Chính quyền Mỹ cấm Đại học Harvard tuyển sinh viên quốc tế

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tước quyền tuyển sinh viên quốc tế của Đại học Harvard trong động thái leo thang căng thẳng giữa chính quyền và đại học danh giá này.

"Có hiệu lực ngay lập tức, chứng nhận Chương trình Sinh viên và Trao đổi (SEVIS) của Đại học Harvard bị thu hồi", Bộ trưởng An ninh Nội địa Kristi Noem viết trong một bức thư gửi tới Đại học Harvard, đề cập đến hệ thống chính cho phép sinh viên nước ngoài học tập tại Mỹ, theo AFP ngày 23.5.

Trong thư, Bộ trưởng Noem giải thích việc được tuyển sinh sinh viên nước ngoài là một đặc ân và tất cả các trường đại học phải tuân thủ các yêu cầu của Bộ An ninh Nội địa, bao gồm cả nghĩa vụ báo cáo theo quy định của Chương trình Sinh viên và Trao đổi, để duy trì đặc ân này.

Chính quyền Mỹ cấm Đại học Harvard tuyển sinh viên quốc tế

Đại học Harvard tại Cambridge, bang Massachusetts (Mỹ). Ảnh: Reuters

"Do quý vị đã từ chối nhiều yêu cầu cung cấp thông tin cần thiết cho Bộ An ninh Nội địa, đồng thời duy trì một môi trường học đường không an toàn, thù địch với sinh viên Do Thái, cổ vũ cho sự đồng cảm với Hamas, và áp dụng các chính sách 'đa dạng, công bằng và hòa nhập' mang tính phân biệt chủng tộc, quý vị đã đánh mất đặc ân này", bà Noem viết.

Theo bà Noem, Đại học Harvard không được phép đăng ký hoặc giữ lại bất kỳ người nước ngoài nào theo diện thị thực (visa) không định cư F hoặc J trong năm học 2025-2026.

Visa F là một loại thị thực không định cư dành cho sinh viên quốc tế muốn học tập tại các cơ sở giáo dục được chứng nhận tại Mỹ. Visa J cũng là thị thực không định cư, dành cho những người tham gia vào chương trình trao đổi văn hóa và giáo dục như sinh viên, học giả nghiên cứu, giáo sư, thực tập sinh, bác sĩ trong chương trình đào tạo y khoa...

Theo mệnh lệnh mới, những sinh viên quốc tế hiện đang học tại Harvard theo visa F-1 hoặc J-1 phải chuyển sang trường khác nếu muốn tiếp tục giữ tư cách pháp lý để ở lại học tại Mỹ.

Bộ trưởng Noem cũng đưa ra cơ hội để Harvard giữ lại chứng nhận. Theo đó, trong vòng 72 giờ, đại học này phải cung cấp hồ sơ của sinh viên nước ngoài, gồm video hay băng ghi âm về hoạt động biểu tình của họ trong 5 năm qua.

Harvard phản pháo

Harvard là đại học danh giá hàng đầu tại Mỹ, là nơi đào tạo 162 người đoạt giải Nobel. Trường cho biết hiện có 9.970 người trong cộng đồng học thuật quốc tế, và dữ liệu cho thấy 6.793 sinh viên quốc tế chiếm 27,2% tổng số sinh viên ghi danh trong năm học 2024-2025, theo CNN.

Việc mất đi một tỷ lệ lớn sinh viên như vậy có thể là một đòn giáng mạnh về tài chính đối với Harvard, nơi thu học phí hàng chục ngàn USD mỗi năm với mỗi sinh viên.

Đại học Harvard nhanh chóng lên án hành động này là "trái pháp luật" và cho rằng nó sẽ gây tổn hại cho cả nhà trường lẫn đất nước, trong khi một số sinh viên cho biết cộng đồng sinh viên đang "hoảng loạn", theo AFP.

"Chúng tôi hoàn toàn cam kết duy trì khả năng tiếp nhận sinh viên và học giả quốc tế của Harvard", Đại học Harvard cho biết trong một tuyên bố, đồng thời thông báo đang làm việc để cung cấp hướng dẫn và hỗ trợ cho sinh viên.

Tổng thống Donald Trump tức giận với Harvard vì từ chối yêu cầu của ông về việc phải chịu sự giám sát trong tuyển sinh và tuyển dụng, dựa trên những cáo buộc của ông rằng đây là một trung tâm của chủ nghĩa chống Do Thái và hệ tư tưởng tự do "thức tỉnh" (woke).

Tháng trước, ông Trump đã đe dọa sẽ ngăn Đại học Harvard tuyển sinh viên nước ngoài nếu trường không chấp thuận các yêu cầu của chính phủ, vốn sẽ đặt cơ sở giáo dục tư thục này dưới sự giám sát chính trị từ bên ngoài.

Những tuần gần đây, chính quyền đã đóng băng khoảng 3 tỉ USD tài trợ liên bang cho Đại học Harvard và dẫn đến việc bị kiện.

Trong cuộc phỏng vấn với Fox News ngày 22.5, Bộ trưởng Noem đe dọa sẽ tước quyền tuyển sinh sinh viên nước ngoài của các đại học khác.

Theo Vi Trân/ Thanh niên

Tin cùng chuyên mục

Tối 20.6, một số người cho biết đã đặt được lịch hẹn phỏng vấn visa du học ở Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM, hơn 3 tuần sau khi hoạt động này bị tạm dừng đột ngột.
Sinh viên nước ngoài xin visa Mỹ sẽ phải công khai tài khoản mạng xã hội cá nhân để nhân viên lãnh sự kiểm tra dấu hiệu thù địch.
Để ở lại một số nước làm việc sau tốt nghiệp, du học sinh Việt phải trả từ vài trăm nghìn đến hàng chục triệu đồng cho các chi phí liên quan đến ứng tuyển, khám sức khỏe và lý lịch tư pháp...
Một thẩm phán liên bang vừa gia hạn lệnh chặn hiệu lực sắc lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc cấm du học sinh và học giả quốc tế tới Đại học Harvard để học tập, nghiên cứu...
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump bị cho là đang can thiệp sâu vào quá trình xét duyệt học bổng Fulbright. Học bổng này vốn là công cụ “ngoại giao mềm” của Mỹ suốt gần 80 năm qua...
Những năm qua, ngày càng nhiều quốc gia ra mắt các lộ trình cho phép du học sinh Việt Nam được ở lại làm việc sau tốt nghiệp, không cần phải có sự bảo lãnh từ doanh nghiệp tuyển dụng.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề