Cân nhắc trước các kỳ thi đầu vào đại học tràn lan

Hiện có nhiều kỳ thi đầu vào đại học nhưng theo các chuyên gia giáo dục, không phải kết quả kỳ thi nào cũng đều được các trường sử dụng để xét tuyển

Tại TP HCM, kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP HCM tổ chức đã duy trì suốt nhiều năm qua. Tính đến kỳ tuyển sinh năm 2024, 132.865 lượt thí sinh đã tham gia kỳ thi này ở 23 tỉnh, thành (từ Đà Nẵng trở vào). Kết quả kỳ thi này được 100 trường ĐH trong và ngoài khối ĐHQG TP HCM cùng 9 trường CĐ sử dụng để xét tuyển.

Đa dạng kỳ thi đánh giá năng lực

TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo - ĐHQG TP HCM, cho biết về nội dung, đề thi cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản nhằm đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề; không đánh giá khả năng học thuộc lòng.

Cân nhắc trước các kỳ thi đầu vào đại học tràn lan

Thí sinh làm thủ tục dự thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM. Ảnh: Huy Lân

Đề thi của ĐHQG TP HCM được xây dựng cùng cách tiếp cận như đề SAT của Mỹ và đề TSA của Anh. Cấu trúc đề thi gồm 3 phần: Sử dụng ngôn ngữ; toán học, tư duy logic và phân tích số liệu; giải quyết vấn đề. Khi thi đánh giá năng lực, thí sinh chỉ làm 1 bài thi. Theo TS Chính, năm 2025, đề thi sẽ được cấu trúc lại cho phù hợp Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Ngoài kỳ thi đánh giá năng lực, 2 năm qua, một số trường cũng tổ chức kỳ thi đánh giá đầu vào ĐH V-SAT. V-SAT là kỳ thi được các trường tổ chức theo môn, sử dụng từ ngân hàng đề của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Năm 2025, gần 20 trường ĐH đã phối hợp tổ chức thi và sử dụng chung kết quả để xét tuyển. Ở kỳ thi này, thí sinh thi các môn độc lập, gồm: toán, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, tiếng Anh và năm nay có thêm môn ngữ văn.

PGS-TS Nguyễn Văn Thụy, Trưởng Phòng Tuyển sinh và Truyền thông - Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, cho biết trường này là một trong 2 trường ĐH đầu tiên tổ chức thi V-SAT (cùng với Trường ĐH Sài Gòn) vào năm 2023. Sau đó, 4 trường đã sử dụng kết quả này để xét tuyển. Sang năm 2024, 5 trường đã tổ chức thi V-SAT với khoảng 10 trường sử dụng kết quả để xét tuyển ĐH.

Ngoài ra, cũng tương tự thi V-SAT là kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt do Trường ĐH Sư phạm TP HCM tổ chức.

Nhiều điểm mới trong cấu trúc đề

Mùa tuyển sinh năm 2025 nóng dần khi ĐH Bách khoa Hà Nội chuẩn bị mở đăng ký từ ngày 1 đến 6-12-2024 cho đợt thi đầu tiên của kỳ thi đánh giá tư duy (TSA), diễn ra trong 2 ngày 18 và 19-10-2025.

Năm nay, ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến tổ chức 3 đợt thi TSA từ tháng 1 đến tháng 4-2025 với khoảng 75.000 lượt thí sinh, tăng 25.000 lượt so với năm ngoái. Trường vừa chính thức công bố cấu trúc đề thi với 3 phần, gồm: Tư duy toán học (60 phút), tư duy đọc hiểu (30 phút) và tư duy khoa học/giải quyết vấn đề (60 phút). Đây là 3 phần thi độc lập, câu hỏi sẽ tập trung vào đánh giá năng lực tư duy của thí sinh trong mỗi phần, không đi vào kiểm tra kiến thức môn học nào. Thí sinh sẽ thi trắc nghiệm trên máy tính, tổng điểm là 100. Kết quả thi sẽ có giá trị trong 2 năm để thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH (tùy trường).

Ngoài 12 tỉnh, thành là Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Đà Nẵng, năm 2025, ĐH Bách khoa Hà Nội mở thêm điểm thi ở tỉnh Lào Cai để thí sinh vùng Tây Bắc thuận tiện hơn. Theo lãnh đạo ĐH Bách khoa Hà Nội, nhiều công nghệ khảo thí hiện đại được áp dụng cho kỳ thi này nhằm ngăn ngừa triệt để việc thi hộ và gian lận trong thi cử...

Theo GS-TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí - ĐHQG Hà Nội, từ năm nay, đề thi đánh giá năng lực của trường sẽ bổ sung câu hỏi chùm trong tất cả phần thi, chủ đề. Câu hỏi chùm gồm đầu bài chung và các câu hỏi riêng phát triển đánh giá năng lực thí sinh từ cấp độ thấp đến cao. Câu hỏi chùm sẽ khai thác nguồn dữ kiện phong phú, đánh giá tư duy thí sinh theo từng lĩnh vực và xuyên lĩnh vực...

Năm 2025, câu hỏi trong đề thi của ĐHQG Hà Nội sẽ không sắp xếp từ dễ đến khó mà được xáo trộn một cách ngẫu nhiên theo ma trận cố định. Năm 2025, các đợt thi HSA của ĐHQG Hà Nội dự kiến diễn ra từ tháng 3 đến tháng 5-2025 với quy mô 85.000 lượt thí sinh. 

Cần nắm rõ phương thức xét tuyển của trường

TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, cho rằng các kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM hay V-SAT, đánh giá năng lực chuyên biệt... đều nhằm đánh giá đầu vào ĐH. Tuy vậy, không phải trường nào cũng sử dụng kết quả các kỳ thi này để xét tuyển ĐH.

Hiện nay, kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP HCM tổ chức được nhiều trường ĐH (100 trường) và CĐ (9 trường) sử dụng để xét tuyển. Thí sinh muốn xét tuyển vào trường nào thì cần nắm rõ các phương thức xét tuyển do trường đó quy định.

Theo Huy Lân - Yến Anh/Người Lao Động

Tin cùng chuyên mục

Trong hơn 1 tháng, có thêm 2 trường đại học (ĐH) là Kinh tế quốc dân và Duy Tân trở thành ĐH, nâng tổng số ĐH của VN lên 9 trường. Đây là 2 trong số 4 trường ĐH chuyển thành ĐH theo luật Giáo dục ĐH sửa đổi 2018.
Chính phủ đề xuất chuyển Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM về Bộ GD-ĐT để quản lý. Đồng thời, giao 2 đại học quốc gia đề xuất phương án sắp xếp, cơ cấu lại và giảm mạnh tổ chức bên trong.
8 chương trình giáo dục đã được Bộ GD-ĐT xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu học tập thường xuyên, học tập suốt đời của người dân, góp phần nâng cao dân trí, phát triển bản thân để tạo thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hiện nay, hình thức đào tạo từ xa, ứng dụng công nghệ vào dạy và học đang được các trường đẩy mạnh quy mô tuyển sinh. Từ năm 2024, quy chế về đào tạo từ xa cũng được Bộ GD-ĐT quy định chặt chẽ nhằm kiểm soát về chất lượng của hệ đào tạo này.
Thống kê tại hơn 120 trường đại học của Việt Nam ở năm học 2023-2024, chỉ có hơn 5.000 sinh viên quốc tế theo học dài hạn, tức mỗi trường chỉ có khoảng 40 sinh viên.
Dự thảo thông tư xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra lấy ý kiến có nhiều điểm mới so với thông tư trước đây. Lợi cũng có mà hại cũng nhiều.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Các ngành công nghiệp số cốt lõi nào được đẩy mạnh đào tạo nhân lực?
Bên cạnh ngành công nghiệp bán dẫn, các ngành công nghệ số cốt lõi đã được Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh đào tạo nhân lực đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.