiệp đợt 2. Vậy là sau 1,5 năm ra trường tôi mới được nhận bằng tốt nghiệp” - Đ. cho hay.
P.V.A. - sinh viên một trường ĐH ở Hà Nội - vừa chuyển việc lần thứ tư trong năm vì chưa lấy được bằng tốt nghiệp. Khi còn học ở trường, V.A. đăng ký học tiếng Anh nhưng không qua môn, dù đã thi lại mấy lần. Ở năm cuối, V.A. đăng ký khóa học tại trung tâm ngoại ngữ. Điểm số nhích hơn không đáng kể, cô vẫn không đạt chứng chỉ. Việc chưa lấy được bằng khiến cô gặp nhiều khó khăn trong công việc.
V.A. tâm sự: “Nơi không yêu cầu bằng thì lương rất thấp. Nơi trả lương khá thì bắt buộc phải có bằng trong hồ sơ. Từ khi học xong đến nay, tôi luôn chật vật với công việc và xoay xở cuộc sống. Tôi đang tìm tòi, đổi phương pháp học ngoại ngữ để 4 năm học ĐH không uổng phí”.
Khảo sát tại một số trường cho thấy, số sinh viên chậm nhận bằng tốt nghiệp do nợ chứng chỉ ngoại ngữ không phải nhỏ. Như tại Trường ĐH Công Thương TPHCM, chỉ khoảng 50% hoàn thành chứng chỉ ngoại ngữ đúng hạn, 50% còn lại chưa đạt chuẩn ở thời điểm tốt nghiệp.
Ở khóa học gần nhất của Trường ĐH Thương mại, có khoảng 30% sinh viên chưa lấy được bằng, chủ yếu do chưa đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ. ĐH Kinh tế quốc dân là một trong những cơ sở giáo dục ĐH có yêu cầu cao đối với chuẩn ngoại ngữ đầu vào, song tỉ lệ sinh viên nhận bằng chậm do chưa đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ khoảng 20% (với các chương trình đào tạo tiêu chuẩn học bằng tiếng Việt) và 5% (các chương trình đào tạo tiên tiến, học 100% bằng tiếng Anh…).
Hỗ trợ về ngoại ngữ cho sinh viên
Tiến sĩ Phùng Trung Nghĩa - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông (ĐH Thái Nguyên) - nhận định, nguyên nhân của tình trạng này là do sinh viên chưa xem trọng ngoại ngữ, tâm lý “môn phụ” nên học đối phó, không có sự đầu tư thời gian và công sức hợp lý.
Tiến sĩ Phạm Thị Hoàng Anh - Phó giám đốc Học viện Ngân hàng - cho rằng, một số sinh viên bước vào ĐH với nền tảng tiếng Anh chưa tốt, nhưng không có lộ trình học, thi chứng chỉ phù hợp mà thường đến thời điểm sắp tốt nghiệp mới học dồn và thi.
Bên cạnh đó, dù việc giảng dạy ngoại ngữ ở bậc ĐH đã đầy đủ cả 4 kỹ năng nhưng quy mô lớp đông, cộng thêm năng lực tự học của sinh viên không cao dẫn đến kết quả học tập bị ảnh hưởng. Theo bà, cần có giải pháp đồng bộ từ phía nhà trường và người học.
Nhà trường cần tổ chức các khóa học theo cấp độ khác nhau dựa trên năng lực đầu vào của sinh viên. Đồng thời, cần thiết kế chương trình học có tính ứng dụng cao. Nội dung giảng dạy hướng đến phát triển kỹ năng sử dụng ngoại ngữ trong tình huống thực tế.
Tăng hoạt động giao tiếp, thảo luận nhóm, thuyết trình và các tình huống giả định giúp sinh viên không chỉ học lý thuyết, mà còn có cơ hội ứng dụng sau này khi đi làm. Bên cạnh đó, tăng cường định hướng và tạo động lực cho sinh viên, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của ngoại ngữ.
Để giảm tỉ lệ sinh viên chậm nhận bằng do nợ ngoại ngữ đầu ra, nhiều trường đã thực hiện một số giải pháp. Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) có trung tâm ngoại ngữ tổ chức giảng dạy tiếng Anh. Hết năm thứ hai, sinh viên đạt chuẩn ngoại ngữ mới được học tiếp năm thứ ba.
Trường ĐH Công nghệ TPHCM tích hợp tiếng Anh vào các học phần chuyên ngành, cung cấp khóa học và thi ngoại ngữ ngay tại trường. Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM quy định sinh viên có thể học tại trung tâm phát triển ngôn ngữ của trường hoặc ở các trung tâm bên ngoài nhưng trong 5 học kỳ đầu phải đạt 12 tín chỉ tiếng Anh.
Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) phối hợp với Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) tổ chức các lớp tiếng Anh tăng cường bậc 3 và lớp tiếng Anh tăng cường bậc 4 (theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam) với mức học phí ưu đãi để hỗ trợ sinh viên.
Theo Ngọc Minh Tâm/Phụ Nữ