Đào tạo gắn với việc làm - Bí quyết thu hút thí sinh của trường nghề

Theo các chuyên gia tuyển sinh, đa phần những học sinh nộp hồ sơ tuyển sinh vào trường nghề từ sớm đều đã xác định rõ con đường học nghề. Những ngành học cam kết có việc làm, với mức lương ổn định đều có sức hút với thí sinh.

Tuyển sinh trường nghề - Nơi "èo uột", nơi sớm "cán đích"

Dù đã gần hết tháng 10 nhưng Trường CĐ Điện lực Miền Trung, Quảng Nam mới tuyển được 200 sinh viên hệ cao đẳng. Trong khi khả năng đáp ứng đào tạo của trường là 1000 em. So với thời điểm tuyển sinh “vượng” nhất giai đoạn 2008-2016, con số này chỉ được 1/10.

Lý giải về tình trạng “èo uột” trong tuyển sinh, ông Phan Thái Bình, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng Điện lực miền Trung cho rằng trong khi xu hướng chuộng ĐH vẫn còn thì chỉ tiêu ĐH không khống chế, trường CĐ hết nguồn tuyển. Về chủ quan của ngành điện, do quá trình tự động hóa, tiết giảm lao động, nâng cao hiệu quả năng suất nên nhân lực giảm. “Chủ trương của tập đoàn muốn đi sâu đào tạo cho ngành điện chất lượng cao, chứ không đào tạo rộng cho xã hội”.

Đến thời điểm này Trường CĐ Du lịch Vũng Tàu đã tuyển được 250 sinh viên trên tổng số 360 chỉ tiêu hệ cao đẳng. Bà Đinh Bích Diệp, Hiệu trưởng nhà trường đánh giá so với mọi năm, con số này chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhà trường.

Nguyên nhân là do kinh tế của người dân sau đại dịch, thu nhập và đời sống các gia đình khó khăn hơn. Tâm lý người học vẫn còn băn khoăn trước mức độ phục hồi của ngành du lịch.

Giờ thực hành của sinh viên Trường CĐ Du lịch Vũng Tàu

Năm nay các trường ĐH kéo dài thời gian tuyển bổ sung cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Tổng chỉ tiêu tuyển sinh 2022 của Trường CĐ nghề công nghiệp Hà Nội là 1.500. Đến thời điểm này, hệ trung cấp đã tuyển đủ với 360 chỉ tiêu. Còn hệ cao đẳng đã có 970 thí sinh nhập học. Như vậy, nhà trường đã hoàn thành 95-96% chỉ tiêu tuyển sinh.

Ông Nguyễn Văn Huy, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghiệp Hà Nội cho biết các ngành thu hút nhiều thí sinh nhất vẫn là Công nghệ ô tô, Công nghệ thông tin, Thiết kế đồ họa, Điện - Điện tử, Kỹ thuật Máy lạnh Điều hòa không khí và Cơ điện tử.

Về chất lượng thí sinh, ông Huy đánh giá, qua quá trình xét học bạ cho thấy điểm năm nay không cao so với mọi năm do số lượng thí sinh năm nay ít hơn (do năm ngoái là lứa dê vàng). Tuy nhiên, năm nay ghi nhận nhiều thí sinh có ngưỡng điểm cao xác định đi học nghề.

“Xu thế chung cơ sở giáo dục nghề nghiệp năm nay tuyển sinh khó vì tuyển sinh ĐH kéo dài đến tháng 12. Hơn nữa, năm nay sinh viên ít hơn mọi năm vì dịch bệnh đã đỡ hơn, nhiều học sinh chọn đi du học cũng ảnh hưởng đến tuyển sinh ĐH và giáo dục nghề nghiệp”, ông Huy nhận định.

Năm nay ghi nhận nhiều thí sinh có ngưỡng điểm cao xác định đi học nghề

Trong khi đó, nhiều trường cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã nhanh chóng cán đích tuyển sinh. Theo ông Lê Phước Triều, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu, nhà trường đã hoàn thành nhiệm vụ tuyển sinh tuyển 1495 chỉ tiêu. Trong đó hệ Trung cấp tuyển được hơn 1100 chỉ tiêu, cao đẳng hơn 300 chỉ tiêu.

Trưởng phòng Đào tạo trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, các ngành thu hút thí sinh là Công nghệ ô tô, Điện Công nghiệp, Kỹ thuật máy lạnh, Công nghệ thông tin, Thiết kế đồ họa.

Điều đáng chú ý là tuyển sinh hệ 9+ năm nay “được mùa”. Ông Lê Phước Triều cho biết, hiện nhà trường đã tuyển đủ chỉ tiêu chung. Do tuyển sinh hệ trung cấp có sức hút nên nhà trường đã linh hoạt trong tuyển sinh, nâng quy mô hệ trung cấp.

Còn tại Trường CĐ Công nghệ Quốc tế LILAMA 2, Đồng Nai, đến nay đã tuyển hơn 1.700 thí sinh. Theo hiệu trưởng Nguyễn Khánh Cường, hệ CĐ đã tuyển được hơn 600 chỉ tiêu. Nhà trường cố gắng hơn tuyển được 700 chỉ tiêu thì dừng lại. Riêng tuyển sinh hệ trung cấp, nhà trường đã về đích với hơn 1200 học sinh. Năm nay, hệ 9+ tuyển sinh tốt.

Thu hút người học gắn với việc làm

Theo ông Phan Thái Bình, Trưởng phòng đào tạo Trường CĐ Điện lực miền Trung, dù thiếu người học nhưng 100% sinh viên của trường đều đi làm ngay sau khi tốt nghiệp. Song song với đào tạo chính quy, CĐ Điện lực miền Trung chuyển hướng sang đào tạo bồi dưỡng nghề, thi nâng bậc cho các đơn vị sản xuất, công ty điện lực thuộc tổng công ty điện lực Miền Trung.

Tại Trường CĐ Công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu, nhà trường có một số module đưa học sinh, sinh viên xuống học tập tại doanh nghiệp để các em rèn luyện kỹ năng, đồng thời giải quyết việc làm cho các em.

Theo ông Lê Phước Triều, hiện nhà trường kết nối với hơn 100 doanh nghiệp. “Hằng năm nhà trường đều có kế hoạch rà soát, điều chỉnh chương trình phù hợp doanh nghiệp, thậm chí bố trí thi tốt nghiệp tại xưởng doanh nghiệp, có sự tham gia đánh giá của doanh nghiệp trong công tác đào tạo”.

Để thu hút thí sinh, theo ông Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Quốc tế LILAMA 2, bên cạnh thương hiệu, nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo cập nhật công nghệ để người học đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Sinh viên Trường Cao đẳng công nghệ Quốc tế LILAMA2, Đồng Nai trải nghiệm mô hình nhà máy 4.0

Thế kỷ 21 đòi hỏi kỹ thuật viên ra trường hội tụ 2 điều kiện kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm. Về kỹ năng, những năm qua Trường Cao đẳng công nghệ Quốc tế LILAMA2 liên tục cập nhật, xây dựng chương trình đạt chuẩn, đặc biệt tiêu chuẩn Đức trong các ngành nghề Cơ khí cắt gọt, Cắt gọt kim loại, Cơ khí xây dựng, Cơ điện tử, Điện tử công nghiệp. Theo ông Nguyễn Khánh Cường, để đáp ứng thị trường lao động nhà trường tiếp tục phát triển thêm nhiều ngành nghề như Robot công nghiệp, Tự động hóa trong công nghiệp đạt chuẩn 4.0.

“Chúng tôi có những lớp khi tốt nghiệp xong, học sinh sinh viên được công nhận bằng cấp và đưa sang Đức làm việc”, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Quốc tế LILAMA 2 nhấn mạnh yếu tố thành công trong đào tạo ngoài đổi mới chương trình thì gắn kết với doanh nghiệp là yếu tố quan trọng.

Hiện nay, Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA 2 triển khai mô hình đào tạo phối hợp điều chỉnh từ mô hình đào tạo kép từ Đức. Trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò tham gia vào quá trình đào tạo, đánh giá sinh viên.

“Sinh viên của chúng tôi xuống doanh nghiệp học tập và có thầy giáo ở doanh nghiệp được nhà trường đào tạo – giảng viên ủy quyền tại doanh nghiệp hướng dẫn”, ông Cường cho biết, kết quả học tập của học sinh sinh viên ở doanh nghiệp cũng là một phần kết quả các em sau này ra trường.

Bên cạnh đó, kỹ năng mềm, làm việc nhóm, khởi nghiệp, kỷ luật công xưởng, cách thức làm việc để hội nhập ở môi trường việc làm trong nước và quốc tế cũng được chú trọng.

Theo các chuyên gia tuyển sinh, đa phần những học sinh nộp hồ sơ tuyển sinh vào trường nghề từ sớm đều đã xác định rõ con đường học nghề. Những ngành học cam kết có việc làm, với mức lương ổn định đều có sức hút với thí sinh.

Theo Phương Lan/VOV

Tin cùng chuyên mục

Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và tốt nghiệp trung học phổ thông vào học các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tăng từ 8% trong giai đoạn 2011-2015 lên 15% trong giai đoạn hiện nay.
Sáng 11/12 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM tổ chức lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý tại các phòng, ban của Sở.
Hiện hàng nghìn doanh nghiệp có các biên bản ghi nhớ, và kế hoạch triển khai cụ thể các hoạt động hợp tác với cơ sở Giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo, sử dụng lao động ổn định và lâu dài.
Thời gian qua, những trường cao đẳng (CĐ), trung cấp uy tín tuyển sinh không hề khó, người học tốt nghiệp có việc làm ngay, nhưng cũng có không ít trường tuyển không đủ chỉ tiêu.
Nhiều học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề đã ra trường nhưng vẫn chưa nhận được tiền học phí cấp bù theo quy định của Nghị định 81 khiến phụ huynh phải đi lại, chờ đợi mệt mỏi, trường nghề thì không có kinh phí hoạt động...
Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo với giáo viên (GV) bậc THCS được quy định rõ trong Thông tư 04/2021 của Bộ GD-ĐT.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề