Tháo “điểm nghẽn”
Sản phẩm, hàng hóa thông thường có thể có tỷ lệ lỗi nhất định, nhưng sản phẩm của nghề giáo thì mang tính chất đặc biệt. Cô Châu Quỳnh Dao - Hiệu trưởng Trường PTDTNT tỉnh Kiên Giang nêu quan điểm, sản phẩm của giáo dục là hình thành nhân cách con người, đòi hỏi sự hoàn thiện về phẩm chất và năng lực để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Những yêu cầu trên là “đơn đặt hàng” của xã hội, đất nước đối với nhà giáo nên họ không được phép tạo ra sản phẩm lỗi.
Từ yêu cầu này, cô Quỳnh Giao quả quyết, việc xây dựng Luật Nhà giáo là cần thiết, nhằm tạo lập hành lang pháp lý, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với nhà giáo, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, cũng như bảo đảm môi trường làm việc để nhà giáo an tâm, gắn bó với công việc. Quan trọng hơn, khi có Luật Nhà giáo sẽ tháo gỡ những điểm nghẽn trong lĩnh vực giáo dục.
Khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến giáo dục, đặc biệt đội ngũ nhà giáo, ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An đánh giá cao dự thảo Luật Nhà giáo có 5 chính sách lớn và 10 điểm mới. Lần đầu tiên địa vị pháp lý của nhà giáo ngoài công lập được xác lập rõ ràng trong dự thảo Luật và có quy định rõ về quyền, trách nhiệm của nhà giáo người nước ngoài; từ đó tạo môi trường để nhà giáo an tâm công tác, cống hiến, sáng tạo.
Ngoài chính sách thu hút những người có tài năng, năng khiếu đặc biệt, ông Thái Văn Thành đề nghị bổ sung thêm 2 đối tượng: Thứ nhất, những học sinh phổ thông có học lực xuất sắc, đạt học sinh giỏi quốc gia, quốc tế được ưu tiên tuyển thẳng vào ngành Sư phạm để làm nhà giáo;
Thứ hai, những sinh viên đại học tốt nghiệp xuất sắc được giữ lại làm giảng viên tại trường. Đội ngũ này sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực ở tất cả cấp, bậc học và hệ thống giáo dục quốc dân.
Về chế độ, chính sách đối với nhà giáo, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An đề nghị, cần xác định rõ nguồn lực để thực hiện các chính sách đối với nhà giáo như: Tiền lương, phụ cấp, chế độ thu hút, ưu đãi… Theo đó, nguồn lực của Trung ương và địa phương như thế nào để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và để Luật sớm đi vào cuộc sống.
Một lớp học Trường THCS Thăng Long (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Phòng GD&ĐT
Chính sách cần cụ thể
Nhấn mạnh các chính sách thu hút nhà giáo là cần thiết, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) cho ý kiến, tại Điều 29 còn chung chung, chưa có đột phá để tạo sức hấp dẫn, chưa đủ sức thuyết phục để thu hút người có trình độ cao, có tài về công tác tại vùng đặc biệt khó khăn. Dự thảo luật mới đề cập đến việc hưởng chính sách ưu tiên về tuyển dụng và chế độ phụ cấp, trợ cấp thu hút nhưng chưa rõ ở mức độ nào hay chế độ lương, đãi ngộ được hưởng như thế nào?
“Nếu không có chính sách cụ thể, rõ ràng thì việc thu hút nhà giáo như mục tiêu, mong muốn của dự thảo Luật khi đề ra sẽ rất khó thực hiện”, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa băn khoăn, đồng thời đề nghị, dự thảo Luật cần làm rõ như thế nào gọi là người có trình độ cao, có tài năng, người có năng khiếu đặc biệt. Quy định rõ về các đối tượng này sẽ tạo thuận lợi cho việc áp dụng trong thực tiễn.
Dự án Luật Nhà giáo trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu, đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến kỹ lưỡng, nhiều lần. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhìn nhận, đây là luật mới, được dư luận xã hội mong muốn ban hành. Nhà giáo có những đặc thù riêng, khác về quyền lợi, nghĩa vụ với viên chức nói chung. Do đó, việc xây dựng và ban hành luật sẽ kịp thời bổ sung các chính sách mới, đặc thù để xây dựng, thu hút và phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Khẳng định, đặc thù của nhà giáo cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ riêng, nhưng Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, các chính sách vẫn phải đặt trong tổng thể chung, bảo đảm cân đối, hài hòa. Vì vậy, cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu hoàn thiện quy định về đối tượng áp dụng, chính sách ưu đãi đối với nhà giáo; chính sách hỗ trợ, thu hút nhà giáo... đảm bảo phù hợp và thống nhất với hệ thống pháp luật.
Hiến pháp năm 2013 xác định: “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” (Điều 61). Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh khẳng định, yếu tố quyết định chất lượng giáo dục là đội ngũ nhà giáo.
Chính vì thế, để thu hút sinh viên giỏi “đầu quân” vào ngành Sư phạm cũng như trọng dụng đội ngũ nhà giáo có trình độ, chuyên môn cao, tại Kỳ họp thứ 8 này, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thảo luận về dự án Luật Nhà giáo.
Việc ban hành Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về nhà giáo; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, kịp thời bổ sung các chính sách mới, đặc thù để xây dựng và phát triển đội ngũ. Nhiều ý kiến trong Ủy ban đề nghị, Ban Soạn thảo nghiên cứu xây dựng chính sách theo hướng khuyến khích nhà giáo giỏi làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục; xây dựng đội ngũ quản lý giáo dục chuyên nghiệp.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhất trí quy định về chính sách của Nhà nước đối với việc xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cho rằng, đây là khung chính sách lớn, được cụ thể hóa tại các điều, khoản trong dự thảo Luật.
Dự thảo Luật đưa ra một số chính sách mới như: Tôn vinh, bảo vệ nhà giáo, khuyến khích sự sáng tạo trong hoạt động nghề nghiệp, chính sách đào tạo, bồi dưỡng phát triển nghề nghiệp liên tục đối với nhà giáo.