Điểm chuẩn ĐH 2024: Cuộc cạnh tranh nghiệt ngã của thí sinh khối C

Đến hết ngày 18.8, phần lớn trường ĐH đã công bố điểm chuẩn. Điểm chuẩn các ngành sư phạm năm nay rất ấn tượng, đặc biệt với tổ hợp C00 (văn, sử, địa).

Nhiều ngành sư phạm hơn 29 điểm/3 môn mới đỗ

Theo thông báo điểm chuẩn các trường ĐH Sư phạm (SP) Hà Nội, SP Hà Nội 2, Hồng Đức, Vinh, điểm chuẩn cao nhất thuộc về các ngành SP ngữ văn, giáo dục tiểu học, SP các môn thuộc lĩnh vực khoa học xã hội (KHXH) như sử hoặc địa. Riêng ngành SP ngữ văn thì không có trường nào lấy điểm chuẩn dưới mốc 28 (thang điểm 30). Cao nhất là SP ngữ văn của Trường ĐH SP Hà Nội (điểm chuẩn là 29,3 điểm). Các trường còn lại, có trường cũng đặt mức gần 29 điểm cho ngành này.

Riêng Trường ĐH SP Hà Nội, cả ngành SP lịch sử cũng có mức điểm chuẩn 29,3. Nghĩa là với 2 ngành này, thí sinh (TS) phải đạt 2 điểm 10, môn còn lại phải đạt 9,3 điểm mới đỗ. Hai ngành khác điểm chuẩn cũng rất cao, trên dưới 29 điểm, gồm SP địa lý (29,05) và SP lịch sử - địa lý (28,83). Các ngành học này của các trường khác cũng có mức điểm chuẩn cao. Ví dụ Trường ĐH SP Hà Nội 2 có ngành SP lịch sử điểm chuẩn là 28,83; SP lịch sử - địa lý là 28,42 điểm…

Thống kê của Trường ĐH SP kỹ thuật TP.HCM, năm nay có 40/66 chương trình có điểm chuẩn từ 24 điểm trở lên. Trong đó, với 27,5 điểm ngành SP tiếng Anh đã vươn lên dẫn đầu. Điểm chuẩn các ngành Trường ĐH SP TP.HCM cũng tăng đáng kể so với năm trước. 3 ngành có điểm trúng tuyển trên 28 điểm gồm: SP ngữ văn, SP lịch sử, SP địa lý với 28,37 điểm. Ngoài ra, trường có 9 ngành đào tạo có điểm trúng tuyển từ 27 điểm trở lên, tăng gấp 9 lần so với năm 2023.

Tình hình cũng tương tự đối với các trường SP địa phương.

Cùng một ngành, điểm chuẩn C00 cao hơn tới 3,5 điểm

Theo quan sát, cứ ngành học nào của các trường ĐH tuyển sinh khối C00 (lấy một mức điểm chuẩn cho tất cả tổ hợp), hoặc tổ hợp khối C00 (nếu lấy điểm chuẩn theo tổ hợp) thì đều có điểm chuẩn rất cao.

Điển hình, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (USSH) - ĐH Quốc gia Hà Nội tuyển sinh 28 ngành, trong đó có 26 ngành có tuyển khối C00, thì chỉ có ngành tôn giáo học điểm chuẩn khối C00 dưới 27 điểm, còn lại đều trên 27 đến trên 29 điểm. Có 3 ngành điểm chuẩn khối C00 trên 29 điểm, gồm: quan hệ công chúng 29,1 điểm; Hàn Quốc học 29,05; báo chí 29,03.

Điểm chuẩn ĐH 2024: Cuộc cạnh tranh nghiệt ngã của thí sinh khối C

Điểm chuẩn ngành sư phạm tăng mạnh, đặc biệt ở khối C00. Trong ảnh: Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trong giờ học. NHẬT THỊNH

Hoặc Học viện Ngoại giao có 8 ngành/chuyên ngành tuyển tổ hợp C00, cả 8 ngành này đều có điểm chuẩn khối C trên mức 28 điểm. Trong khi cùng ngành/chuyên ngành, điểm chuẩn các tổ hợp khác thấp hơn nhiều (chỉ mức trên 25 hoặc trên 26 điểm). Hay Trường ĐH Luật Hà Nội (trừ phân hiệu tại Đắk Lắk), điểm chuẩn cao nhất trường này là khối C00 ngành luật kinh tế, với 28,85 điểm; luật 28,15 điểm, cao hơn hẳn các tổ hợp khác dù cùng ngành.

Trường ĐH Luật TP.HCM có ngành luật xét tổ hợp khối C00, điểm chuẩn lên tới 27,27 điểm. Cùng xét tuyển vào ngành luật nhưng điểm trúng tuyển của TS xét khối C00 cao hơn các khối còn lại từ 2,7 - 3,5 điểm.

Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM điểm chuẩn các ngành từ 22 - 28,8 điểm. Đặc biệt, các ngành xét tuyển khối C00 có mức điểm chuẩn trung bình tăng từ 2 - 3 điểm so với điểm chuẩn năm 2023. Đặc biệt, ngành tôn giáo học tăng 5 điểm ở tổ hợp C00. Các ngành dẫn đầu điểm chuẩn của trường năm nay đều thuộc tổ hợp C00, với 5 ngành lấy trên 28 điểm gồm: báo chí, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, văn hóa học, nghệ thuật học và lịch sử. Trong đó, ngành báo chí TS cần đạt trung bình mỗi môn 9,6 điểm mới trúng tuyển. Thống kê trường này còn cho thấy có tới 22 ngành xét khối thi này có điểm chuẩn từ mức 27 điểm trở lên.

Trường có mức tăng điểm chuẩn kỷ lục năm nay phải kể đến Trường ĐH Văn hóa TP.HCM. Năm ngoái, điểm chuẩn các ngành của trường này chỉ 15 - 24,24 điểm. Năm nay, điểm chuẩn các ngành dao động từ 22 - 27,85 điểm, và trong đó 6 ngành lấy từ mức 26 điểm trở lên. So với năm 2023, điểm chuẩn nhiều ngành tăng "sốc" như: ngành thông tin thư viện tăng 8 điểm; ngành bảo tàng học tăng 8,5 điểm; quản lý di sản văn hóa và phát triển du lịch tăng 7,5 điểm; văn hóa các dân tộc thiểu số VN tăng 7 điểm; các ngành còn lại tăng từ 3 - 5,5 điểm.

Điểm chuẩn ĐH 2024: Cuộc cạnh tranh nghiệt ngã của thí sinh khối C

Theo quy định, các trường ĐH phải công bố điểm chuẩn đợt 1 đến 17 giờ ngày 19.8. ĐÀO NGỌC THẠCH

Lý giải nguyên nhân

Lý giải hiện tượng điểm chuẩn khối C00 cao đột biến, PGS Đặng Thị Thu Hương, Phó hiệu trưởng Trường USSH, cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, cả nước có gần 1,1 triệu TS đăng ký dự thi. Trong đó, có 37% TS đăng ký bài thi khoa học tự nhiên (KHTN) và 63% TS chọn bài thi KHXH. Tỷ lệ TS chọn thi các môn KHXH cao nhất trong vòng 6 năm qua và so với năm ngoái, con số này tăng 7,7%. Trong số 200 TS có điểm thi cao nhất năm 2024, có 195 TS thuộc tổ hợp KHXH (chiếm 97,5%) và 5 TS thuộc KHTN (2,5%). Với khối C00, điểm TS đạt được nhiều nhất là 21,5 với 40.783 TS. Điểm trung bình của tổ hợp này đang nằm ở mức 20,95 điểm (năm 2023 là 18,97 điểm) và điểm trung vị là 21,25 (năm 2023 là 19 điểm). Do vậy, điểm chuẩn khối C00 cao.

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Phó trưởng phòng Đào tạo, quản lý khoa học và hợp tác quốc tế Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, cho hay điểm chuẩn tăng mạnh có 2 lý do. Thứ nhất, năm nay số lượng TS đăng ký vào trường tăng đột biến, gấp hơn 5 lần năm ngoái. Thứ hai, kết quả thi tốt nghiệp THPT tăng mạnh điểm khối C00.

Nguyên nhân còn đến từ thực tế xu hướng TS đăng ký theo các lĩnh vực đào tạo. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm nay khối khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên có số lượng TS đăng ký tăng nhiều nhất, tăng tới 85% so với năm 2023. Tiếp đến, lĩnh vực KHTN có mức đăng ký xét tuyển tăng 61%.

Ngoài ra, thạc sĩ Hoàng Thanh Tú, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Thông tin - truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, lý giải thêm: "Năm 2024 là năm cuối cùng diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Do đó, TS năm nay có xu hướng lựa chọn những ngành học an toàn, có điểm trúng tuyển các năm trước vừa phải".

Tín hiệu tốt cho khối ngành công nghệ kỹ thuật, khoa học tự nhiên

Năm nay điểm chuẩn cũng tăng ở nhiều ngành thuộc lĩnh vực công nghệ kỹ thuật, khoa học tự nhiên, tập trung vào nhóm ngành có điểm chuẩn thấp các năm trước. Theo ý kiến từ các trường, điều này nằm trong dự báo.

Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM điểm chuẩn tăng ở hầu hết các ngành. Mức tăng cao nhất đến 2,5 điểm tập trung ở các ngành: công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; công nghệ kỹ thuật nhiệt và luật quốc tế. Tương tự, Trường ĐH Công thương TP.HCM điểm chuẩn các ngành của trường đều tăng từ 1 - 3 điểm. Năm nay, các ngành Trường ĐH Nha Trang tăng. Đặc biệt, phần lớn ngành kỹ thuật của trường đều tăng từ 0,5 - 1 điểm.

Đáng chú ý hơn, Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TP.HCM điểm chuẩn nhiều ngành tăng đột biến. Một số ngành năm 2023 có điểm trúng tuyển từ 17 - 18 năm nay tăng thêm 3,5 - 6,6 điểm như: kỹ thuật hạt nhân (tăng 6,6 điểm); khoa học vật liệu (tăng 5,3 điểm); quản lý tài nguyên và môi trường (tăng 3,5 điểm). Trong khi đó, ngành dẫn đầu điểm chuẩn của trường là khoa học máy tính (chương trình tiên tiến) tăng nhẹ từ 28,05 năm ngoái lên 28,5 điểm năm nay.

Theo PGS Vũ Duy Hải, Trưởng ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp, ĐH Bách khoa Hà Nội, điểm chuẩn trúng tuyển vào các chương trình đào tạo của ĐH này khá sát so với mức nhà trường đã dự báo. Hầu hết TS đã tận dụng tối đa cơ hội để xét tuyển vào ĐH Bách khoa Hà Nội khi sử dụng cả điểm thi đánh giá tư duy (TSA) và điểm thi tốt nghiệp THPT.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, nhìn nhận: "Việc tăng điểm chuẩn khối ngành kỹ thuật, công nghệ là một tín hiệu tốt cho thấy học sinh rất nhạy cảm với xu hướng của thị trường lao động. Lĩnh vực đào tạo này đóng vai trò quan trọng trong đào tạo đội ngũ kỹ sư, chuyên gia góp phần tạo nên một xã hội có nguồn nhân lực hài hòa giữa các lĩnh vực".

Theo Quý Hiên - Hà Ánh/ Thanh niên

 

Tin cùng chuyên mục

Sáng nay 2/11, Đại học Bách khoa Hà Nội (HUST) đã chính thức công bố Kế hoạch tổ chức kỳ thi Đánh giá tư duy (Thinking Skills Assessment -TSA) năm 2025
Bộ GD-ĐT cho biết đang đề xuất 4 phương án trong công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, hiệu quả và đúng quy chế.
Từ năm 2025, học sinh vào đại học với phông nền kiến thức được đào tạo theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Số lượng môn học thay đổi, kiến thức nền thay đổi đòi hỏi các trường đại học phải điều chỉnh chương trình đào tạo đại cương.
Thông tư hiện hành chưa xác định trên năng lực đào tạo tối đa của giảng viên mà đang tính chỉ tiêu riêng theo từng trình độ/lĩnh vực/hình thức đào tạo.
Thí sinh chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được học môn nghệ thuật (âm nhạc và mỹ thuật). Như vậy năm 2025, tại trường ĐH có các ngành năng khiếu như mỹ thuật, kiến trúc, thiết kế nội thất, thiết kế đồ họa, thanh nhạc... có sử dụng điểm của môn nghệ thuật để xét tuyển hay không?
Học sinh lớp 12 năm nay là lứa thí sinh đầu tiên thực hiện kỳ thi tốt nghiệp THPT theo quy chế cũng như cấu trúc đề thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Học phí ngành Cơ khí thấp nhất chỉ từ 14,1 triệu, ra trường mức lương bao nhiêu?
Năm học tới, các trường đại học đào tạo ngành Cơ khí dự kiến áp dụng học phí thấp nhất từ 14,1 triệu đồng và cao nhất có thể lên tới 80 triệu đồng/năm hệ tiên tiến.