“Cùng bạn quyết định tương lai” tại Tiền Giang: Cơ hội xét tuyển ĐH, CĐ rộng mở

Đây là khẳng định của các chuyên gia trong chương trình tư vấn xét tuyển ĐH, CĐ “Cùng bạn quyết định tương lai” năm 2022 vừa diễn ra tại Tiền Giang.

Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Tiền Giang thực hiện. Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF), Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) là những đơn vị đồng hành.

Thời điểm này, nhiều thí sinh đã chọn được ngành nghề xét tuyển vào ĐH, CĐ. Tuy nhiên vẫn còn một số em lo lắng vì chưa chọn được ngành nghề. PGS-TS Lê Văn Cảnh (Phó Hiệu trưởng, Trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng, tập đoàn, doanh nghiệp lựa chọn nhân lực không chỉ đúng chuyên môn mà còn có kỹ năng mềm, thích ứng với môi trường. Trong khi mỗi thời kỳ có môi trường làm việc khác nhau.

Những em chuẩn bị vào ĐH, CĐ, sau 4 năm môi trường có thể thay đổi nên sự lựa chọn hôm nay chưa chắc phù hợp trong những năm tới. Vì vậy, các em nên lựa chọn ngành học mà mình thích, đam mê, có năng lực để tăng cơ hội trúng tuyển. Bên cạnh đó, các em cũng cần chọn môi trường học tập có nhiều điều kiện tương tác với doanh nghiệp.

Nói về ngành điều dưỡng và ngành kỹ thuật xét nghiệm y học, ThS. Vũ Quang Huy (Phó trưởng phòng Tuyển sinh, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho hay, học phí của ngành kỹ thuật xét nghiệm y học có học phí cao hơn các ngành khác, tức khoảng 14-15 triệu/học kỳ. Mặc dù ngành điều dưỡng và kỹ thuật xét nghiệm y học cần nhiều nhân lực, nhiều cơ hội ngành nghề. Tuy nhiên, sinh viên nên tìm hiểu kỹ vì điều kiện kinh tế cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến việc học. “Hai năm dịch bệnh Covid-19, nhu cầu nhân lực nhóm ngành sức khỏe cao. Nếu sinh viên lựa chọn nhóm ngành này phải cố gắng rèn luyện kỹ năng, tay nghề, ra trường có nhiều công việc”, ThS. Huy khẳng định.

Phân biệt giữa ngành Luật và Luật kinh tế, ThS. Nguyễn Chí Thắng (Trưởng khoa cơ bản, Trường ĐH Nam Cần Thơ) thông tin, nhà trường có đào tạo hai ngành này. Về ngành Luật, trong quá trình học, sinh viên sẽ được trang bị kiến thức chung về luật dân sự, hình sự, đất đai, chứng khoán… sau đó ứng dụng vào các phiên tòa, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong khi đó, ngành Luật kinh tế đi sâu về kinh tế, ứng dụng các văn bản để điều hành hoạt động của doanh nghiệp từ sản xuất, kinh doanh, phân phối, lưu thông hàng hóa… Bên cạnh đó, sinh viên sẽ học sâu về kỹ thuật, văn bản trong quá trình điều chỉnh mối quan hệ giữa doang nghiệp với người dân. Ra trường, sinh viên có thể làm việc tại các văn phòng công chứng, văn phòng luật sư.

Thông tin về nhóm ngành Sư phạm, ThS. Nguyễn Hứa Duy Khang (Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Cần Thơ) cho biết, sinh viên học nhóm ngành này được hưởng chính sách miễn tiền học phí. Hàng tháng sinh viên còn nhận tiền sinh hoạt phí 3,6 triệu đồng, một năm sinh viên nhận 10 tháng. Với chính sách này, sinh viên phải có trách nhiệm, sau khi ra trường phải công tác trong ngành giáo dục, nếu không công tác trong ngành sinh viên phải hoàn trả lại học phí.

TS. Trần Thanh Thưởng (Trưởng phòng tuyển sinh và Công tác sinh viên, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) cho biết, nhà trường đào tạo nhiều chương trình như: Chương trình đại trà; chương trình chất lượng cao tiếng Việt; chất lượng cao tiếng Anh; chương trình liên kết quốc tế. Để tăng khả năng trúng tuyển, thí sinh nên chọn nhiều nguyện vọng. Ví dụ, các em chọn ngành kỹ thuật in có thể chọn hệ đại trà cho nguyện vọng 1; nguyện vọng 2 cho hệ chất lượng cao tiếng Việt; nguyện vọng 3 cho hệ chất lượng cao tiếng Anh sẽ có khả năng trúng tuyển cao. “Về điều kiện ăn ở, sinh viên có thể ở ký túc xá của nhà trường hoặc ký túc xá của ĐHQG. Bên cạnh đó, sinh viên có thể ở trọ gần trường. Với triết lý nhân bản, sáng tạo nhà trường không để sinh viên phải nghỉ học vì không có tiền đóng học phí”, TS. Thưởng nhấn mạnh.

Trải lời câu hỏi cho sinh viên về ngành Tài chính ngân hàng, ThS. Phạm Doãn Nguyên (Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM) khẳng định, đây là một trong những ngành mũi nhọn của trường, được nhiều sinh viên lựa chọn. Ngành này dành cho sinh viên có tính tỉ mỉ, trung thực, nhạy bén… Ra trường các em có thể làm việc ở ngân hàng, công ty chính khoán, tín dụng, bất động sản hoặc giảng dạy. Cơ hội nghề nghiệp phụ thuộc vào sinh viên. “Các em có nhiều cơ hội học tập tại trường. Theo lộ trình đào tạo, sinh viên sẽ chính thức nhập học đầu tháng 10. Do đó, sinh viên nên tận dụng cơ hội để được học lớp tiếng Anh dự bị trước khi bước vào chương trình chính thức”, ThS. Nguyên thông tin.

PV

Tin cùng chuyên mục

PGS. TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định năm 2024, Đại học này sẽ công bố Đề án tuyển sinh sớm hơn mọi năm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và phụ huynh trong định hướng ôn tập, lựa chọn ngành/nghề vào học.
Năm 2024, dù cách thức tuyển sinh đầu vào của các trường ĐH cơ bản giữ ổn định nhưng vẫn có nhiều điểm mới thí sinh cần lưu ý. Đáng chú ý là việc mở thêm các ngành đào tạo mới thích ứng với nhu cầu xã hội.
“Với phương thức thi 2+2, quan niệm về khối thi truyền thống không còn nữa. Cho nên các trường đại học nếu tiếp tục sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT thì chắc sẽ phải chọn các tổ hợp khác”- GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội nói.
Sau khi Bộ GD-ĐT công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT),
Bộ GD-ĐT đã công bố phương án chính thức về kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Theo đó, thí sinh sẽ thi 2 môn bắt buộc (toán, ngữ văn) và 2 môn được lựa chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ).
Hôm qua, Bộ GD&ĐT công bố phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025 theo chương trình giáo dục phổ thông mới, (chương trình giáo dục phổ thông 2018). Đại diện các trường đại học (ĐH) khẳng định những thay đổi của kì thi tốt nghiệp không ảnh hưởng đến tuyển sinh. Vì hiện nay các trường đều đa dạng hóa các phương thức xét tuyển.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề