Đại học "trả lương" cho nghiên cứu sinh tiến sĩ

Một số trường đại học trả thù lao cho học viên trong quá trình làm tiến sĩ, vốn là việc phổ biến trên thế giới nhưng còn hiếm ở Việt Nam.

Đại học Kinh tế TP HCM (UEH) cho biết thực hiện việc này thông qua ký hợp đồng làm việc với nghiên cứu sinh học và làm việc tập trung tại trường 40 giờ mỗi tuần. Họ được miễn học phí (32,5 triệu đồng mỗi kỳ), bố trí chỗ làm việc, chỗ ở.

Nghiên cứu sinh còn có thể thỉnh giảng, nhận thù lao tối đa 450 giờ/năm, tương đương một nửa số giờ dạy của giảng viên cơ hữu. Nếu tốt nghiệp xuất sắc, họ được trường tuyển dụng ngay.

Ở trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), nghiên cứu sinh được miễn 50-100% học phí. Ngoài ra, họ làm trợ giảng 48 giờ mỗi năm học, nhận 5 triệu đồng một tháng. Công việc là giúp giảng viên chính hướng dẫn thực hành, chữa bài tập cho sinh viên. Khi tham gia đề tài nghiên cứu, họ có thể nhận thêm các khoản cho phần việc thực hiện. Chính sách này tương tự tại trường Đại học Việt - Đức (VGU), nhưng mức hỗ trợ học phí là 100%.

Ngoài miễn học phí, Đại học Phenikaa cấp học bổng từ 96 đến 282 triệu đồng cho nghiên cứu sinh trúng tuyển năm nay, gồm 2,36-5,3 triệu đồng sinh hoạt phí một tháng. Điều kiện là học viên làm việc 50-100% thời gian với nhóm nghiên cứu, có bài báo đăng trên các tạp chí uy tín, tham gia trợ giảng...

Nghiên cứu sinh trong phòng thí nghiệm của Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: USTH

Số chỉ tiêu tiến sĩ của cả nước khoảng 5.000-7.000 mỗi năm, nhưng thường tuyển được không quá 50%.

Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội hồi tháng 10 năm ngoái cho rằng cơ chế, chính sách học bổng và hỗ trợ kinh phí đào tạo cho nghiên cứu sinh chưa được quan tâm đúng mức. Ở nhiều nước như Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, nghiên cứu sinh không những được miễn học phí mà còn được cấp học bổng với mức đủ sinh hoạt, hoàn thiện luận án, nhận lương khi trợ giảng hoặc nghiên cứu cùng người hướng dẫn.

"Nghiên cứu sinh ở Việt Nam vừa phải đóng học phí, vừa bị hạn chế tiếp cận các nguồn tài trợ nghiên cứu từ cơ sở đào tạo", cơ quan này nhận định đây là một phần nguyên nhân khiến đào tạo tiến sĩ chưa đạt được mục tiêu cả về quy mô và chất lượng.

PGS.TS Bùi Quang Hùng, Phó Giám đốc UEH và PGS.TS Trần Đình Phong, Phó Hiệu trưởng USTH, nói việc tiên phong "trả lương" nhằm thu hút nghiên cứu sinh giỏi, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu.

Ông Phong cho biết trường đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt tỷ lệ bình quân một nghiên cứu sinh trên một giảng viên/nghiên cứu viên. Để phát triển nghiên cứu trình độ cao, có thể cạnh tranh quốc tế, USTH yêu cầu nghiên cứu sinh làm việc toàn thời gian tại trường hoặc tại các viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm có liên kết.

"Để đạt được, chúng tôi cần có các chương trình học bổng, hỗ trợ sinh hoạt phí cho nghiên cứu sinh, giúp họ yên tâm làm nghiên cứu", ông nói.

Các khóa học tiến sĩ ở Việt Nam thường thu học phí trong khoảng 100-200 triệu đồng, chưa tính một số chi phí liên quan nghiên cứu, đăng bài. Theo ông Phong và ông Hùng, khi được hỗ trợ, người học phần nào yên tâm để theo đuổi đam mê nghiên cứu, chuẩn bị tốt các kỹ năng cần thiết nếu muốn trở thành giảng viên hay nhà nghiên cứu sau này.

Ông Phong còn đánh giá việc này giúp trường dần "nói cùng ngôn ngữ" với các đối tác quốc tế, thuận lợi trong hợp tác đào tạo, cùng cấp bằng với các đại học Pháp.

Đại học trả lương cho nghiên cứu sinh tiến sĩ

Nghiên cứu sinh trường Đại học Việt - Đức làm việc trong phòng thí nghiệm, tháng 9. Ảnh:VGU

Dù vậy, số nghiên cứu sinh được hưởng hỗ trợ còn ít.

TS Lã Vĩnh Trung, Trưởng Phòng Quản lý Nghiên cứu khoa học, Đại học Việt - Đức cho biết sau 4 năm, trường chỉ có 5 trong 10 học viên thuộc diện này.

"Lý do là tiêu chuẩn đầu vào cao, tương đương với các trường ở châu Âu, Mỹ", ông Trung nói, ví dụ một số yêu cầu như tốt nghiệp đại học trong top 5% cao nhất khóa, IELTS 6.0 trở lên...

Ở UEH, số nghiên cứu sinh mỗi năm khoảng 70 người nhưng chưa tới 10% ký hợp đồng để nhận hỗ trợ, theo ông Bùi Quang Hùng. Ông Hùng nhìn nhận mô hình này chỉ phù hợp với người học tập trung hoàn toàn theo định hướng nghiên cứu, không tham gia các công việc khác. Trong khi đó, trường phải có hệ sinh thái nghiên cứu tốt để họ làm việc, sinh hoạt chuyên môn, kết nối cộng đồng học thuật trong và ngoài nước.

Còn theo ông Phong, một trong những khó khăn là xác định kinh phí, định mức thời gian trợ giảng mà mỗi nghiên cứu sinh cần đóng góp. Ông đề xuất các trường phối hợp với doanh nghiệp trong hoạt động này.

Khi đó, doanh nghiệp tận dụng được nguồn chất xám, cơ sở vật chất từ các trường để nghiên cứu, tuyển dụng. Ngược lại, trường nâng cao được chất lượng đào tạo và nghiên cứu, người học được hỗ trợ sinh hoạt phí, tăng cơ hội việc làm sau tốt nghiệp.

Theo Dương Tâm - Lệ Nguyễn/ VnExpress

Tin cùng chuyên mục

Trong hơn 1 tháng, có thêm 2 trường đại học (ĐH) là Kinh tế quốc dân và Duy Tân trở thành ĐH, nâng tổng số ĐH của VN lên 9 trường. Đây là 2 trong số 4 trường ĐH chuyển thành ĐH theo luật Giáo dục ĐH sửa đổi 2018.
Chính phủ đề xuất chuyển Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM về Bộ GD-ĐT để quản lý. Đồng thời, giao 2 đại học quốc gia đề xuất phương án sắp xếp, cơ cấu lại và giảm mạnh tổ chức bên trong.
8 chương trình giáo dục đã được Bộ GD-ĐT xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu học tập thường xuyên, học tập suốt đời của người dân, góp phần nâng cao dân trí, phát triển bản thân để tạo thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hiện nay, hình thức đào tạo từ xa, ứng dụng công nghệ vào dạy và học đang được các trường đẩy mạnh quy mô tuyển sinh. Từ năm 2024, quy chế về đào tạo từ xa cũng được Bộ GD-ĐT quy định chặt chẽ nhằm kiểm soát về chất lượng của hệ đào tạo này.
Thống kê tại hơn 120 trường đại học của Việt Nam ở năm học 2023-2024, chỉ có hơn 5.000 sinh viên quốc tế theo học dài hạn, tức mỗi trường chỉ có khoảng 40 sinh viên.
Dự thảo thông tư xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra lấy ý kiến có nhiều điểm mới so với thông tư trước đây. Lợi cũng có mà hại cũng nhiều.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Các ngành công nghiệp số cốt lõi nào được đẩy mạnh đào tạo nhân lực?
Bên cạnh ngành công nghiệp bán dẫn, các ngành công nghệ số cốt lõi đã được Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh đào tạo nhân lực đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.