Để không "chết yểu" khi khởi nghiệp

“Cơn bão” Covid-19 đã cuốn đi không ít mô hình khởi nghiệp. Đến nay, khi dịch bệnh phần nào được kiểm soát, nhiều người trẻ đã mạnh dạn khởi nghiệp trở lại.

Tuy nhiên, có một câu hỏi mà các bạn trẻ đang tìm lời giải đáp là làm thế nào để không “chết yểu” khi khởi nghiệp, không rơi vào cảnh phá sản?

Xây dựng nền móng vững chãi

Theo chị Nguyễn Thùy Linh Cát (32 tuổi), nhà sáng lập và điều hành thương hiệu thời trang nam CATSA, dù dịch Covid-19 hoành hành suốt hai năm qua, nhưng chị vẫn lèo lái thương hiệu trụ vững trên thị trường. Không những vậy, hiện nay thương hiệu này ngày càng phát triển.

Chị Linh Cát nhìn nhận hiện tại tuy thị trường dần ổn định và nhiều người trẻ đã bắt đầu khởi nghiệp trở lại, nhưng trong kinh doanh không thể tránh khỏi những rủi ro mà đôi khi vì thiếu kinh nghiệm, chưa kịp chuẩn bị phương án đối phó, có thể sẽ khiến các bạn thất bại.

Để không chết yểu khi khởi nghiệp

Các mô hình khởi nghiệp, kinh doanh thành công của bạn trẻ giới thiệu tại một ngày hội khởi nghiệp ở TP.HCM. LÊ THANH

Nhà sáng lập CATSA chia sẻ kinh nghiệm: “Hãy chuẩn bị thật kỹ kiến thức và lập bảng kế hoạch thật bài bản về thương hiệu, marketing, phân khúc sản phẩm, thị trường, khách hàng, kế hoạch tài chính dài hạn... Hãy tự trả lời các câu hỏi: Định vị thương hiệu ra sao? Phân khúc khách hàng như thế nào? Khách hàng sẽ có thói quen, hành vi nào? Điểm độc đáo, khác biệt của thương hiệu sắp cho ra đời là gì?... Khi có sự chuẩn bị tốt mình tin rằng các bạn sẽ thành công được 50% trong quá trình khởi nghiệp”.

Cũng theo chị Linh Cát, có một thói quen không đúng mà những người trẻ khởi nghiệp hay mắc phải, đó là lúc bắt đầu kinh doanh mọi người thường chú trọng vào một cái tên, tạo logo, lập fanpage, Instagram rồi bắt đầu áp dụng những cách marketing, quảng cáo theo các bài trên mạng. Thay vào đó, hãy học cách quản trị rủi ro và kỹ năng giải quyết vấn đề.

Hãy tự trả lời các câu hỏi: Định vị thương hiệu ra sao? Phân khúc khách hàng như thế nào? Khách hàng sẽ có thói quen, hành vi nào? Điểm độc đáo, khác biệt của thương hiệu sắp cho ra đời là gì?... Khi có sự chuẩn bị tốt mình tin rằng các bạn sẽ thành công được 50% trong quá trình khởi nghiệp

Nguyễn Thùy Linh Cát, nhà sáng lập và điều hành thương hiệu thời trang nam CATSA

“Những bất ổn thị trường trong đợt đại dịch vừa qua khiến mọi người điêu đứng, mà không ai có thể lường trước được. Do đó hãy chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đón nhận những rủi ro và học kỹ năng giải quyết vấn đề. Phải biết tháo gỡ những khúc mắc như khi thị trường thay đổi thì sản phẩm hay dịch vụ của mình có bị ảnh hưởng không? Thời điểm nào phù hợp để đưa ra quyết định tiếp tục duy trì hay thay đổi mô hình để thích nghi...”, chị Cát chia sẻ.

Chị còn tư vấn: “Khi bắt đầu khởi nghiệp, mô hình kinh doanh mới, sản phẩm mới, mọi thứ cần có thời gian xây dựng, không thể có ngay bộ máy, có ngay chính sách, có tài chính dồi dào. Giai đoạn đầu của doanh nghiệp là giai đoạn xây dựng, cần xây dựng nền móng vững chắc, nên đây là lúc cần chủ doanh nghiệp phải làm việc hết công suất. Có như vậy sẽ hạn chế được cảnh “đứt gánh giữa chừng”, “chết yểu” khi khởi nghiệp”.

Tận dụng nền tảng công nghệ, tìm nhà đầu tư...

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Kim Thành Đạt, Ủy viên Hội đồng tư vấn - hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia phía nam, có nhiều kinh nghiệm để khởi nghiệp thành công mà nhiều người trẻ vừa khởi nghiệp chưa biết.

Đó là hãy nhìn vào những thất bại trước đây của cả bản thân và người khác để rút ra các bài học kinh nghiệm, từ đó có cách làm mới hơn, không lặp lại sai lầm, có hướng đi phù hợp để không phải thất bại thêm lần nữa.

“Đồng thời khi khởi nghiệp nên biết cách chia sẻ rủi ro và thu hút vốn thông qua kêu gọi đầu tư. Bởi lẽ khi có thêm nhà đầu tư phù hợp thì người khởi nghiệp sẽ nhẹ gánh áp lực tài chính, cũng như có thêm nhiều ý tưởng hay giải pháp cho những vấn đề gặp phải. Nhưng quan trọng là cần tìm nhà đầu tư phù hợp. Như khi làm công nghệ thì nên tìm nhà đầu tư về công nghệ. Cần cho nhà đầu tư thấy được sản phẩm xứng đáng để họ đầu tư...”, bà Thủy nói.

Ngoài ra, theo bà Thủy, những người khởi nghiệp cũng nên lưu ý hãy khởi nghiệp tinh gọn, cần xây dựng dự án và mô hình kinh doanh tốt. Điều nghiên thị trường thật kỹ lưỡng để kinh doanh những sản phẩm có thị trường, những sản phẩm đáp ứng đúng khách hàng mục tiêu.

Cũng chung tay giúp đỡ những người trẻ khởi nghiệp có thêm “chiêu” để thành công, ông Trần Bùi Huy Thái, nhà sáng lập T-Coffee, cho rằng khi bắt đầu khởi nghiệp, đặc biệt là trong thời điểm xã hội bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cần lưu ý một vấn đề quan trọng: “Chúng ta cần phải chuẩn bị nền tảng công nghệ kết nối cũng như chuẩn bị giá trị sản phẩm đúng xu thế hiện tại”.

Theo Lê Thanh/TNO

Tin cùng chuyên mục

Với ý tưởng dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để đánh giá tình trạng kích ứng và dị ứng da đầu, 3 sinh viên từ Trường ĐH RMIT Việt Nam đã vượt qua hơn 5.000 người để đại diện Việt Nam thi đấu tại Anh.
Từng là thủ khoa đầu vào cùng tấm bằng tốt nghiệp xuất sắc của Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM nhưng Nguyễn Quỳnh Châu bỏ hết lại phía sau, trở về quê khởi nghiệp trồng rau.
Chọn bánh tráng để khởi nghiệp vì không muốn đặc sản quê nhà chỉ là những gói hàng rong không nhãn mác, đến nay, cô gái này đã mang lại thu nhập cho nhiều hộ gia đình và có hơn 6.000 điểm bán hàng trên toàn quốc.
Trước khi chạm đến thành công, nữ thanh niên tỉnh Đắk Nông từng vấp nhiều thất bại trong hành trình khởi nghiệp. Với quyết tâm không từ bỏ, chị đã vươn lên, đoạt giải Nhất cuộc thi khởi nghiệp thanh niên nông thôn toàn quốc.
Với dự án nghiên cứu và phát triển sản phẩm "Sầu riêng ngũ cốc sấy thăng hoa", chị Trần Thị Dịu (tỉnh Đắk Nông) xuất sắc vượt qua 39 thí sinh khác trên cả nước để giành giải nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2023 do T.Ư Đoàn tổ chức.
Dù hai người điều hành hãng túi còn rất trẻ (16 và 18 tuổi), tự nhận thiếu kinh nghiệm và được nhiều shark khuyên nên học xong rồi khởi nghiệp, nhưng được shark Phạm Thanh Hưng đầu tư 300 triệu đồng.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề