Có nên chăm chăm hỏi lương khi xin việc?

Câu chuyện chăm chăm hỏi mức lương khi đi xin việc hiện nay của bạn trẻ trở thành chủ đề bàn tán xôn xao. Có người đồng tình, nhưng cũng có người cho rằng cần những tiêu chí khác trước khi người lao động đòi hỏi mức lương.

Mới đây, nhiều diễn đàn mạng xã hội trở nên sôi động với chuyện “chăm chăm hỏi lương khi đi xin việc” của một bạn trẻ.

Không nên chỉ trích người tìm việc hỏi về lương

Nội dung câu chuyện xoay quanh một nhà tuyển dụng của một công ty ở Hà Nội đăng tải thông tin tuyển dụng trên Facebook, mô tả yêu cầu công việc, thời gian, địa điểm làm việc, cùng mức lương thỏa thuận giữa hai bên. Tuy nhiên, nhà tuyển dụng này đã “tố” một ứng viên “đi xin việc mà chỉ nhăm nhe hỏi lương”, không quan tâm đến các vấn đề khác. Từ đó, “hỏi lương” lúc xin việc trở thành vấn đề gây tranh luận trên mạng xã hội.

Có nên chăm chăm hỏi lương khi xin việc?

Bạn trẻ tìm việc làm trong các ngày hội việc làm. LÊ THANH

Nói về vấn đề này, Nguyễn Lam Vy (24 tuổi, ngụ đường Hoa Hồng, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho rằng khó có thể đánh giá đúng, sai trong câu chuyện trên. "Nhà tuyển dụng sử dụng từ "nhăm nhe" hỏi tiền lương có thể là hơi quá vì đó cũng chỉ là một trong số nhiều mối quan tâm của bạn trẻ trong buổi phỏng vấn…", Vy chia sẻ.

Theo Vy, việc hỏi lương khi đi xin việc là chuyện hoàn toàn bình thường và rất sòng phẳng. "Tôi nghĩ một người đủ trưởng thành đi xin việc sẽ không chỉ “chăm chăm” hỏi chuyện lương bổng phản cảm như thế", Vy bày tỏ quan điểm.

Trong khi đó, Hà Khánh An (34 tuổi, đang làm việc ngành truyền thông, Q.1, TP.HCM) cho rằng việc nhà tuyển dụng “tố” ứng viên xin việc là cách làm thiếu chuyên nghiệp. "Nhà tuyển dụng nên thông cảm và cũng cần có ý tứ để những người trẻ thoải mái, tế nhị hơn trong các vấn đề trao đổi phỏng vấn", Khánh Anh chia sẻ.

Thực tập sinh Nguyễn Thảo Vy, sinh viên năm 3 Trường ĐH Kinh Tế TP.HCM, đánh giá việc chỉ trích người xin việc khi hỏi lương là sai. Dưới góc độ người đi xin việc, Vy cho rằng mức lương là một vấn đề mà ứng viên cần phải hỏi rõ ngay từ đầu. “Lợi ích phải được cân bằng giữa nhà tuyển dụng và người xin việc. Mọi phía đều trao giá trị cho nhau chứ không phải chỉ là một phía”, Vy nói.

Mức lương có phải là yếu tố đầu tiên để chọn việc làm?

Dưới góc nhìn của một sinh viên mới ra trường, Thảo Vy nhận thấy lựa chọn môi trường làm việc và được làm công việc mình yêu thích là yếu tố cần được ưu tiên.

Thảo Vy nói thêm: “Ở giai đoạn này, tôi cần được trải nghiệm với nghề nhiều hơn nên mức thu nhập có thể là một yếu tố thứ yếu sẽ cân nhắc chứ không phải ưu tiên hàng đầu. Theo tôi, người trẻ hiện nay để có thể đòi hỏi mức lương thì cần phải làm tăng giá trị của bản thân trong mắt nhà tuyển dụng”.

Có nên chăm chăm hỏi lương khi xin việc?

Sinh viên tìm hiểu về doanh nghiệp trong một ngày hội việc làm tổ chức khi dịch Covid-19 chưa bùng phát. MỸ QUYÊN

Khi tìm việc, Thảo Vy cho rằng cô sẽ lưu ý xem thông tin tuyển dụng có thể hiện mức lương trong từng công việc hay không vì đó sẽ là một yếu tố giúp doanh nghiệp sàng lọc ứng viên yêu phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp.

Trong khi đó, Khánh An cho rằng một người đi xin việc quan tâm đến lương đầu tiên là điều rất chính đáng. "Đây cũng là một yếu tố quan trọng, bên cạnh môi trường làm việc, khả năng phát triển, mức độ yêu thích… Dù là mới ra trường hay đã có kinh nghiệm lâu năm thì việc tìm hiểu thu nhập, thỏa thuận lương là rất quan trọng", Khánh An nói.

Theo Khánh An, nhà tuyển dụng cũng sẽ không đánh giá cao người đi xin việc nếu ứng viên không quan tâm đến mức lương hay thỏa thuận lương quá thấp bởi việc này thể hiện sự tự ti hoặc bị nhà tuyển dụng đánh giá thấp năng lực.

“Bản thân tôi trước khi vào công ty đang làm hiện nay cũng đã tìm hiểu kỹ mức thu nhập chung gồm lương cơ bản, thưởng, phụ cấp và các chế độ khác. Trong buổi phỏng vấn tuyển dụng, vấn đề mức lương rõ ràng là một phần rất quan trọng”, Khánh An chia sẻ.

Còn đối với Nguyễn Lam Vy, lương và thưởng không phải là vấn đề tiên quyết để chọn và tìm việc. Vy cũng đã từng làm công việc không suy nghĩ đến lương trong một thời gian dài. "Cũng tùy vào độ tuổi mà mỗi người sẽ có những yêu cầu khác về mức lương. Lúc mới ra trường, chưa có nhiều nỗi lo lắng, tôi chọn công việc khiến mình vui vẻ và đam mê. Nhưng sau này, tôi sẽ quan tâm nhiều hơn đến vấn đề lương bổng bởi càng lớn tuổi hay đã lập gia đình, có con cái thì gánh nặng tài chính càng cao hơn”, Lam Vy nói.

Theo Vy, người trẻ hiện nay cần không ngừng học hỏi và trau dồi bản thân để tự tin hơn trong các buổi phỏng vấn. Vy thừa nhận cái tôi của người trẻ rất cao nên cần phải tiết chế lại đúng lúc đúng chỗ.

"Một khi đã có kinh nghiệm làm việc tại nhiều môi trường khác nhau và tự tin trong chuyên môn của bản thân thì có thể đề cập đến mức lương mong muốn. Tuy nhiên, khi bạn trẻ chưa có kinh nghiệm và đối với các bạn trẻ mới ra trường thì không nên hỏi lương khi xin việc vì điều quan trọng nhất với các bạn lúc này là cần kinh nghiệm sống và kinh nghiệm làm việc", Lam Vy chia sẻ.

Theo Dạ Thảo/TNO

 

Tin cùng chuyên mục

Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) đang tuyển không giới hạn số lượng thực tập sinh ngành sản xuất chế tạo và xây dựng làm việc tại Nhật Bản với mức lương từ 24-35 triệu đồng/tháng tùy ngành nghề.
Viện Khoa học hình sự Bộ Công an thông báo về việc tuyển dụng công dân đã tốt nghiệp ĐH các ngành hóa, dược, công nghệ chế tạo máy, kỹ thuật điện - điện tử và viễn thông từ các trường khối dân sự.
Năm học 2023-2024 đã qua gần hết học kỳ 1 nhưng TP Thủ Đức và nhiều quận, huyện trên địa bàn TPHCM vẫn chưa tuyển đủ giáo viên. Các địa phương đang ráo riết tuyển bổ sung đợt 2 để đáp ứng nhu cầu giảng dạy của các trường phổ thông. Tuy nhiên, nguồn tuyển được dự báo tiếp tục khan hiếm, nhất là ở các môn năng khiếu.
Sở GD&ĐT Hà Nội chuẩn bị tổ chức thi tuyển 20 chỉ tiêu lãnh đạo, quản lý các phòng và các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Sở.
Hơn 1.200 vị trí tuyển dụng việc làm thời vụ cuối năm và Tết Nguyên đán 2024 đang cần tuyển số lượng lớn nhân sự với mức thu nhập vô cùng hấp dẫn.
TP.HCM dự kiến sẽ chi 147 tỉ đồng/năm để thu hút 10 trường hợp là chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề