Dự kiến thay đổi cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT từ năm 2025

Theo báo cáo tổng kết công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020 – 2024 của Bộ GD&ĐT, Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức chung đề, chung đợt, kết quả thi được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp và sử dụng trong tuyển sinh ở các trường đại học, cao đẳng.

Dự kiến thay đổi cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT từ năm 2025

Ông Huỳnh Văn Chương báo cáo tại Hội nghị tổng kết. Ảnh Trần Huỳnh/TTO

Thí sinh thi 3 môn bắt buộc là: Toán, Văn, Ngoại ngữ cùng một bài thi tổ hợp (Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội). Việc xét tốt nghiệp được thực hiện kết hợp kết quả thi và kết quả học tập theo tỉ lệ 70 - 30. Ở giai đoạn này mỗi năm, cả nước có khoảng 900.000 đến 1 triệu thí sinh tham dự Kỳ thi.

Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, Kỳ thi được tổ chức ngày càng gọn nhẹ, thiết thực, khách quan, công bằng; kết quả thi đủ độ tin cậy, đạt các mục tiêu, được hầu hết các cơ sở giáo dục đại học sử dụng làm căn cứ xét tuyển sinh.

Giai đoạn 2020-2024, tỉ lệ tốt nghiệp liên tục tăng trong nhiều năm. Cụ thể, năm 2020, tỉ lệ tốt nghiệp đạt 98,34%, năm 2021là 98,60%, năm 2022 là 98,57%, năm 2023 là 98,88% và năm 2024 là 99,40%.

Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn một số hạn chế như việc ra đề giữa các năm và giữa các môn học (Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội) không được đồng đều nhau đã dẫn đến tình trạng "lạm phát điểm cao".

Ngoài ra, việc các trường sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh sớm khiến chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm của Kỳ thi tốt nghiệp THPT bị thu hẹp. Nhiều thí sinh điểm thi cao nhưng vẫn không đỗ được nguyện vọng mình yêu thích, tạo tâm lý xã hội không tốt cho hàng ngàn thí sinh và phụ huynh.

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng thí sinh vi phạm quy chế thi và đã được kịp thời phát hiện xử lý.

Thí sinh thi 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn

Năm 2025 là năm đầu tiên Kỳ thi tốt nghiệp THPT thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bên cạnh việc lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT, kết quả Kỳ thi cũng nhằm cung cấp cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh.

Ở Kỳ thi này, thí sinh dự thi 4 môn; trong đó, 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn lựa chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ Nông nghiệp, Công nghệ Công nghiệp). Đề thi có cấu trúc định dạng mới, tăng cường độ phân hóa để tạo thuận lợi cho công tác tuyển sinh.

Bộ GD&ĐT dự kiến thay đổi cách tính điểm xét tốt nghiệp, trong đó sử dụng kết quả điểm thi và kết quả đánh giá quá trình 3 năm học của học sinh theo tỉ lệ 50 – 50, tức là tăng tỉ lệ sử dụng kết quả học tập của học sinh ở các năm THPT nhằm đánh giá toàn diện các năng lực theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ngoài ra, dự kiến Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 vẫn sử dụng chứng chỉ Ngoại ngữ để miễn thi nhưng không quy đổi thành 10 điểm trong xét công nhận tốt nghiệp. Đối với điểm khuyến khích, Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến về không cộng điểm chứng chỉ nghề do chương trình giáo dục phổ thông mới không còn quy định về hoạt động giáo dục dạy nghề như chương trình cũ.

Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng không cộng điểm chứng chỉ Tin học, Ngoại ngữ, bằng Trung cấp đối với thí sinh giáo dục thường xuyên do chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT mới tương đương với chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT hiện hành. Học viên sau khi học xong chương trình sẽ tham dự chung kỳ thi tốt nghiệp THPT, có cùng chuẩn đầu ra và yêu cầu cần đạt của chương trình.

Ngoài ra, ngân hàng đề thi sẽ theo hướng mở; vận chuyển đề thi dự kiến có thêm phương án qua Ban Cơ yếu Chính phủ. Việc thanh tra, kiểm tra cũng sẽ được thực hiện theo phương án mới.

Bộ GD&ĐT cũng đề xuất thời điểm công bố kết quả xét tuyển sớm là sau khi kết thúc chương trình và kế hoạch năm học, tức 31/5 hằng năm, tránh ảnh hưởng đến kỳ thi tốt nghiệp THPT và việc học tập của học sinh.

Vũ Phong/ baochinhphu.vn

Tin cùng chuyên mục

Trong hơn 1 tháng, có thêm 2 trường đại học (ĐH) là Kinh tế quốc dân và Duy Tân trở thành ĐH, nâng tổng số ĐH của VN lên 9 trường. Đây là 2 trong số 4 trường ĐH chuyển thành ĐH theo luật Giáo dục ĐH sửa đổi 2018.
Chính phủ đề xuất chuyển Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM về Bộ GD-ĐT để quản lý. Đồng thời, giao 2 đại học quốc gia đề xuất phương án sắp xếp, cơ cấu lại và giảm mạnh tổ chức bên trong.
8 chương trình giáo dục đã được Bộ GD-ĐT xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu học tập thường xuyên, học tập suốt đời của người dân, góp phần nâng cao dân trí, phát triển bản thân để tạo thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hiện nay, hình thức đào tạo từ xa, ứng dụng công nghệ vào dạy và học đang được các trường đẩy mạnh quy mô tuyển sinh. Từ năm 2024, quy chế về đào tạo từ xa cũng được Bộ GD-ĐT quy định chặt chẽ nhằm kiểm soát về chất lượng của hệ đào tạo này.
Thống kê tại hơn 120 trường đại học của Việt Nam ở năm học 2023-2024, chỉ có hơn 5.000 sinh viên quốc tế theo học dài hạn, tức mỗi trường chỉ có khoảng 40 sinh viên.
Dự thảo thông tư xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra lấy ý kiến có nhiều điểm mới so với thông tư trước đây. Lợi cũng có mà hại cũng nhiều.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Các ngành công nghiệp số cốt lõi nào được đẩy mạnh đào tạo nhân lực?
Bên cạnh ngành công nghiệp bán dẫn, các ngành công nghệ số cốt lõi đã được Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh đào tạo nhân lực đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.