Điểm nghẽn giáo dục đại học: Nguồn lực và cơ chế tài chính đều yếu

Hệ thống giáo dục đại học (ĐH) đang có nhiều điểm nghẽn cần phải khơi thông để phát triển. Trong đó, nguồn lực, cơ chế tài chính cho giáo dục ĐH đang là vấn đề lớn nhất hiện nay.

Tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TƯ về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước do Ban Tuyên giáo Trung ương vừa tổ chức, PGS. TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT đã chia sẻ những điểm nghẽn mà hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam đang phải đối mặt, cần phải được tháo gỡ kịp thời. Trong đó, nguồn lực và cơ chế tài chính cho giáo dục ĐH được cho đang là điểm nghẽn lớn nhất.

Bà Thủy cho biết hiện chưa có số liệu chính thức về tổng kinh phí và cơ cấu kinh phí chi cho giáo dục ĐH Việt Nam hằng năm. Còn theo số liệu Bộ Tài chính cung cấp, dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) chi cho giáo dục ĐH năm 2020 là 16.703 tỷ đồng, tương đương khoảng 330 đô la/sinh viên, chiếm 0,96% tổng chi NSNN. Tuy nhiên thực chi chỉ đạt 11.327 tỷ đồng, tương ứng 0,65% tổng chi NSNN. Mức chi này thấp nhiều lần so với các nước trong khu vực và trên thế giới, chỉ bằng 1/5 đến 1/6 tỷ trọng trung bình của các nước phát triển (OECD) và một số nước khu vực ASEAN.

PGS Nguyễn Thu Thủy chỉ ra thêm một số bất cập trong phân bổ ngân sách nhà nước cho giáo dục ĐH hiện nay như chưa gắn với năng lực, hiệu quả hoạt động của cơ sở đào tạo ĐH; cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ và đấu thầu đối với một số ngành thiết yếu chưa được thực hiện, hoặc thực hiện gặp rất nhiều khó khăn; chính sách tín dụng sinh viên đã nâng mức cho vay và mở rộng đối tượng thụ hưởng, nhưng lãi suất vay còn khá cao và thời hạn trả nợ vẫn tương đối ngắn, vì vậy vẫn hạn chế khả năng tiếp cận của nhiều nhóm đối tượng sinh viên.

Cơ chế biến trường ĐH tự chủ thành tự lo

Đầu tư cho giáo dục ĐH tại Việt Nam đang quá thấp so với thế giới Ảnh: Hồng Vĩnh

Bà Thủy cũng cho hay quy mô đào tạo ĐH hiện đạt tỷ lệ 215 sinh viên/vạn dân nhưng vẫn thấp so với khu vực và thấp hơn mức trung bình của các nước thuộc khối OECD. Để đạt được chỉ tiêu 260 sinh viên/vạn dân đặt ra năm 2030 là một thách thức rất lớn cho giáo dục ĐH Việt Nam. Đội ngũ giảng viên của các cơ sở giáo dục ĐH trên toàn quốc đã phát triển nhanh cả về số lượng, trình độ và năng lực. Tỷ lệ sinh viên/giảng viên và tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng cao trong 5 năm gần đây. Tuy vậy, các tỷ lệ này đều rất thấp so với chuẩn mực chung của thế giới và đây là một điểm nghẽn lớn trong nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu.

Về năng lực nghiên cứu khoa học, mặc dù số lượng công bố quốc tế tăng rất nhanh trong những năm gần đây, nhưng đạt tỷ lệ trung bình toàn quốc vẫn khá thấp so với chuẩn mực chung của các trường ĐH trong khu vực và trên thế giới.

Không những thế, đối sánh với các cơ sở giáo dục ĐH trong khu vực và thế giới trên nhiều phương diện thì hạ tầng và cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam có thể xếp vào mức độ thấp nhất trong các tiêu chí. Về diện tích khuôn viên và diện tích xây dựng, hầu hết các cơ sở giáo dục ĐH không đáp ứng được yêu cầu so với quy mô đào tạo nếu đối sánh với chuẩn mực chung của thế giới.

Trong giai đoạn tới, để thúc đẩy phát triển đội ngũ trí thức cả về lượng, cần thiết phải có Nghị quyết mới cho giai đoạn mới, trong đó Bộ GD&ĐT đề xuất đổi mới cơ chế phân bổ tài chính, tăng cường đầu tư tài chính và nguồn lực cho các cơ sở giáo dục ĐH, nâng cao tỉ lệ chi NSNN để là đầu tàu dẫn dắt đầu tư nguồn lực từ các nguồn khác.

Về đầu tư cơ sở vật chất, theo khảo sát của Bộ GD&ĐT năm 2022 trên 135 cơ sở giáo dục ĐH, tỷ trọng chi trung bình cho cơ sở vật chất của các trường chỉ chiếm xấp xỉ 5% tổng chi hàng năm. “Tỷ lệ này sẽ khó có thể đáp ứng yêu cầu giữ vững và nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là đối với các cơ sở đào tạo lĩnh vực Y dược, Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ”, PGS Nguyễn Thu Thủy nhận định.

GS.TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết trên thế giới, các trường ĐH được giao quyền tự chủ rất cao nhưng nhà nước vẫn đầu tư ngân sách cho giáo dục ĐH vì đó là nguồn đầu tư cho tương lai. Ở Việt Nam, quan điểm chỉ đạo của Đảng, của Chính phủ cũng như vậy, tự chủ không đồng nghĩa với tự lo, nhà nước vẫn phải cấp ngân sách và đầu tư cho các trường. Nhưng cách đầu tư của nhà nước sẽ khác so với trước đây. Nếu trước đây nhà nước đầu tư theo cơ chế bao cấp thì khi tự chủ, nhà nước sẽ đầu tư theo cơ chế đặt hàng.

“Đây là quan điểm rất đúng và phù hợp khi các cơ sở đào tạo thực hiện tự chủ. Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn ngân sách của chúng ta còn hạn hẹp nên khi các trường tự chủ, nhà nước không đầu tư theo cơ chế bao cấp nhưng lại chưa đầu tư theo cơ chế đặt hàng”, GS Hoàng Văn Cường chia sẻ thông tin. Do đó, theo ông Cường, cơ chế hiện nay đang biến các trường tự chủ trở thành trường ĐH tự lo vì ngân sách bị cắt giảm. Học phí trở thành nguồn thu chính yếu để các trường ĐH duy trì hoạt động và đáp ứng các điều kiện đảm bảo chất lượng. Đó là lý do nhiều trường ĐH tự chủ tăng học phí. Vì các trường ĐH của Việt Nam chưa đạt được trình độ trở thành những trung tâm nghiên cứu, kể cả những cơ quan nghiên cứu khoa học cũng chưa tạo ra được nguồn thu từ việc sáng tạo sản phẩm và còn phải trông chờ vào NSNN.

Theo Nghiêm Huê/TPO

Tin cùng chuyên mục

Theo các nhà chuyên môn, hiện nay có một số ngộ nhận về nhân lực trình độ đại học cho công nghiệp chip bán dẫn cần được "giải ảo".
Từ khi các trường ĐH được thực hiện tự chủ mở ngành, hàng trăm ngành học mới được mở ra nhưng trong số đó nhiều ngành không tuyển được sinh viên dẫn đến đóng cửa.
Từ khi trường ĐH được tự chủ mở ngành đào tạo, hàng loạt ngành mới xuất hiện mỗi năm. Nhưng nhiều ngành đã nhanh chóng đóng cửa chỉ sau một vài năm tuyển sinh.
Từ quy định tối thiểu của Bộ GD&ĐT, cơ sở đào tạo đại học (ĐH) được phép nâng “sàn” nên đôi khi những người trong cuộc cảm thấy băn khoăn do chưa thực sự nắm bắt được ngọn nguồn vấn đề trong đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam
Rất nhiều quảng cáo hấp dẫn về các khóa luyện thi, các sách luyện đề đánh giá năng lực được tung ra, nhất là trong giai đoạn nước rút. Các chuyên gia nhất quán cho rằng, tham gia những khóa luyện thi vừa tốn tiền, vừa mất thời gian mà không mang lại hiệu quả.
Năm học 2023 - 2024, Nghệ An tăng 7.226 học sinh lớp 9, gây áp lực tuyển sinh vào lớp 10. Tại TPHCM, áp lực với học sinh thi vào lớp 10 cũng khốc liệt khi có đến 20.000 thí sinh rớt khỏi “đường đua vào trường công”.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề