Du học sinh đến Mỹ cao nhất mọi thời

Hơn 1,1 triệu sinh viên quốc tế ở Mỹ - mức cao nhất từ trước đến nay, Ấn Độ dẫn đầu, Việt Nam xếp thứ 6.

Báo cáo Open Doors của Viện Giáo dục Quốc tế Mỹ (IIE) công bố hôm qua cho biết năm học 2023-2024, Mỹ nhận hơn một triệu sinh viên đến từ hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng khoảng 6,6% so với năm học trước. Tất cả đóng góp 50 tỷ USD cho nền kinh tế nước này.

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2009, Ấn Độ có nhiều sinh viên nhất tại Mỹ. Hơn 331.000 du học sinh Ấn Độ theo học bậc đại học, sau đại học, các khóa không cấp bằng và làm việc sau tốt nghiệp theo chương trình OPT (Optional Practical Training - cho phép làm tối đa 3 năm), tăng hơn 23%. Trung Quốc có hơn 277.000 du học sinh, giảm 4%, đứng thứ hai.

Ba vị trí tiếp theo thuộc về Hàn Quốc (hơn 43.000), Canada (gần 29.000), Đài Loan (hơn 23.000). Số du học sinh người Việt là 22.066, tăng 166 người. Sau 5 năm trong top 5 đông nhất, năm nay Việt Nam xếp thứ 6.

Báo cáo của IIE cũng cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ từ khu vực châu Phi. Trong đó, Nigeria tăng 13%, lên hơn 20.000 sinh viên, xếp thứ 7. Ghana có gần 10.000 du học sinh, tăng 45%.

Ngoài ra, 8 trong số 25 quốc gia và vùng lãnh thổ đông sinh viên ở Mỹ cũng đạt kỷ lục, gồm Bangladesh, Colombia, Ghana, Ấn Độ, Italy, Nepal, Pakistan và Tây Ban Nha.

Du học sinh đến Mỹ cao nhất mọi thời

Kỷ lục ở Mỹ phản ánh xu hướng tăng dịch chuyển của sinh viên quốc tế. Mirka Martel, giám đốc nghiên cứu của IIE, dẫn số liệu của UNESCO cho thấy vào năm 2022, có 6,9 triệu sinh viên di chuyển trên toàn cầu - tăng 8% so với năm trước.

IIE dự báo số sinh viên quốc tế ở Mỹ sẽ tiếp tục tăng trong 4-5 năm tới, bao gồm cả sinh viên Trung Quốc. Đầu năm học này, số lượng tuyển sinh quốc tế của 680 trường ở Mỹ đã tăng 3%.

Giám đốc điều hành của IIE Allan Goodman nhận định trong bối cảnh các hạn chế về thị thực với sinh viên quốc tế tại Canada và Australia ngày càng chặt chẽ hơn, Mỹ ngày càng có lợi thế. Nước này hiện có hơn 4.000 cơ sở giáo dục và có thể tiếp nhận thêm nhiều sinh viên nữa.

Hiện, dù đạt mức cao nhất mọi thời đại, số du học sinh chỉ chiếm 6% tổng số sinh viên ở Mỹ, so với 26% ở Anh, Australia và gần 40% ở Canada.

Du học sinh đến Mỹ cao nhất mọi thời

Một góc khuôn viên Đại học Yale, Mỹ. Ảnh: Yale University Fanpage

IIE là tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động trong lĩnh vực trao đổi giáo dục của Mỹ. Báo cáo Open Doors được thực hiện hàng năm, do Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ, được đánh giá là nguồn thông tin đầy đủ về tình hình du học sinh, học giả đến Mỹ và số học sinh, sinh viên Mỹ ở nước ngoài.

Theo Doãn Hùng/VnExpress

Tin cùng chuyên mục

Xét tuyển học sinh Việt Nam bằng điểm bài thi chuẩn hóa là động thái mới từ ĐH Quốc gia Úc (ANU), sau nhiều năm chỉ nhận ứng viên học ở 92 trường chuyên, trường điểm.
Chính phủ Hungary sẽ cấp tối đa 200 suất học bổng cho công dân Việt Nam để theo học tại Hungary ở các lĩnh vực: Khoa học Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học, Bán dẫn, Khoa học dữ liệu, Khoa học máy tính, Trí tuệ nhân tạo, Giáo dục, Kinh tế, Khoa học y tế và sức khỏe, Nông nghiệp, Khoa học tự nhiên, Nghệ thuật, Khoa học xã hội và Nhân văn, Luật, Kiến trúc, Thú y và Khoa học thể thao.
Cục Hợp tác quốc tế - Bộ GD -ĐT cho biết năm 2025 Chính phủ Trung Quốc sẽ cấp 34 chỉ tiêu học bổng cho công dân Việt Nam đi đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ tại Trung Quốc theo diện Hiệp định.
Châu Âu đang trở thành điểm đến hấp dẫn sinh viên Việt Nam nhờ hệ thống giáo dục chất lượng cao, chi phí học tập hợp lý, đặc biệt là cơ hội miễn hoặc giảm học phí. Với chương trình đào tạo nghề tại nhiều quốc gia, người học không chỉ được miễn học phí mà còn được trả lương từ 800-1.200 euro/tháng.
Du học sinh Việt ngoài được miễn học phí và nhận trợ cấp 1.000 euro/tháng khi học nghề Điều dưỡng, còn có nhiều cơ hội việc làm sau tốt nghiệp vì lĩnh vực này đang thiếu lao động.
Hơn 10.000 thư mời nhập học của sinh viên quốc tế từ các trường cao đẳng và đại học Canada đã bị phát hiện là có khả năng giả mạo trong năm nay, theo thông tin từ quan chức di trú phụ trách sinh viên quốc tế ở nước này.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Các ngành công nghiệp số cốt lõi nào được đẩy mạnh đào tạo nhân lực?
Bên cạnh ngành công nghiệp bán dẫn, các ngành công nghệ số cốt lõi đã được Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh đào tạo nhân lực đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.