Với giáo dục châu Âu, các quốc gia như Đức, Hà Lan, Thụy Điển nổi trội về đào tạo kỹ thuật và công nghệ (khối ngành STEM - khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học). Trong đó Đại học Kỹ thuật Munich (Đức) là một trong những trường hàng đầu về kỹ thuật, miễn học phí cho bậc cử nhân.
Các trường như Đại học Bocconi (Ý), Đại học Kinh tế Stockholm (Thụy Điển) nổi trội về đào tạo các ngành kinh tế, kinh doanh. Pháp, Ý, Tây Ban Nha có truyền thống đào tạo chất lượng các ngành văn học, ngôn ngữ, nghệ thuật…
Hơn 100.000 chương trình học bổng, hỗ trợ tài chính
Các trường đại học ở châu Âu có hệ thống học bổng phong phú, hỗ trợ tài chính toàn diện cho sinh viên quốc tế. Tại Tuần lễ giáo dục châu Âu diễn ra hồi tháng Mười, Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Julien Guerrier cho biết có hơn 100.000 chương trình học bổng và hỗ trợ tài chính từ các trường đại học, viện nghiên cứu và chính phủ các nước trong khối EU.
Đại diện các trường đại học đang tư vấn cho học sinh Việt Nam tại Tuần lễ giáo dục châu Âu 2024. Nguồn ảnh: E.U.V
Có thể kể đến nguồn học bổng từ chính phủ (học bổng Erasmus Mundus của EU), tài trợ toàn bộ học phí, chi phí sinh hoạt, vé máy bay cho sinh viên tham gia các chương trình thạc sĩ liên kết tại nhiều quốc gia châu Âu. Trong năm học 2023-2024, Erasmus Mundus đã trao hơn 2.000 suất học bổng trên toàn thế giới.
Học bổng DAAD (Đức) với nhiều chương trình dành cho cả bậc cử nhân và sau đại học. Học bổng từ các trường như Đại học Lund (Thụy Điển) miễn giảm học phí lên đến 100% cho sinh viên xuất sắc. Đại học Khoa học ứng dụng HAN (Hà Lan) có mức học bổng từ 2.500-5.000 euro/năm cho sinh viên quốc tế...
Theo tiến sĩ Nguyễn Yến Khanh - giảng viên Đại học Erasmus Rotterdam (Hà Lan) - tại châu Âu, học phí nhiều chương trình cử nhân và thạc sĩ dạy bằng tiếng Anh dao động từ 1.000-4.000 euro/năm (khoảng 27-106 triệu đồng). Mức học phí này thấp hơn nhiều chương trình liên kết đào tạo tại Việt Nam, thấp hơn mức học phí của tất cả trường đại học quốc tế tại Việt Nam.
Bà đánh giá du học Đức là lựa chọn tốt với các gia đình trung lưu, bởi nếu học sinh chịu khó học được tiếng Đức thì có nhiều lựa chọn du học gần như miễn phí. Sinh viên chỉ phải đóng một khoản phí quản lý từ 150-300 euro/học kỳ (khoảng 4-8 triệu đồng) và gia đình chỉ cần lo chi phí sinh hoạt khoảng 800-1.000 euro/tháng (khoảng 21-26,6 triệu đồng). Tiến sĩ Nguyễn Yến Khanh lưu ý, điều kiện đầu vào ở các trường Đức khá khắt khe, để tốt nghiệp được cũng không dễ. Nhưng nếu có năng lực và nỗ lực thì đó là một con đường khả thi.
Đại diện một tổ chức giáo dục tại Hà Nội cho hay, Pháp cũng là lựa chọn tốt với chất lượng cao, học phí hợp lý. Tại các trường đại học công lập, Chính phủ Pháp quy định mức học phí chỉ khoảng 2.700 euro/năm (khoảng 70 triệu đồng) cho bậc cử nhân. Ngoài học bổng của EU, Pháp còn có hàng chục học bổng du học khác. Các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh cũng ngày càng phổ biến, giúp sinh viên không biết tiếng Pháp vẫn có cơ hội học tập. Phần Lan, Thụy Điển miễn học phí cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Phần Lan, Thụy Điển cùng nhiều cơ hội học bổng. Na Uy miễn hoàn toàn học phí cho tất cả sinh viên, bất kể quốc tịch. Sinh viên chỉ phải trả một khoản phí khoảng 300-600 NOK/năm (tương đương 800.000-1,8 triệu đồng) và lo phí sinh hoạt (khoảng 800-1.200 euro/tháng).
Ở châu Âu, trong năm học, du học sinh được đi làm 20 giờ/tuần. Nên nếu chăm chỉ sinh viên còn có thể tự lo chi phí sinh hoạt cho bản thân.
Được trả lương khi học nghề
Ngoài các chương trình đại học và sau đại học, châu Âu còn được biết đến với hệ thống đào tạo nghề kép (kết hợp học và làm). Đặc biệt, nhiều quốc gia tại châu Âu không chỉ miễn học phí mà còn trả lương cho sinh viên trong quá trình học nghề. Tại Đức, Áo, Thụy Sĩ, sinh viên vừa học lý thuyết tại trường vừa thực tập có lương tại các doanh nghiệp (từ 800-1.200 euro/tháng), giúp sinh viên tích lũy kinh nghiệm thực tế ngay trong quá trình học, đồng thời có thể tự trang trải chi phí sinh hoạt.
Tại Đức, các ngành nghề phổ biến như cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin, và chăm sóc sức khỏe đều thuộc chương trình đào tạo nghề kép. Theo số liệu từ Cơ quan Lao động Liên bang Đức (BA), hơn 90% sinh viên tốt nghiệp từ các chương trình này tìm được việc làm ngay sau khi hoàn thành khóa học. Các ngành nghề cơ khí, kỹ thuật điện, công nghệ ô tô là những ngành có nhu cầu cao tại Đức và Thụy Sĩ.
Ngành chăm sóc người già và trẻ nhỏ tại Đức, Đan Mạch, Phần Lan cũng được miễn học phí và được trả lương trong quá trình đào tạo. Tại Áo và Pháp, các nghề liên quan đến khách sạn, ẩm thực cũng có nhiều cơ hội học tập miễn phí.
Mức lương khởi điểm của sinh viên tốt nghiệp các trường nghề tại châu Âu từ 2.500-4.000 euro/tháng, tùy theo ngành nghề và quốc gia. Ngoài ra, các quốc gia như Đức, Thụy Sĩ ưu tiên cấp phép lao động và cư trú dài hạn cho những sinh viên học nghề làm việc tại quốc gia của họ.
Phần Lan cũng là một trong những lựa chọn tốt đối với du học nghề. Các ngành nghề đào tạo ở Phần Lan rất đa dạng: nhà hàng và dịch vụ ăn uống, xây dựng công trình, chăm sóc vườn và thực vật, công nghệ thông tin và truyền thông, cơ khí và công nghệ sản xuất, chăm sóc sức khỏe và xã hội, phát triển nông nghiệp và chăm sóc động vật. Các ngành này đều miễn 100% học phí, miễn phí tiền điện, nước và bữa trưa tại trường. Điều kiện tuyển sinh cũng không quá khắt khe: không giới hạn độ tuổi, tốt nghiệp THCS trở lên, trình độ tiếng Anh cơ bản và sẽ được đào tạo tiếng Phần Lan trình độ B1, B2.
Việc du học cao đẳng nghề tại châu Âu không chỉ mở ra cánh cửa học tập với chi phí bằng 0 mà còn mang lại thu nhập đáng kể trong quá trình học. Đây là lựa chọn phù hợp cho những bạn trẻ muốn học nhanh, làm nhanh và xây dựng sự nghiệp tại môi trường quốc tế. Các đơn vị kết nối giáo dục đều nhận định, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, sinh viên Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng những cơ hội này để phát triển bản thân, đồng thời đóng góp cho cộng đồng khi trở về nước hoặc tiếp tục sự nghiệp tại châu Âu. n
Lương mới tốt nghiệp trường nghề tương đương mức lương trung bình
Hiện nay, Việt Nam và Đức đã có ký kết rất nhiều thỏa thuận về giáo dục, trong đó hợp tác đào tạo nguồn nhân lực tay nghề cao tại Việt Nam. Tại Ngày hội hướng nghiệp Đức 2024 vừa qua, Phó tổng lãnh sự Đức tại TPHCM Christopher Scholl cho hay: “Tháng 1/2024, 2 nước cũng ký kết một thỏa thuận (liên quan hợp tác giáo dục) nhân chuyến thăm của Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức Frank-Walter Steinmeier đến Việt Nam. Chúng tôi cũng có nhiều chương trình đến từ các tổ chức Đức như của GIZ và nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM về vấn đề này”.
Theo tiến sĩ Steffen Kaupp - Viện phó Viện Goethe tại Hà Nội - hiện ở Đức có khoảng 7.400 sinh viên người Việt, phổ biến nhất là học nghề điều dưỡng, khách sạn, kỹ thuật. Ông cho hay, các trường cao đẳng nghề ở Đức đang cố gắng thu hút sinh viên Việt Nam, bởi sinh viên Việt Nam rất chăm chỉ và học tốt.
Ông Felix Wagenfeld - Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan trao đổi hàn lâm Đức (DAAD) tại Hà Nội - nhận định, Đức ngày càng hấp dẫn học sinh Việt bởi hệ thống giáo dục cởi mở, miễn học phí, có nhiều khóa học bằng tiếng Anh, sự hỗ trợ tận tình của các trường khi sinh viên thực tập và tìm việc sau tốt nghiệp.
Từ đầu tháng 3/2024, Chính phủ Đức nới lỏng nhiều quy định với du học sinh, trong bối cảnh Đức thiếu hụt nghiêm trọng lao động lành nghề. Giờ làm thêm cho sinh viên quốc tế hiện là 140 ngày/năm (tăng 20 ngày so với trước). Với diện học nghề, giới hạn độ tuổi được nộp đơn là 35 (trước đây là 25). Mức lương của người mới tốt nghiệp các trường nghề hiện khoảng 2.300-3.500 euro/tháng (khoảng 63-97 triệu đồng), tương đương mức lương trung bình ở Đức.
Theo Ngọc Minh Tâm/Phụ Nữ