Điểm chuẩn năm 2022 nhiều ngành tăng- giảm “không phanh”, chuyên gia nói gì?

Bức tranh điểm chuẩn ĐH 2022 phân hóa mạnh, đặc biệt chứng kiến sự tăng - giảm “không phanh” ở một số trường ĐH, nhiều nhóm ngành có sự “đổi ngôi” không ngờ.

Sau quá trình lọc ảo, từ ngày 15/9 - 17/9, hơn 250 trường đại học đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển đợt 1 theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022.

Nhìn chung, bức tranh điểm chuẩn đại học 2022 phân hóa mạnh, đặc biệt chứng kiến sự tăng - giảm “không phanh” của điểm chuẩn ở một số trường, nhiều nhóm ngành có sự “đổi ngôi”.

Những năm vừa qua, chúng ta chứng kiến “cơn mưa lạm phát” điểm thi khi có những thí sinh 30 điểm vẫn không đỗ đại học. Để khắc phục tình trạng này, trong mùa tuyển sinh đại học 2022 đã có nhiều thay đổi trong quy chế tuyển sinh được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra như đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh, giảm mức cộng ưu tiên với thí sinh đạt từ 22,5 điểm,... Tuy nhiên, vẫn có những ngành điểm số ‘’xấp xỉ’’ chạm trần, cá biệt nhiều ngành ngay đến thủ khoa còn ‘’trượt’’.

Thủ khoa khối C00 của cả nước đạt 29,75 điểm trong khi điểm chuẩn có ngành lấy 29,95

Đây là một so sánh vui được các thí sinh đưa ra ngay khi biết điểm chuẩn của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội. Theo đó, năm nay, thủ khoa khối C của cả nước là 29,75 điểm, trong khi điểm chuẩn của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội là 29,95 điểm.

Cụ thể, trường có tới 3 ngành lấy điểm chuẩn ở mức ‘’xấp xỉ’’ chạm trần và đều thuộc tổ hợp C00, bao gồm: ngành Hàn Quốc học, ngành Đông phương học và Quan hệ công chúng cùng lấy 29,95 điểm. Ngoài ra, ngành học có mức điểm chuẩn ‘’cao chót vót’’ không kém của trường là ngành Báo chí với điểm trúng chuẩn là 29,9 điểm. Đây cũng là những ngành học thuộc top có điểm chuẩn cao nhất cả nước năm nay.

Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, năm nay điểm chuẩn trúng tuyển rất nhiều ngành của các trường năm nay đều trung bình trên 9 điểm mỗi môn, điển hình như: ngành Luật kinh tế của trường Đại học Luật Hà Nội - 29,5 điểm, trung bình mỗi môn 9,83 điểm; ngành Trung Quốc học của Học viện Ngoại giao lấy 29,25 điểm, trung bình mỗi môn 9,75 điểm; chuyên ngành Hàn Quốc học của Học viện Ngoại giao lấy 29 điểm, trung bình mỗi môn 9,67 điểm;...

Ngành Sư phạm ‘’đổi ngôi’’ - ‘’vượt’’ khối Y Dược

Một điểm bất ngờ trong mùa tuyển sinh năm nay nữa là sự “lên ngôi” của khối ngành sư phạm. Cụ thể, điểm chuẩn nhiều ngành sư phạm chứng kiến sự “tăng vọt” cả gần chục điểm, có ngành tăng lên tới gần 14/30 điểm so với năm 2021.

Theo đó, năm nay, trường có mức tăng nhảy vọt nhất trong khối sư phạm là Đại học Sư phạm Hà Nội 2 với điểm chuẩn ngành sư phạm Lịch sử là 38,67/40 điểm, tăng 13,17 điểm so với năm 2021. Tiếp theo là trường Đại học Quy Nhơn, ngành sư phạm Lịch sử, sư phạm Địa lý và sư phạm Vật lý, xét theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay ngành này có điểm chuẩn 28,5/30 điểm - mức điểm thuộc hàng cao nhất cả nước trong mùa tuyển sinh năm nay.

Mức điểm đáng chú ý khác trong khối sư phạm không thể không kể đến hai ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao và Sư phạm Lịch sử chất lượng cao của trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) khi mức điểm chuẩn xấp xỉ "chạm trần" - 39,92/40 điểm. Như vậy, nếu không có điểm ưu tiên, trung bình thí sinh phải được 9,98 điểm mỗi môn mới trúng tuyển.

Ngược lại, khối Y Dược năm nay dù vẫn thuộc nhóm có điểm chuẩn cao tuy nhiên so sánh với năm 2021, nhiều ngành lại có điểm chuẩn “hạ nhiệt” khá lớn. Cụ thể, điểm chuẩn thấp nhất của trường Đại học Y Hà Nội năm 2021 là 23,2 điểm; năm nay mức thấp nhất giảm sâu chỉ còn 19 điểm (đều là ngành Điều dưỡng tại phân hiệu Thanh Hóa của trường Đại học Y Hà Nội).

Tại Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, điểm chuẩn năm nay dao động từ 18,1 điểm đến 26,65 điểm trong khi năm ngoái mức điểm chuẩn dao động từ 21,35 điểm đến 27,35 điểm. Đáng chú ý, một số ngành có điểm chuẩn giảm sâu đến 4, 5 điểm như ngành Dinh dưỡng, Điều dưỡng.

Nhìn nhận về sự “đổi ngôi” giữa khối sư phạm và khối Y dược, chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng ngoài lý do điểm sàn thi trung học phổ thông tăng, thì một lý do quan trọng khác chính là những chính sách về khuyến khích, thu hút nhân tài giáo dục đã thể hiện được tín hiệu tích cực của mình.

Cụ thể, theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, một số chính sách như hỗ trợ học phí, phí sinh hoạt, bố trí việc làm sau khi ra trường theo Nghị định 116 có thể phần nào đã góp phần thu hút sinh viên chọn theo khối sư phạm nhiều hơn. Ngược lại, nhìn nhận về sự “hạ nhiệt” của khối Y dược, theo ông, một phần mức học phí quá cao trong khi sinh viên mình nhiều em điều kiện kinh tế gia đình còn chưa đảm bảo đáp ứng được là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới quyết định điền nguyện vọng của các thí sinh.

Ngay cả ngành “hot” cũng “lép vế” đến không ngờ

Nếu điểm chuẩn tăng mạnh gây “choáng” thì năm nay bức tranh điểm chuẩn cũng khiến nhiều người ngỡ ngàng khi có những ngành giảm sâu đến hơn 10 điểm. Nhiều trường đại học thường xuyên có điểm chuẩn đứng hàng “top” thì năm nay lại có xu hướng giảm.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ảnh: Doãn Nhàn

Năm nay nhiều ngành “hot” về lĩnh vực kỹ thuật có mức điểm chuẩn cao nhất không còn thuộc về trường Đại học Bách khoa Hà Nội như: ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội năm nay lấy 24,19 điểm - cùng ngành này trường Đại học Thủy Lợi có mức điểm chuẩn cao hơn là 24,85 điểm; Hay ngành Công nghệ thực phẩm/Kỹ thuật thực phẩm năm nay trường Đại học Bách Khoa Hà Nội lấy 23,35 điểm - cùng ngành này trường Đại học Công nghiệp Hà Nội lấy 23,75 điểm.

Trường có mức giảm theo chiều “thẳng đứng” khiến nhiều người “ngỡ ngàng” là trường Đại học Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, ngành ghi nhận có mức giảm sâu nhất trong cả kỳ tuyển sinh năm nay là ngành Khai thác vận tải (chuyên ngành quản lý và kinh doanh vận tải) với mức giảm là 10,9 điểm. Năm nay, ngành này chỉ lấy 15 điểm, trong khi năm 2021 điểm chuẩn là 25,9 điểm. Một số ngành khác của trường cũng có mức giảm khá sâu như ngành kinh tế vận tải biển giảm 10,5 điểm, kỹ thuật điều khiển và tự động hóa (chuyên ngành tự động hóa công nghiệp) giảm 10,4 điểm; hay kể cả ngành “hot” như logistics và quản lý chuỗi cung ứng (chuyên ngành xây dựng và quản lý chuỗi cung ứng) cũng có mức giảm tới 10,1 điểm.

Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, việc điểm chuẩn tăng giảm liên quan trực tiếp tới điểm thi - chính sự biến động điểm thi làm thay đổi bức tranh điểm chuẩn năm nay.

Điểm chuẩn năm 2022 nhiều ngành tăng- giảm không phanh, chuyên gia nói gì?

Danh mục 20 phương thức xét tuyển đại học năm 2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo thống kê

Ngoài ra, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cũng bày tỏ một số lo ngại về việc có quá nhiều phương thức xét tuyển đại học gây khó khăn cho các thí sinh. Ông cũng cho rằng nên bỏ phương thức xét tuyển bằng học bạ trung học phổ thông để đảm bảo công bằng cho các thí sinh, tránh gian lận trong giáo dục:

“Thi cử nghiêm túc, vất vả mà vẫn còn xảy ra tiêu cực thì việc dùng điểm học bạ để xét tuyển thẳng sẽ gây ra thiếu công bằng cho các thí sinh - khi thực tế vẫn có hiện tượng “làm đẹp” học bạ cho học sinh”, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nói.

Theo Doãn Nhàn/Giáo dục VN

Tin cùng chuyên mục

Theo các nhà chuyên môn, hiện nay có một số ngộ nhận về nhân lực trình độ đại học cho công nghiệp chip bán dẫn cần được "giải ảo".
Từ khi các trường ĐH được thực hiện tự chủ mở ngành, hàng trăm ngành học mới được mở ra nhưng trong số đó nhiều ngành không tuyển được sinh viên dẫn đến đóng cửa.
Từ khi trường ĐH được tự chủ mở ngành đào tạo, hàng loạt ngành mới xuất hiện mỗi năm. Nhưng nhiều ngành đã nhanh chóng đóng cửa chỉ sau một vài năm tuyển sinh.
Từ quy định tối thiểu của Bộ GD&ĐT, cơ sở đào tạo đại học (ĐH) được phép nâng “sàn” nên đôi khi những người trong cuộc cảm thấy băn khoăn do chưa thực sự nắm bắt được ngọn nguồn vấn đề trong đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam
Rất nhiều quảng cáo hấp dẫn về các khóa luyện thi, các sách luyện đề đánh giá năng lực được tung ra, nhất là trong giai đoạn nước rút. Các chuyên gia nhất quán cho rằng, tham gia những khóa luyện thi vừa tốn tiền, vừa mất thời gian mà không mang lại hiệu quả.
Năm học 2023 - 2024, Nghệ An tăng 7.226 học sinh lớp 9, gây áp lực tuyển sinh vào lớp 10. Tại TPHCM, áp lực với học sinh thi vào lớp 10 cũng khốc liệt khi có đến 20.000 thí sinh rớt khỏi “đường đua vào trường công”.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề