Chuyển từ thi sang xét tuyển, đầu vào thạc sĩ có dễ hơn?

Khi Quy chế tuyển sinh và đào tạo thạc sĩ mới có hiệu lực, nhiều trường đại học chuyển từ thi tuyển sang xét tuyển chỉ dựa vào kết quả học tập bậc đại học. Điều này có khiến đầu vào thạc sĩ dễ hơn?

Cách thức tuyển sinh mở tối đa

Thông tư 23 của Bộ GD-ĐT ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ chính thức có hiệu lực từ tháng 10 năm ngoái. Cùng với việc không giới hạn số lần tuyển sinh trong năm, quy chế này cho phép các trường “mở” tối đa trong cách thức tuyển sinh. Cụ thể, các trường có thể áp dụng thi tuyển hoặc xét tuyển, hoặc kết hợp 2 hình thức trên. Đáng chú ý, các trường còn có thể tổ chức tuyển sinh trực tuyến khi đáp ứng các điều kiện đảm bảo chất lượng.

Trên cơ sở quy chế mới này, nhiều trường bắt đầu chuyển từ thi tuyển sang xét tuyển đầu vào cao học.

Chuyển từ thi sang xét tuyển, đầu vào thạc sĩ có dễ hơn?

Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển cao học tại Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM năm nay. NGỌC THANH

Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM lần đầu tiên xét tuyển đầu vào thạc sĩ hoàn toàn dựa vào kết quả học tập bậc ĐH (bên cạnh điều kiện ngoại ngữ theo quy định chung). Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu trường này, cho biết ở năm đầu tiên áp dụng theo quy chế mới trường chỉ dựa vào điểm trung bình chung tốt nghiệp bậc ĐH của ứng viên. Tuy nhiên năng lực người học có thể khác nhau tùy theo từng trường ĐH mà sinh viên tốt nghiệp. Do vậy, trong tương lai trường có thể sẽ điều chỉnh theo tiêu chí khác nhau để đánh giá toàn diện hơn đầu vào.

Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng thông báo tuyển 830 chỉ tiêu chương trình thạc sĩ theo 2 định hướng nghiên cứu và ứng dụng. Phương thức xét tuyển dựa vào điểm trung bình chung toàn khóa bậc ĐH được thể hiện trong bảng điểm tốt nghiệp. Riêng chương trình định hướng nghiên cứu, ứng viên phải tốt nghiệp từ khá trở lên hoặc có công bố khoa học liên quan. Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng chuyển qua hình thức xét tuyển đầu vào với bậc học này năm nay.

Thi hoặc kết hợp phỏng vấn

Trong khi đó, nhiều trường vẫn duy trì hình thức thi tuyển hoặc kết hợp các hình thức khác nhau. Chẳng hạn Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, trong số 38 chuyên ngành thông báo tuyển, trường duy trì hình thức thi tuyển với 30 chuyên ngành, 8 ngành còn lại tổ chức xét tuyển kết hợp với hình thức vấn đáp tất cả các ứng viên.

Tương tự, trừ chương trình liên thông từ ĐH lên thạc sĩ theo quy định chung của ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cũng tổ chức thi tuyển đầu vào với các chuyên ngành: công nghệ thông tin, kỹ thuật xây dựng công trình biển, kỹ thuật xây dựng công trình thủy, khoa học tính toán. Các chuyên ngành còn lại trường kết hợp xét hồ sơ với phỏng vấn kiến thức chuyên ngành. Nhiều trường ĐH khác cũng duy trì hình thức thi tuyển truyền thống như: Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, Trường ĐH Y - Dược TP.HCM…

Lý giải về cách làm của trường mình, tiến sĩ Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nói: “Thí sinh dự tuyển bậc học thạc sĩ gồm cả những người tốt nghiệp ĐH nhiều năm trước. Do vậy việc tổ chức thi tuyển hoặc kết hợp phỏng vấn kiến thức chuyên ngành nhằm đảm bảo tìm được người học có đủ điều kiện theo học giống nhau”.

Có dễ trúng tuyển hơn?

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết trường đã kết thúc nhận hồ sơ đợt 1 và số lượng hồ sơ không tăng so với năm trước (hơn 500 hồ sơ). “Mỗi hình thức tuyển sinh có chuẩn đánh giá riêng, nếu thi tuyển kiểm tra đơn thuần về học thuật thì xét tuyển kết hợp phỏng vấn còn đánh giá các năng lực khác”, ông Hạ nhìn nhận.

Lý giải việc không chọn hình thức xét tuyển, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ cho rằng: “Đặc điểm đào tạo của từng trường ĐH không giống nhau, chuẩn đầu ra khác nhau. Do vậy, bên cạnh điểm số thì quá trình phỏng vấn sẽ đánh giá được năng lực, định hướng học thuật cũng như các điều kiện để theo học của ứng viên”.

“Việc phỏng vấn từng thí sinh sẽ mất nhiều thời gian của trường, nhưng đây là việc cần thiết. Nhưng hình thức phỏng vấn này chỉ phù hợp với những chuyên ngành có số lượng thí sinh dự tuyển vừa phải. Còn những chuyên ngành có số hồ sơ đăng ký nhiều thì hình thức thi tuyển, đề chung và thang điểm chung sẽ đánh giá đúng hơn”, ông Hạ cho biết thêm.

Trước câu hỏi xét tuyển có “dễ thở” hơn thi tuyển, thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ thừa nhận theo quy chế mới các hình thức tuyển sinh đầu vào bậc học này “mở” hơn trước đây. Nhiều trường áp dụng hình thức xét tuyển dựa vào điểm trung bình chung tốt nghiệp bậc ĐH và xét từ trên xuống dưới. Tuy nhiên, rào cản với nhiều thí sinh dự tuyển năm nay nằm ở điều kiện ngoại ngữ.

Theo Hà Ánh/TNO

 

Tin cùng chuyên mục

Điểm sàn cao nhất xét tuyển vào ĐH Kinh tế TP.HCM là 730 điểm, theo kết quả thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức đợt 1 năm 2024.
Bộ GD&ĐT chính thức ban hành kế hoạch tuyển sinh đại học và tuyển sinh ngành cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024.
Thí sinh muốn phúc khảo bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cần đăng ký trong khoảng thời gian từ ngày 15 đến 17- 4.
ĐH Quốc gia TP.HCM vừa công bố kết quả kỳ thi đánh giá năng lực 2024 đợt 1, trong đó thủ khoa đạt 1.076 điểm (thang điểm 1.200).
Hôm nay (15/4), ĐH Quốc gia TP.HCM công bố điểm thi đánh giá năng lực đợt 1. Kỳ thi có gần 100.000 thí sinh tham dự. Sau đây là cách xem điểm thi đánh giá năng lực.
Có trường đại học, có ngành, thí sinh phải đạt từ 850 điểm (thang điểm 1.200) thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM mới được nộp hồ sơ xét tuyển.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề