Canada dừng ưu tiên xử lý thị thực của du học sinh Việt

Canada bất ngờ đóng chương trình SDS - vốn để tăng tốc xử lý visa du học và không yêu cầu chứng minh tài chính với học sinh ở 14 nước và vùng lãnh thổ, gồm Việt Nam.

Thông tin được đăng trên website của chính phủ Canada, hôm 8/11 và có hiệu lực ngay.

SDS (Student Direct Stream) là sáng kiến của Bộ Di trú, Người tị nạn và Quốc tịch Canada (IRCC) cách đây 6 năm, nhằm ưu tiên xử lý thị thực (visa) du học sinh của 14 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Khi theo diện này, học sinh không cần chứng minh tài chính, giảm thiểu thủ tục, được nộp hồ sơ trực tuyến, cùng một số ưu tiên khác. Thời gian xử lý thị thực của chương trình SDS khoảng 7 tuần, nhanh hơn thời hạn xử lý thông thường là 11 tuần.

Trên website, IDP - tổ chức giáo dục quốc tế, cung cấp dịch vụ hỗ trợ du học, cho biết khoảng 14.000 du học sinh Việt Nam sang Canada theo diện SDS.

Canada dừng ưu tiên xử lý thị thực của du học sinh Việt

Khuôn viên Đại học Toronto, trường top 21 thế giới và đứng đầu ở Canada, theo THE 2025. Ảnh: University of Toronto Fanpage

Chính sách mới tiếp nối loạt động thái cắt giảm lượng du học sinh đến Canada, trong bối cảnh số người nhập cư tăng, gây áp lực lên thị trường nhà ở.

Hồi tháng 9, Canada thông báo sẽ cấp 437.000 giấy phép du học trong năm 2025, giảm khoảng 10% so với năm nay. Ứng viên muốn xin giấy phép làm việc sau tốt nghiệp (PGWP) phải nộp thêm chứng chỉ tiếng Anh hoặc tiếng Pháp bậc B2 trở lên với sinh viên đại học và B1 trở lên đối với sinh viên cao đẳng. Những du học sinh đến Canada sau ngày 1/11 còn phải theo học những ngành trong danh sách của IRCC mới có thể nộp đơn xin PGWP.

Trước đó, mức chứng minh tài chính được tăng lên hơn 20.600 CAD (15.200 USD), gấp đôi so với yêu cầu 10.000 CAD vốn đã tồn tại hàng chục năm. Ngoài ra, du học sinh thạc sĩ và tiến sĩ phải nộp chứng thực học tập từ tỉnh, bang hoặc vùng lãnh thổ khi xin giấy phép.

Canada thu hút hơn một triệu sinh viên quốc tế vào năm 2023, là một trong hai điểm đến du học hàng đầu, cùng với Mỹ. Theo một số liệu năm 2022, khoảng 40%, sinh viên nước ngoài ở Canada đến từ Ấn Độ, sinh viên Trung Quốc đứng thứ hai với khoảng 12%. Số sinh viên Việt Nam là hơn 16.000.

Chi phí trung bình của bậc cử nhân ở Canada khoảng 36.000 CAD (654 triệu đồng) một năm, gồm học phí, sinh hoạt phí.

Theo Doãn Hùng/VnExpress

Tin cùng chuyên mục

Xét tuyển học sinh Việt Nam bằng điểm bài thi chuẩn hóa là động thái mới từ ĐH Quốc gia Úc (ANU), sau nhiều năm chỉ nhận ứng viên học ở 92 trường chuyên, trường điểm.
Chính phủ Hungary sẽ cấp tối đa 200 suất học bổng cho công dân Việt Nam để theo học tại Hungary ở các lĩnh vực: Khoa học Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học, Bán dẫn, Khoa học dữ liệu, Khoa học máy tính, Trí tuệ nhân tạo, Giáo dục, Kinh tế, Khoa học y tế và sức khỏe, Nông nghiệp, Khoa học tự nhiên, Nghệ thuật, Khoa học xã hội và Nhân văn, Luật, Kiến trúc, Thú y và Khoa học thể thao.
Cục Hợp tác quốc tế - Bộ GD -ĐT cho biết năm 2025 Chính phủ Trung Quốc sẽ cấp 34 chỉ tiêu học bổng cho công dân Việt Nam đi đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ tại Trung Quốc theo diện Hiệp định.
Châu Âu đang trở thành điểm đến hấp dẫn sinh viên Việt Nam nhờ hệ thống giáo dục chất lượng cao, chi phí học tập hợp lý, đặc biệt là cơ hội miễn hoặc giảm học phí. Với chương trình đào tạo nghề tại nhiều quốc gia, người học không chỉ được miễn học phí mà còn được trả lương từ 800-1.200 euro/tháng.
Du học sinh Việt ngoài được miễn học phí và nhận trợ cấp 1.000 euro/tháng khi học nghề Điều dưỡng, còn có nhiều cơ hội việc làm sau tốt nghiệp vì lĩnh vực này đang thiếu lao động.
Hơn 10.000 thư mời nhập học của sinh viên quốc tế từ các trường cao đẳng và đại học Canada đã bị phát hiện là có khả năng giả mạo trong năm nay, theo thông tin từ quan chức di trú phụ trách sinh viên quốc tế ở nước này.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Các ngành công nghiệp số cốt lõi nào được đẩy mạnh đào tạo nhân lực?
Bên cạnh ngành công nghiệp bán dẫn, các ngành công nghệ số cốt lõi đã được Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh đào tạo nhân lực đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.