Đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh: Kẽ hở trong quản lý

Đào tạo văn bằng 2 (VB2) Tiếng Anh dường như đang bị thả nổi, có vẻ đây cũng là “nồi cơm” của một số trường đại học hiện nay.

Chỉ xét tuyển

Trong vai một người cần có bằng cử nhân tiếng Anh để không phải lo chuẩn đầu vào, đầu ra đối với chương trình học thạc sĩ sắp tới, phóng viên tìm đến nhân viên tư vấn của trung tâm đào tạo từ xa của một trường đại học tại Hà Nội (nhưng có trụ sở đào tạo từ xa tại TPHCM).

Nhân viên này khẳng định lựa chọn VB2 hình thức đào tạo từ xa là hợp lí nhất lúc này. Vì bằng cử nhân ngôn ngữ Anh có giá trị vĩnh viễn, không phải thi mà chỉ xét tuyển hồ sơ đầu vào, xét đầu ra, làm đề án tốt nghiệp. Một năm có ba học kì, học 100% trực tuyến, thời gian học linh hoạt.

Trong khi đó, để có chứng chỉ IELTS từ 5.5 trở lên, đáp ứng chuẩn đầu ra Tiếng Anh đối với trình độ đào tạo sau đại học không phải dễ dàng với những người không có năng khiếu ngoại ngữ.

Các chứng chỉ Tiếng Anh thường chỉ có thời hạn tối đa 2 năm nên người học cũng rất dễ không đảm bảo đủ điều kiện để tốt nghiệp. Trình bày rất nhiều thuận lợi như trên, nhân viên tư vấn hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến và cho biết đây là đợt tuyển sinh cuối cùng của năm 2024.

Đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh: Kẽ hở trong quản lý

Với hình thức học trực tuyến, VB2 đang thực sự hấp dẫn nhiều người học. Ảnh: NGHIÊM HUÊ

Theo tìm hiểu của phóng viên, VB2 ngành Ngôn ngữ Anh là xu hướng lựa chọn của nhiều cán bộ, công chức, viên chức muốn bổ nhiệm, nâng ngạch bậc hoặc muốn học thạc sĩ, tiến sĩ. Trong khi đó, việc học VB2 thường nhẹ nhàng, dễ dàng hơn học chương trình cử nhân ngôn ngữ Anh chính quy. Ví dụ người học được giảm khối lượng kiến thức đại cương do đã được học từ VB1 nên số tín chỉ, khối lượng kiến thức còn lại trong chương trình đào tạo ít hơn so với chương trình chính quy tập trung. Đầu vào cũng dễ hơn nên chất lượng học viên VB2 nhìn chung thường thấp hơn chương trình chính quy tập trung.

ThS Phạm Thái Sơn, GĐ Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông (Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM) cho rằng, do nhiều người có nhu cầu học tiếng Anh VB2, liên thông, vừa làm vừa học nên các cơ sở đào tạo tổ chức tuyển sinh - đào tạo dễ dãi, vì lợi ích kinh tế nên khó có chất lượng.

Bên cạnh những cơ sở đào tạo có thương hiệu lâu đời thì nhiều trường đại học không có thế mạnh và truyền thống về đào tạo ngoại ngữ cũng "đua nhau" mở ngành đào tạo VB2 tiếng Anh.

Thậm chí, một số đơn vị dù là đại học vùng, đại học địa phương nhưng vẫn thông báo tuyển sinh trên phạm vi toàn quốc đối với hình thức đào tạo từ xa, không cần xét tuyển đầu vào, cam kết đầu ra. ĐH Thái Nguyên vào tận TPHCM để tuyển sinh VB2 các ngành, trong đó có ngành ngôn ngữ Anh. Trường ĐH Mở Hà Nội cũng tương tự.

Những lớp học “nhiều không"

Chỉ cần gõ từ khóa "VB2 Ngôn ngữ Anh" là hàng loạt quảng cáo về các loại hình đào tạo của nhiều trường ĐH đã tràn ngập trên mạng xã hội của người dùng như: "Sở hữu bằng đại học dễ dàng với ưu điểm không thi tuyển đầu vào, thủ tục nhanh chóng; học 100% online, phù hợp cho người đi làm; rút ngắn thời gian học xuống còn 20 tháng, lấy bằng sớm, tiết kiệm chi phí, bằng cử nhân có giá trị vĩnh viễn".

Với các chương trình đào tạo trực tuyến như nấm mọc sau mưa hiện nay, chất lượng đào tạo do đó cũng rất khó kiểm soát. Bên cạnh đó, trên thực tế, giữa các chương trình đào tạo, quá trình đào tạo, thi cử đang có sự "khó" và "dễ" khác nhau tùy thuộc vào uy tín của từng cơ sở đào tạo cũng như mục tiêu thật sự của người học, đã dẫn đến kết quả đào tạo giữa các trường có độ vênh nhất định.

Hệ quả là có hiện tượng học viên vì muốn nhanh chóng sở hữu tấm bằng đã chuyển từ cơ sở đào tạo uy tín, kiểm soát chặt chẽ chất lượng sang cơ sở đào tạo dễ dãi hơn…

Những lớp học “nhiều không” đã xuất hiện như các lớp VB2.12, VB2.13 đào tạo chui của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội vừa được phản ánh (không ghi tên giáo viên dạy, không phân công giảng viên giảng dạy và không có chữ kí của lãnh đạo trường; không thành lập hội đồng thi kết thúc học phần; không có minh chứng việc thành lập Hội đồng đánh giá khóa luận tốt nghiệp; không có bảng điểm các học phần hoặc không có bảng điểm bảo vệ khóa luận tốt nghiệp).

Theo phân tích của chuyên gia, người học không dùng các chứng chỉ quốc tế mà lại đi học văn bằng một phần bởi việc học VB2 hiện nay dễ hơn trong khi các chứng chỉ quốc tế đòi hỏi ôn luyện, thi cử nghiêm túc, khó hơn. Để xảy ra tình trạng đó là do các trường đào tạo không nghiêm túc chứ không phải tại tấm bằng. Nếu các trường đào tạo nghiêm túc, VB2 vẫn rất có giá trị. VB2 thường đào tạo theo hình thức từ xa nên được học 100% trực tuyến. Đây cũng là điểm yếu trong quản lí chất lượng đào tạo hiện nay.

Trong khi đó, trên bằng cấp không ghi hình thức đào tạo (theo quy định của Luật Giáo dục ĐH) nên người học và các trường đào tạo có thể lách để cùng đạt được mục tiêu mong muốn.

TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhìn nhận, việc đổ xô đi học VB2 ngôn ngữ Anh hiện nay có một phần bắt nguồn từ các quy định, yêu cầu bằng cấp của các cơ quan tuyển dụng, cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thời gian vừa học vừa làm, dẫn đến có hiện tượng "học giả, bằng thật".

Ông Khuyến đề xuất các cơ quan nhà nước, cơ sở đào tạo sau đại học cần đặt ra tiêu chí riêng. Chẳng hạn những người đã tốt nghiệp đại học muốn học lên bậc cao hơn, cần đáp ứng đủ 4 kĩ năng nghe, nói, đọc, viết hoặc phải có chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế.

Theo Hoa Ban/ Tiền Phong

Tin cùng chuyên mục

Sau 2 năm học và đóng không thiếu một đồng học phí với mong muốn sớm được nhận bằng tốt nghiệp, nhiều sinh viên lớp văn bằng 2 (VB2) tiếng Anh, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ "chết đứng" khi được thông báo lớp học không tồn tại trong hệ thống quản lí của nhà trường.
Với những quy định rõ ràng, chi tiết được thể hiện trong dự thảo Nghị định về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân, hứa hẹn con đường liên thông sắp tới sẽ không còn nhiều điểm tắc như thời gian qua.
Người tốt nghiệp trung cấp, nếu đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định, khi liên thông lên ĐH phải theo các phương thức tuyển sinh chung như học sinh tốt nghiệp THPT.
Trường Đại học Mở Tp.HCM vừa có thông báo tuyển sinh đào tạo liên thông từ cao đẳng lên đại học hệ chính quy năm 2024
Trường ĐH Công nghệ Miền Đông (MIT Uni) vừa có thông báo mở đợt nhận hồ sơ xét tuyển Liên thông ĐH chính quy đợt 6/2024 ngành Dược học. Đây là cơ hội để các thí sinh có thể nâng cao trình độ học vấn và mở rộng cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực Dược.
Bộ GD-ĐT vừa ban hành dự thảo Thông tư Quy định về tuyển sinh, tổ chức và quản lý liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ, thay thế cho Thông tư 38 về liên kết đào tạo với nước ngoài ở 3 bậc học trên theo hình thức trực tuyến và trực tiếp kết hợp trực tuyến ban hành năm 2020.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Các ngành công nghiệp số cốt lõi nào được đẩy mạnh đào tạo nhân lực?
Bên cạnh ngành công nghiệp bán dẫn, các ngành công nghệ số cốt lõi đã được Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh đào tạo nhân lực đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.