Điều chỉnh trong tuyển sinh đại học: Lo mất quyền lợi thí sinh

Năm nay, Bộ GD&ĐT chủ trương đưa dữ liệu xét tuyển của tất cả các trường đại học (ĐH) lên hệ thống chung để hỗ trợ các trường lọc ảo. Đây là một trong số những thay đổi trong tuyển sinh ĐH 2022 được cho là có thể sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh.

Quyền lựa chọn bị hạn chế

Tại Hội nghị tuyển sinh năm 2022 vừa qua, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ xây dựng một phần mềm lọc ảo chung cho tất cả các phương thức xét tuyển. Theo đó, mỗi thí sinh sẽ chỉ đỗ theo 1 nguyện vọng. Việc điều chỉnh này được bộ này khẳng định chỉ mang tính kỹ thuật.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho hay, thống kê 3 năm gần đây cho thấy tỉ lệ thí sinh ảo tăng vì hệ thống lọc ảo chưa đưa vào những thí sinh xét tuyển theo phương thức riêng của các trường. Vì vậy, việc Bộ GD&ĐT chủ trương xây dựng và sử dụng phần mềm lọc ảo chung nhằm khắc phục vấn đề này. Mặt khác còn nhằm khắc phục tình trạng các trường công bố điểm trúng tuyển và thời gian nhập học khác nhau khiến các thí sinh đỗ nhiều trường gặp khó khăn khi phải quyết định việc nhập học trường này hay tiếp tục chờ kết quả ở trường kia.

Điều chỉnh trong tuyển sinh đại học: Lo mất quyền lợi thí sinh

Điều chỉnh quy chế phải tạo thuận lợi và đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Ảnh: Như Ý

Từ góc độ thực tế, PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho rằng Bộ GD&ĐT cũng cần cân nhắc các biện pháp triển khai hệ thống lọc ảo chung để tránh ảnh hưởng tới quyền lựa chọn của thí sinh. Tại trường ĐH Kinh tế Quốc dân, khi thiết kế phần mềm xét tuyển, nhà trường căn cứ không chỉ vào tính đa nguyện vọng của từng phương thức xét tuyển mà còn căn cứ vào tính đa đối tượng của thí sinh.

Năm nay, thí sinh đã đăng ký xét tuyển trực tuyến sẽ được cấp mã định danh là số chứng minh thư nhân dân. Bộ đã lên phương án dùng mã này để thí sinh xác nhận nhập học, không nhất thiết phải dùng phiếu kết quả thi tốt nghiệp THPT như mọi năm. Do đó, nếu thí sinh đã xác nhận nhập học rồi thì tên sẽ không còn nằm trong hệ thống để được xét tuyển nữa.

Vì thế, thí sinh đồng thời có thể đỗ 3 - 4 nguyện vọng do tham gia đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh. Sau đó, thí sinh có thể chọn nguyện vọng mong muốn nhất.

Do đó, ông đề xuất Bộ GD&ĐT có thể khắc phục việc thí sinh ảo cũng như tình trạng một số trường “bắt bí” thí sinh khi yêu cầu nhập học sớm bằng cách quy định thời gian nhập học và cho được quyền rút hồ sơ. PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho hay, dù Bộ GD&ĐT cho biết, đây chỉ là phương án điều chỉnh kỹ thuật nhưng có ảnh hưởng không nhỏ tới các trường và thí sinh.

Không yêu cầu phải xác nhận nhập học sớm

TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH FPT chia sẻ chủ trương gộp tất cả các phương thức xét tuyển vào một hệ thống chung để lọc ảo của bộ là đúng đắn, nhưng cần phải làm thế nào để đỡ phức tạp.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng, Bộ GD&ĐT chỉ cần có giải pháp kỹ thuật để giám sát việc các trường thực hiện quy chế tuyển sinh, ngăn những trường gọi thí sinh nhập học sớm, không công bằng với thí sinh khác.

Theo ông, việc chống ảo, lọc ảo, Bộ GD&ĐT không thể lường trước hay tính giúp các trường được mà bản thân các trường phải tự xác định. Bộ can thiệp quá sâu có thể khiến các trường khó đảm bảo đủ chỉ tiêu, ảnh hưởng trực tiếp đến “nồi cơm” của các trường vì hiện nay các trường phải tự chủ. Thí sinh cũng không yên tâm khi xét tuyển đã đỗ nhưng khi lên lọc ảo có khi lại trượt, gây tâm lý không ổn định.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, hệ thống lọc ảo Bộ GD&ĐT hỗ trợ các trường không có tính năng xét tuyển chung. Hệ thống cho phép thí sinh đăng ký nguyện vọng, sau đó cho phép các trường tải danh sách nguyện vọng đăng ký vào trường mình cùng với dữ liệu thí sinh. Việc xét tuyển sẽ do từng trường thực hiện.

Vấn đề “quyền thí sinh”, ông Sơn cho rằng, đến một thời điểm giới hạn, thí sinh phải chốt một chỗ học, để không chiếm chỗ của thí sinh khác. Để tôn trọng quyền của thí sinh, đồng thời đảm bảo lợi ích của trường, Bộ GD&ĐT sẽ yêu cầu các trường không bắt thí sinh phải xác nhận nhập học sớm. Nếu thí sinh nào muốn xác nhận sớm chỉ cần đăng ký đó là nguyện vọng cao nhất của mình.

Về thời gian xét tuyển đợt 1, theo ông Sơn, có thể kéo dài trong khoảng một tuần.

Theo Nghiêm Huê/TPO

 

Tin cùng chuyên mục

Điểm sàn cao nhất xét tuyển vào ĐH Kinh tế TP.HCM là 730 điểm, theo kết quả thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức đợt 1 năm 2024.
Bộ GD&ĐT chính thức ban hành kế hoạch tuyển sinh đại học và tuyển sinh ngành cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024.
Thí sinh muốn phúc khảo bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cần đăng ký trong khoảng thời gian từ ngày 15 đến 17- 4.
ĐH Quốc gia TP.HCM vừa công bố kết quả kỳ thi đánh giá năng lực 2024 đợt 1, trong đó thủ khoa đạt 1.076 điểm (thang điểm 1.200).
Hôm nay (15/4), ĐH Quốc gia TP.HCM công bố điểm thi đánh giá năng lực đợt 1. Kỳ thi có gần 100.000 thí sinh tham dự. Sau đây là cách xem điểm thi đánh giá năng lực.
Có trường đại học, có ngành, thí sinh phải đạt từ 850 điểm (thang điểm 1.200) thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM mới được nộp hồ sơ xét tuyển.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề