Không ít du học sinh sau khi về nước gặp nhiều khó khăn khi tìm việc làm phù hợp. Trong đó, nhiều người phải chấp nhận làm các công việc khác với chuyên môn đã học, chấp nhận mức lương thấp hơn mong muốn.
Học sinh lớp Mười hai Trường tiểu học và THCS - THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội) làm quen với môi trường học tập quốc tế tại Đại học Anh quốc Việt Nam. Đây là một trong những chuỗi hoạt động hướng nghiệp được trường tổ chức thường niên - Ảnh: T.N.S.
Kỹ sư xây dựng đi dạy tiếng Anh
Anh L.T.H. vốn là kỹ sư xây dựng, tuy nhiên trong hơn 10 năm nay, công việc của anh là giáo viên dạy tiếng Anh. Trước đây anh H. du học ở Mỹ, chuyên về nghiên cứu cống ngầm cỡ lớn dưới lòng đất.
Về nước, anh H. khá tự tin với những gì mình được đào tạo. Thế nhưng hành trình đi xin việc của anh lại trầy trật từ năm này qua năm khác, bởi trong nước rất hiếm có công trình liên quan đến cống ngầm cỡ lớn dưới lòng đất. Sau mấy năm không tìm được công việc phù hợp, anh H. chấp nhận phải đi dạy trực tuyến tiếng Anh, với mức lương chỉ vài chục ngàn đồng/giờ.
P.T.N. du học ngành truyền thông tại Anh. Cô về nước năm 2021, cũng gửi hồ sơ đến nhiều đơn vị, song chỉ vài nơi liên hệ hẹn đến phỏng vấn. N. đã cảm thấy hụt hẫng với mức lương 5-7 triệu đồng/tháng mà các nhà tuyển dụng đưa ra, nơi trả cao nhất cũng chỉ 9 triệu đồng/tháng. N. nhẩm tính: “Mức lương này thì đến bao giờ mới kéo lại được mấy tỉ đồng cha mẹ nuôi ăn học suốt mấy năm trời ở nước ngoài”...
Cuối cùng, N. quyết định không đi làm mà tự kinh doanh online. N. tâm sự: “Rất may là cha mẹ tôi vững kinh tế nên ủng hộ và cấp vốn kinh doanh. Tôi đã kết nối với những người bạn du học ở Anh, Đức, Mỹ về, cũng đang gặp khó khăn khi tìm việc, chúng tôi kết hợp cùng nhau bán hàng xách tay trên các mạng xã hội”.
Bà T.P.D. (Hà Nội) và các anh, chị, em của bà đều có con cái du học ở nước ngoài. Bà D. chia sẻ, trong số con cháu đi du học của đại gia đình, chỉ con bà ở lại Mỹ sau khi tìm được công việc phù hợp. “Mấy người cháu học xong thì về nước. Có đứa xin được việc ở thành phố khác, nhưng lương thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Cha mẹ các cháu vẫn phải chu cấp thêm. Có cháu thì du học về gửi hồ sơ xin việc khắp nơi nhưng không được lại nộp hồ sơ du học tiếp lên cao học”, bà D. cho biết.
Ông Đ.N. - làm việc tại công ty tư vấn du học - cho biết, ông từng tiếp xúc với nhiều phụ huynh, học sinh đăng ký du học khi chưa có sự chuẩn bị kỹ càng cho cả hành trình du học - ra trường - xin việc. Vì vậy đã có không ít trường hợp du học xong về nước phải chật vật làm nhiều công việc khác nhau, thậm chí là thất nghiệp. Không ít phụ huynh phải còng lưng trả nợ tiền vay cho con du học, sau khi con đã về nước nhiều năm.
Quan trọng nhất là hướng nghiệp
Mỗi khi nhắc lại chuyện du học, bạn bè của anh L.T.H. vẫn tiếc vì anh đã chọn ngành học không phù hợp với thực tế xây dựng trong nước. Chị N. chia sẻ: “Tôi quyết định chọn ngành truyền thông bởi ngành này đang khá hấp dẫn cả về đặc điểm công việc và thu nhập. Song khi về nước, kinh nghiệm của tôi lại không so được với các bạn học trong nước. Tôi làm thêm ngoài giờ ở Anh, chỉ là phục vụ, bán hàng thuê.
Trong khi các bạn học ngành này trong nước đã có cơ hội tiếp cận với nghề ngay từ năm thứ 3-4, thậm chí sớm hơn. Tôi về nước, khi đi phỏng vấn tuyển dụng thì các mối quan hệ trong ngành là con số 0. Trong khi các ứng viên tốt nghiệp đại học trong nước thì ít nhiều đều đã tạo dựng được mối quan hệ, bước đầu đã được cọ xát với nghề”.
Bà D. thì cho rằng, việc một số người cháu của bà không tìm được việc là bởi họ không xác định được ngành học phù hợp với sở thích, năng lực bản thân. “Cha mẹ thấy con người ta đi du học nên cũng cho con mình đi du học. Các cháu thì đi theo trào lưu chứ hầu như không đặt mục tiêu rõ ràng, không xác định được mình thực sự yêu thích nghề gì. Rồi yếu tố dễ xin việc, xu thế xã hội... sau đó lại không mấy thuận lợi như cha mẹ và các cháu nghĩ. Thành ra cha mẹ tốn rất nhiều tiền cho con ăn học mà không có kết quả”.
Một chuyên gia của Navigos Search - công ty cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự - đánh giá: Một trong những nguyên nhân khiến nhiều người du học về vẫn thất nghiệp là do các bạn kỳ vọng quá cao, thường có những yêu cầu cao hơn mặt bằng chung về tiền lương, chế độ phúc lợi...
Hiện những du học sinh mới tốt nghiệp về nước không còn được đề cao như trước đây. Dù ứng viên du học về có những lợi thế nhất định, song ứng viên trong nước hoàn toàn không thua kém họ. Bởi cơ chế đào tạo trong nước hiện đã có những thay đổi tiến bộ cả về kỹ năng mềm, kỹ năng chuyên môn cũng như ngoại ngữ. Các ứng viên trong nước có đủ điều kiện để tiếp thu nền giáo dục hiện đại, phát triển.
Bên cạnh đó, chương trình đào tạo vừa học vừa làm giúp các bạn sinh viên tại Việt Nam có sự am hiểu về quy trình làm việc, trải nghiệm thực tế; khả năng đáp ứng công việc tốt hơn du học sinh mới về nước.
Theo bà Hồ Phụng Hoàng - chuyên gia hướng nghiệp - điều quan trọng nhất đối với việc chọn ngành học trong nước lẫn ngành học khi du học vẫn là hướng nghiệp. Các em cần tìm hiểu về các ngành học và các trường, không nên chỉ nghe từ ai đó mà cần phải đọc, ghi lại những gì mình hiểu về các ngành học và trường học.
Khi các em đủ 18 tuổi, cha mẹ nên để các em quyết định về ngành nghề của chính mình. Nếu không, các em dễ đổ lỗi khi gặp phải những điều không thuận lợi sau này. Cha mẹ đầu tư về giáo dục cho con là điều rất tốt, song tuyệt đối không nên vay mượn để đầu tư khi chưa biết rõ con có phù hợp với việc du học ở nước ngoài, ngành học đã chọn có phù hợp với năng lực học tập của con, xu hướng việc làm sau khi tốt nghiệp… hay không.
Kết quả khảo sát gần đây do một công ty tư vấn nhân sự của Pháp thực hiện cho thấy, bên cạnh chuyên môn và kinh nghiệm quốc tế, các nhà tuyển dụng rất quan tâm đến các yếu tố khác ở ứng viên như khả năng học thuật, am hiểu kỹ thuật số, kỹ năng mềm, kiến thức số, tâm huyết với nghề...
Theo Ngọc Minh Tâm/PNO