Đề thi đánh giá năng lực đổi cấu trúc, thí sinh đổ xô ôn toán, tiếng Anh

Sau khi ĐH Quốc gia TP.HCM chính thức công bố cấu trúc đề thi đánh giá năng lực vào năm tới, thí sinh cũng lập tức điều chỉnh lại kế hoạch ôn luyện nhằm đạt kết quả tối ưu.

Đề thi đánh giá năng lực đổi cấu trúc, thí sinh đổ xô ôn toán, tiếng Anh

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực đợt 2 năm 2024. Ảnh: Nhật Thịnh

Những ngày qua, mạng xã hội liên tục xôn xao trước thông tin đề thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM thay đổi cấu trúc từ năm 2025, trong đó có hai điểm đáng chú ý là điều chỉnh về số câu hỏi ở các nhóm lĩnh vực kiến thức, đồng thời yêu cầu thi tất cả thay vì chọn thi 3/6 nhóm lĩnh vực như trong dự thảo từng nêu.

"Lỗ hổng kiến thức 4 lĩnh vực trong 3 năm biết lấp sao cho kịp trong 4 tháng?", một bài viết thu hút 98 nghìn lượt xem trên mạng xã hội Thread bức xúc.

Tập trung 3 môn "chính" thi đánh giá năng lực

Trao đổi với Thanh Niên, các thí sinh cho biết đều đi học thêm trực tiếp hoặc trực tuyến để có sự chuẩn bị tốt nhất cho các đợt thi sắp diễn ra vào cuối tháng 3, đầu tháng 6.2025. Ngoài ra, vì số câu hỏi các phần toán, tiếng Anh, tiếng Việt đều tăng, lên đến 30 câu hỏi mỗi phần thay vì chỉ có từ 10-20 câu như trước, nên đây cũng là nội dung được thí sinh chú trọng.

Phạm Minh Dũng, học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Bội Châu (Gia Lai), cho hay sự thay đổi trong cấu trúc không ảnh hưởng quá nhiều tới em vì nam sinh đã chọn học hết tất cả các môn ngay từ đầu hè. Thời gian tới, Dũng sẽ tập trung nhiều hơn vào môn tiếng Việt, tiếng Anh và toán cũng như ôn những môn khác ngoài tổ hợp để nâng điểm phần suy luận khoa học. "Em nhắm đến mức điểm trên 800", Dũng bộc bạch.

Sau khi tham khảo qua đề minh họa, Nguyễn Văn Chính, thí sinh tự do hiện học tại một trường ĐH tư thục ở TP.HCM, nhận định kiến thức hỏi trong đề chỉ rộng hơn chứ không cao siêu hơn. Các câu hỏi tiếng Việt, tiếng Anh, toán đều hỏi những nội dung quen thuộc với chương trình cũ. "Riêng tiếng Anh là phần giúp thí sinh 'bứt phá' vì nhiều bạn không giỏi môn này trong khi số câu từ 20 tăng thành 30", Chính phân tích.

"Tôi đã quyết định thi lại trước khi vào năm nhất để chinh phục nguyện vọng vào ngành khoa học dữ liệu nên có lợi thế về mặt thời gian, không gặp nhiều khó khăn khi cấu trúc đề thay đổi. Bốn tháng tiếp theo tôi sẽ tập trung ôn tiếng Anh và chịu khó đọc thêm kiến thức các môn ngoài tổ hợp, lỡ ra đề trúng phần minh ôn thì có cơ hội nâng điểm", Chính chia sẻ về dự định sắp tới.

Tiếng Anh cũng là điều mà Trương Quỳnh Nhi, học sinh lớp 12 một trường THPT tại Bình Dương, lo lắng nhất, do em từng đặt dự định cải thiện ngoại ngữ này sau khi vào ĐH. "Lúc đầu tiếng Anh chỉ chiếm 1/6 tổng số câu, còn nay tới 1/4 nên em cũng hơi lo. Trên lớp, thầy cô cũng khuyên tụi em nên tập trung nhiều vào tiếng Anh hơn nên em dự định đăng ký học thêm môn này ngoài trung tâm", nữ sinh chia sẻ.

Nhi cho biết thêm, các bạn đồng trang lứa với em cũng bất ngờ với cấu trúc đề mới, bởi không ai nghĩ tới trường hợp phải thi tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, vì số câu hỏi trong phần suy luận khoa học giảm còn 3 câu/môn thay vì 10 câu/môn như trước nên nữ sinh "không quá lo lắng". "Vì chỉ nhắm đến mức trên 800 điểm nên em sẽ cố làm tốt những môn trong tổ hợp của mình để được bao nhiêu hay bấy nhiêu", Nhi bộc bạch.

Đề thi đánh giá năng lực đổi cấu trúc, thí sinh đổ xô ôn toán, tiếng Anh

Theo nhiều thí sinh, tiếng Anh sẽ là phần thi giúp các bạn "bứt phá" điểm số. Ảnh: Nhật Thịnh

Mong công bố đáp án đề minh họa

Để tối ưu hóa cơ hội vào ĐH yêu thích, Nguyễn Hoàng Gia Bảo, học sinh lớp 12 Trường THPT Thanh Đa (TP.HCM), cho biết đang ôn thi học sinh giỏi, đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội, tốt nghiệp THPT và thi đánh giá năng lực. Dù học tổ hợp toán - hóa - sinh, Bảo nói không e ngại với cấu trúc mới của đề vì em luôn học dàn trải và đặt mục tiêu học tập từ sớm, ngay khi vừa kết thúc năm lớp 11.

"Trong quá trình này, em chú trọng ôn các môn trong tổ hợp, sau đó là những môn chính của kỳ thi gồm tiếng Việt, tiếng Anh, toán, phân tích số liệu với tư duy logic để xây nền tảng kiến thức vững trước khi tới giai đoạn luyện đề. Để trau dồi, em chủ yếu tự học và đăng ký học thêm khóa trực tuyến với phương châm ôn luyện theo kiểu tư duy dạng bài hơn là theo cách làm từng bài", nam sinh chia sẻ.

Một điểm cần chú ý, theo Bảo, là em phải ôn thêm kiến thức các môn ngoài tổ hợp như lý, sử, địa, giáo dục kinh tế và pháp luật bằng cách tìm đọc sách giáo khoa khối 12, sau đó học cách ứng dụng kiến thức với các bài tập cùng bài giảng trên mạng xã hội. "Nhưng theo em, việc mở rộng thi đủ các môn là cơ hội để đánh giá chính xác khả năng của thí sinh, đúng với tính chất một kỳ thi về năng lực, không phải về chuyên môn", Bảo nói.

Nam sinh cho biết thêm việc công bố cấu trúc mới ở thời điểm "khá trễ" cũng ảnh hưởng tới kế hoạch và thời khóa biểu. Bởi, các bạn nay phải dành nhiều thời gian hơn cho các môn có tỷ trọng lớn hơn là toán, tiếng Anh và tiếng Việt. "Em cũng hy vọng ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ cho chúng em đáp án đề minh họa để tham khảo khi làm bài", Bảo nêu ý kiến.

Đồng Minh Khánh, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM), nói cấu trúc mới của đề thi khá phù hợp với trường hợp nghiêng hẳn về khối xã hội như em, bởi số câu hỏi môn tiếng Việt và tiếng Anh tăng và độ phân hóa cũng tăng theo.

"Ở các môn khoa học tự nhiên, em đọc thấy đề minh họa chủ yếu yêu cầu kỹ năng đọc hiểu ngữ liệu chứ không đào sâu kiến thức chuyên môn. Do đó, dù chưa học những môn này bao giờ em vẫn có thể làm được, và nếu ôn thêm thì sẽ làm nhanh hơn", Khánh nói.

Khánh kể thêm, em ôn thi đánh giá năng lực từ đầu tháng 10 và đặt mục tiêu đạt trên 900/1.200 điểm. Hiện, nam sinh đang học thêm tại một trung tâm luyện thi vào cuối tuần, mỗi ngày 3 giờ. Ngoài ra, Khánh cũng tìm thêm đề tham khảo các năm gần đây để luyện dần cho quen. "Em sẽ tiếp tục ôn luyện theo hướng dẫn của trung tâm để có định hướng tốt nhất với cấu trúc mới", Khánh chia sẻ.

Theo Ngọc Long/Thanh Niên

Tin cùng chuyên mục

Trong 2 năm gần đây, nhiều ngành học của Việt Nam được các tổ chức xếp hạng uy tín của thế giới xếp vào tốp 40-100, tốp 500 và tốp 600-700 của thế giới. Đây là kết quả của việc các trường nỗ lực cải tiến chương trình đào tạo, tham gia các tổ chức kiểm định uy tín của thế giới để liên tục cải tiến chất lượng...
Hàng trăm sinh viên Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Sư phạm TPHCM nhận được số tiền lên tới 127 triệu đồng/em. Đây là tiền hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm theo quy định của Chính phủ...
Dù Bộ GD&ĐT có văn bản yêu cầu Trường Đại học (ĐH) Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đảm bảo quyền lợi chính đáng của người học tại các lớp đào tạo văn bằng (VB) 2 ngành Ngôn ngữ Anh, nhưng đã 1 tháng trôi qua, nhà trường vẫn bặt vô âm tín...
Năm 2025, Trường ĐH Tôn Đức Thắng bắt đầu tuyển sinh đào tạo chuyên ngành kỹ thuật thiết kế vi mạch bán dẫn.
Với quy định cho phép dạy thêm trong nhà trường nhưng không được thu tiền của học sinh, hầu hết ý kiến đều đánh giá đây là quy định lý tưởng để giảm tình trạng ép học sinh học thêm...
Theo quy định của Chính phủ, một số ngành học được miễn, giảm học phí khi đào tạo tại các trường Đại học...
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Tuyển sinh đào tạo ngành vi mạch bán dẫn: Không sợ thừa, chỉ sợ thiếu?
Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến các cơ sở giáo dục đại học để xây dựng chuẩn chương trình đào tạo vi mạch bán dẫn trình độ đại học...