Chọn nghề cho con - cha mẹ đồng hành chứ đừng áp đặt

Đến hẹn lại lên, cứ vào thời điểm cận kề ngưỡng cửa tuyển sinh, chọn nghề là không ít phụ huynh lại “mất ăn, mất ngủ”. Câu hỏi định hướng nghề nghiệp cho con thế nào cho đúng và đủ chưa bao giờ là cũ với các bậc cha mẹ.

Không tìm thấy tiếng nói chung với con

Chị Nguyễn Hoàng Tuyết (ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) chia sẻ gia đình rất muốn định hướng đứa con gái lớn vào những ngành nghề ổn định như sư phạm, kế toán, văn phòng... Thế nhưng, con lại muốn theo ngành truyền thông đa phương tiện.

Tuy ngành này có vẻ “hot”, nhưng chị tìm hiểu thấy nhân viên truyền thông, tổ chức sự kiện rất vất vả, cạnh tranh gay gắt, tính đào thải cao, chưa kể phải đi lại nhiều, thậm chí làm việc cả ban đêm, cuối tuần.

Chị tìm cách thuyết phục con thay đổi ý định, bởi sợ con mới nhìn vào mặt hào nhoáng bên ngoài mà chưa thực sự hình dung được những khó khăn, thách thức của nghề mình muốn chọn. Nhưng con chị một mực chọn theo ý mình. Vì 2 mẹ con bất đồng quan điểm nên thời gian này không khí trong nhà rất căng thẳng.

Trong khi đó, anh Phạm Văn Liêm (ngụ TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) lại “mất ăn, mất ngủ” vì đứa con lúc nào cũng nói “tùy bố mẹ”. Anh làm bác sĩ nên muốn con theo ngành y, dược, nhưng nhận thấy con mình không thực sự mạnh ở các môn tự nhiên, cũng không thể hiện đam mê với nghề nghiệp cụ thể nào.

“Khi tôi gợi ý cho con một số ngành nghề như bác sĩ, dược sĩ, quản lý bệnh viện thì lần nào cháu cũng trả lời “cũng được”, “tùy bố mẹ”. Thực sự tôi rất đau đầu khi đến thời điểm này con vẫn chưa tự nhận thức được mình thích gì, năng lực mình tới đâu. Nếu áp đặt con theo nghiệp của bố, liệu con có đủ năng lực, đam mê để gắn bó với nghề hay không” - phụ huynh này băn khoăn.

Đến hẹn lại lên, cứ vào thời điểm cận kề ngưỡng cửa tuyển sinh, chọn nghề là không ít phụ huynh lại “mất ăn, mất ngủ”. Câu hỏi định hướng nghề nghiệp cho con thế nào cho đúng và đủ chưa bao giờ là cũ với các bậc cha mẹ.

Tiến sĩ Đào Lê Hòa An - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học tâm lý và hướng nghiệp 4.0 JobWay - phân tích, thế hệ gen Z hiện nay có rất nhiều kênh cung cấp thông tin, nhất là các trang mạng xã hội, đặc biệt lên ngôi gần đây là TikTok. Thế nhưng, các kênh này đa phần cung cấp thông tin bề nổi và không phải lúc nào cũng chính xác. Điều này dẫn đến học sinh biết rất nhiều nhưng biết không chính xác, không sâu sắc, có thể dẫn đến hệ lụy là lựa chọn sai lầm.

Chẳng hạn, cách đây vài tuần trên TikTok rộ lên clip thống kê những ngành nghề vô dụng nhất khi học đại học, trong đó nhiều thông tin không chuẩn xác. Như vậy, phụ huynh phải định hướng cho con em mình, nhưng quan trọng là định hướng như thế nào cho đúng cách.

Ông Đào Lê Hòa An cũng chỉ ra nhiều sai lầm của phụ huynh khi lựa chọn ngành nghề cho con: “Có phụ huynh muốn con chọn nghề theo truyền thống gia đình, ba là bác sĩ thì con cũng phải theo bác sĩ. Thậm chí có người còn thuyết phục con “cứ tốt nghiệp bác sĩ rồi muốn làm gì thì làm”. Hoặc có phụ huynh không thực hiện được ước mơ thuở nhỏ nên mong muốn con thực hiện thay mình.

Một sai lầm phổ biến khác là phụ huynh đặt ra tiêu chuẩn quá cao so với khả năng của con, con phải vào công an, phải vào trường top. Nhưng liệu có nhìn thấy khả năng của trẻ không mà ép con mình như vậy? Rất nhiều trường hợp phụ huynh không đánh giá đúng khả năng của con mà chỉ dựa trên mong đợi và góc nhìn của bản thân”.

Cập nhật thông tin để thấu hiểu con cái

Giáo sư Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TPHCM - nhận xét: các bạn trẻ ngày nay rất thông minh, có cái tôi và bản lĩnh sớm so với thế hệ trước. Do đó, cha mẹ cần lắng lòng lại để hiểu con hơn, đặt mình vào vị trí của con để giảm thiểu xung đột trong lựa chọn nghề nghiệp.

Thực tế, xu hướng nghề nghiệp trong xã hội hiện nay đã thay đổi, nhưng đa phần phụ huynh khi định hướng cho con hay bị ảnh hưởng bởi những suy nghĩ từ thời đại cũ. Chẳng hạn, nhiều cha mẹ mong muốn con làm nghề ổn định, an toàn, song con cái lại không muốn như vậy.

Ngày nay, các em muốn trở thành công dân toàn cầu, muốn có sự chuyển dịch trong tư duy, trong nghề nghiệp, muốn có sự thách thức. Và, đây là điểm lớn nhất tạo ra mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, các em có thể lựa chọn làm việc tự do, không đến công sở, làm việc tại Việt Nam nhưng thực ra đang đầu quân cho công ty ở nước ngoài. Chính chúng ta phải cập nhật thông tin để “đuổi theo” con cái.

Phụ huynh cần nắm được bức tranh toàn cảnh về tình hình tuyển sinh, xu hướng nghề nghiệp thời đại mới thì mới có thể đồng hành, tư vấn cho con. Khi có sự khác biệt giữa cha mẹ và con cái thì đừng cố gắng giải quyết ngay lập tức sự khác biệt ấy, mà trước hết nên lắng nghe con.

Sau đó thuyết phục, tư vấn cho con các mặt được, mặt mất nếu con lựa chọn như vậy. Hoặc gợi ý cho con tìm hiểu thêm các thông tin xung quanh nghề nghiệp mình lựa chọn. Tránh phản ứng ngay với nguyện vọng của con có thể dẫn đến sự phản ứng ngược từ phía con, biến sự khác biệt trở thành xung đột.

“Nếu lựa chọn đôi giày, cái áo rất dễ thay đổi, còn việc tư vấn để con lựa chọn nghề nghiệp là hành trình lâu dài, gắn bó cả cuộc đời. Do đó, phụ huynh nên tôn trọng, thuyết phục con bằng sự đồng cảm về tâm lý chứ không nên bằng sự ép buộc, càng không phải là từ sự tính toán chủ quan của cha mẹ. Bởi kinh nghiệm cha mẹ hiểu về con khá nhiều nhưng chưa chắc đủ quyết định thay con để con vào đời thực sự thành công, hạnh phúc.

Phụ huynh nên ở vị trí đồng hành, gắn kết cùng con trong lựa chọn ngành nghề. Bởi cuối cùng, chúng ta không thể sống thay con cái mãi, hành trình để con thành công và hạnh phúc phải xuất phát từ sự lựa chọn, quyết tâm của chính các con” - ông Huỳnh Văn Sơn nói.

Đồng quan điểm, tiến sĩ Đào Lê Hòa An cũng khuyên phụ huynh cần dành thời gian để lắng nghe và hiểu con, nhận ra sở thích, năng lực và tính cách của con. Đồng thời, cung cấp cho con các thông tin về ngành nghề, các tiêu chí và yêu cầu của từng nghề nghiệp, cũng như các cơ hội việc làm, mức lương, các cơ sở đào tạo.

Cha mẹ có thể khuyến khích con tham gia các hoạt động, dự án, các hội thảo, các lớp học về ngành nghề mà con quan tâm để giúp con hiểu rõ hơn về ngành đó, giúp con tự tin và phát triển khả năng của mình. Phụ huynh đồng hành, định hướng cho con, song hãy lưu ý rằng, quyết định cuối cùng là của con. Cha mẹ hãy cho con có cơ hội theo đuổi ngành nghề mình yêu thích, cơ hội được lớn lên và chịu trách nhiệm với quyết định của chính mình. 

Những điều cần làm để cùng con chọn ngành phù hợp 

Thực tế, nhiều phụ huynh băn khoăn nên cho con học ngành phù hợp năng lực hay học trường đại học danh tiếng thì dễ kiếm việc làm hơn. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương - Trưởng phòng Quan hệ doanh nghiệp và việc làm sinh viên, Trường đại học Nguyễn Tất Thành - cho rằng việc cân nhắc lựa chọn ngành nghề phù hợp rất quan trọng. Lựa chọn này sẽ ảnh hưởng đến ít nhất 40 năm cuộc đời sau đó. Trong tương lai, các em sẽ thức dậy đi làm vào buổi sáng với niềm phấn khởi hay với cảm giác bị tra tấn tùy thuộc vào quyết định lựa chọn ngành nghề hôm nay. 

Phụ huynh cần đồng hành cùng con để chọn ngành, nhưng việc chọn ngành phải đi đôi với tìm hiểu thực tế nghề nghiệp muốn chọn. Chẳng hạn, nhìn nhân viên ngân hàng xinh đẹp, ăn mặc sang trọng nhưng đằng sau là áp lực như thế nào. Cần tìm hiểu kỹ từ những người đang làm việc thực tế trong ngành để biết ngành đó có phù hợp với con mình không. Sau đó, phụ huynh nên tìm hiểu những trường đang đào tạo ngành này, lọc ra các trường phù hợp với năng lực của con, điều kiện tài chính gia đình. Rồi đến tìm hiểu môi trường đào tạo thực tế của các trường này, tìm hiểu thông tin qua các cựu sinh viên... Trên cơ sở đó, đưa ra quyết định phù hợp nhất. 

Theo ông Nguyễn Thanh Phương, một khi đã lựa chọn đúng ngành nghề, nếu có thể vào được trường danh tiếng thì tốt, còn không thì các trường khác đều đảm bảo tiêu chuẩn đào tạo theo quy định của Bộ GD-ĐT. Quan trọng nhất là thái độ, sự nỗ lực trong quá trình học tập sẽ góp phần quyết định tương lai nghề nghiệp của các em.

Theo Minh Linh/ PNO

Tin cùng chuyên mục

Bộ GD&ĐT chính thức ban hành kế hoạch tuyển sinh đại học và tuyển sinh ngành cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024.
Thí sinh muốn phúc khảo bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cần đăng ký trong khoảng thời gian từ ngày 15 đến 17- 4.
ĐH Quốc gia TP.HCM vừa công bố kết quả kỳ thi đánh giá năng lực 2024 đợt 1, trong đó thủ khoa đạt 1.076 điểm (thang điểm 1.200).
Hôm nay (15/4), ĐH Quốc gia TP.HCM công bố điểm thi đánh giá năng lực đợt 1. Kỳ thi có gần 100.000 thí sinh tham dự. Sau đây là cách xem điểm thi đánh giá năng lực.
Có trường đại học, có ngành, thí sinh phải đạt từ 850 điểm (thang điểm 1.200) thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM mới được nộp hồ sơ xét tuyển.
Năm 2024, Trường ĐH Y dược TP.HCM thêm phương thức tuyển sinh mới, áp dụng riêng cho 2 ngành y khoa và răng-hàm-mặt.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề