Các trường có thực sự được tự chủ tuyển sinh?

Theo Bộ GD-ĐT, nhờ tự chủ mà các trường đại học đạt được những kết quả tích cực trong hoạt động tuyển sinh, nhưng cũng có hiện tượng 'lạm dụng' tự chủ. Ngược lại, có ý kiến cho rằng các trường đại học chưa thực sự được tự chủ.

Tự chủ về tuyển sinh là một nội dung trong tự chủ học thuật. Nghị định 99/2019 hướng dẫn thực hiện luật Giáo dục đại học (GDĐH) sửa đổi (luật 34) đã quy định khá rõ về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình về học thuật chuyên môn của cơ sở GDĐH. Theo đó, trường ĐH có quyền ban hành và tổ chức thực hiện các quy định nội bộ về hoạt động tuyển sinh; xác định, công bố công khai phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định của Bộ GD-ĐT (trừ lĩnh vực quốc phòng, an ninh). Hằng năm, Bộ sẽ điều chỉnh hoặc ban hành quy chế tuyển sinh, cập nhật về mặt kỹ thuật để việc thực hiện tuyển sinh của các trường ngày càng thuận lợi hơn.

Tại hội nghị về tự chủ ĐH mà Bộ mới tổ chức gần đây, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, trước khi thực hiện luật 34, các trường đã được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh, trên cơ sở tuân thủ các quy định về điều kiện đảm bảo chất lượng. Tự chủ ĐH tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh; thúc đẩy các trường đầu tư vào các điều kiện bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo để cạnh tranh trong tuyển sinh, thu hút được sinh viên giỏi; thúc đẩy các trường ngày càng đi vào thực chất hơn với chất lượng đào tạo, phát triển bền vững.

Việc thực hiện luật 34 càng thúc đẩy vai trò tự chủ tuyển sinh của các trường, trên cơ sở đảm bảo 3 nguyên tắc cơ bản: công bằng đối với thí sinh, bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo, minh bạch đối với xã hội. Vì thế, giai đoạn 2019 - 2021, các trường có nhiều phương thức để thực hiện tuyển sinh. Các trường cũng được tuyển sinh nhiều đợt trong năm để đảm bảo sự linh hoạt cho các trường và tạo điều kiện cho thí sinh được lựa chọn đúng ngành nghề yêu thích.

Các trường có thực sự được tự chủ tuyển sinh?

Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. NHẬT THỊNH

Lạm dụng tự chủ ?

Trong hội nghị tổng kết năm học khối GDĐH mà Bộ tổ chức ngày 12.9, ông Hoàng Minh Sơn cũng than phiền về việc một số trường “lạm dụng” tự chủ để đưa ra quá nhiều phương thức tuyển sinh, trong đó có những phương thức hết sức phức tạp, khiến cho mục tiêu công bằng trong tuyển sinh bị ảnh hưởng.

Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ GDĐH, nhận định một số trường tuy tuyển sinh tốt nhưng chưa đầu tư về các điều kiện đảm bảo chất lượng tương xứng với quy mô đào tạo. Một số trường chưa thực hiện trách nhiệm giải trình khi tự chủ là không công khai hoặc công khai không đầy đủ theo quy định.

Khi góp ý cho Bộ về tự chủ, Chủ tịch Hội đồng một ĐH vùng cũng đặt ra vấn đề có những trường lạm dụng việc được giao quá nhiều quyền trong khi nội lực, năng lực thật sự không tương xứng, thiếu sự kiểm tra và kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước dẫn đến chất lượng đào tạo có thể không đảm bảo, lạm thu các khoản kinh phí, trách nhiệm giải trình với người học và xã hội chưa được chú trọng và đầy đủ…

“Tự chủ” mà không được “chủ động”

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thu Thủy cũng cho biết bên cạnh một số trường tuyển sinh ngày càng tốt lên thì nhiều trường ngày càng khó khăn, hoạt động kém hiệu quả, kết quả tuyển sinh thấp hơn so với năng lực.

PGS Nguyễn Mạnh Thiều, Trưởng ban Tổ chức cán bộ, Học viện Tài chính, cho rằng nguyên nhân của tình trạng này là do mới chỉ có 28% các trường ĐH thực sự thực hiện tự chủ về vấn đề tuyển sinh và khoảng 44% trường ĐH có quyền tự chủ về vấn đề đào tạo. PGS Thiều phân tích: “Do chưa có sự đồng bộ trong tự chủ nên ngay cả với những trường được thực hiện tự chủ tuyển sinh vẫn bị các yếu tố khác ràng buộc, làm giảm hiệu quả tuyển sinh. Chẳng hạn, Bộ cho phép trường tự xác định chỉ tiêu, nhưng trên cơ sở phải đảm bảo các điều kiện chất lượng. Nhưng nếu trường chưa được tự chủ về cơ sở vật chất, về tổ chức, nhân sự và cơ chế hoạt động, thì sẽ khó khăn trong tuyển dụng giảng viên, từ đó ảnh hưởng đáng kể tới khả năng tăng quy mô đào tạo, tăng chỉ tiêu tuyển sinh”.

Nhiều trường cũng than phiền tuy được tiếng là tự chủ, nhưng thực tế năm nay các trường không thể chủ động trong công tác tuyển sinh.

Các trường có thực sự được tự chủ tuyển sinh?

Phụ huynh và thí sinh tìm hiểu, nộp hồ sơ xét tuyển theo các phương thức tuyển sinh sớm vào đại học. ĐÀO NGỌC THẠCH

PGS Nguyễn Thanh Chương, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải, cho rằng các trường ngày càng được tự chủ trong tuyển sinh, như được tự xác định chỉ tiêu, hoặc được đưa ra các phương thức tuyển sinh. Nhưng việc Bộ áp dụng chế tài trong khâu hậu kiểm quá khắt khe khiến tinh thần tự chủ bị giảm đi đáng kể. Hoặc với những thay đổi năm nay, các trường mất hết thế chủ động.

“Theo kế hoạch của Bộ, các trường đều phải lùi lại kế hoạch năm học. Tình thế năm nay khiến các trường lâm vào cảnh Bộ nói tiến thì tiến, bộ nói lùi thì lùi”, ông Chương phân tích.

Quy định tuyển sinh của Bộ đi ngược với quyền tự chủ

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, đặt ngược vấn đề: “Vì sao tự chủ ĐH được đặt ra từ rất lâu nhưng vẫn cứ đặt đi đặt lại, là do các trường ĐH vẫn chưa thấy được tự chủ như nội hàm từ đó”.

Tiến sĩ Nghĩa cho rằng có nhiều nguyên nhân, trước hết ngay trong thói quen, nếp nghĩ, tư duy; ví dụ như việc hiện nay đang dùng cụm từ “trao quyền tự chủ” mà đúng ra phải là “công nhận quyền tự chủ” của các trường. Suy nghĩ ban phát quyền tự chủ này xuất phát từ hệ thống quản lý, chính sách văn bản pháp quy pháp luật đã được ban hành.

Theo tiến sĩ Nghĩa, các trường ĐH được tự chủ khá nhiều dựa trên quy định chung của Bộ, từ mở ngành, tổ chức đào tạo, cấp xét và in ấn văn bằng tốt nghiệp… Nhưng việc kiểm tra giám sát, Bộ chỉ nên thực hiện theo khung chung, không nên quản lý quá sâu vào công tác đào tạo của các trường.

Nói về cách thức tổ chức tuyển sinh năm 2022, tiến sĩ Nghĩa phân tích: “Mặc dù các trường có rất nhiều phương thức tuyển sinh riêng, nhưng với cách làm năm nay thì tất cả các trường trong cả nước đều phải nằm chung trong một “lò” từ khâu đăng ký, xét tuyển cho đến nhập học trong hệ thống tuyển sinh của Bộ. Quy định tuyển sinh của Bộ đi ngược với quyền tự chủ của ĐH trong tuyển sinh”.

Ý KIẾN

“Các trường có cảm nhận thiếu tự chủ trong tuyển sinh cũng là điều dễ hiểu, vì hiện nay đang trong giai đoạn quá độ, năng lực tự chủ tuyển sinh của các trường khác nhau, nên có sự điều tiết của Bộ là cần thiết, để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho thí sinh”.

PGS Phạm Thu Hương (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương)

“Tự chủ không có nghĩa là tự quyết, tự thích làm gì thì làm. Tự chủ nhưng phải đảm bảo 2 yếu tố: không vi phạm vào các quy định hiện hành của pháp luật; không vi phạm nguyên tắc công bằng, bình đẳng, minh bạch. Nếu lợi ích của thí sinh (thể hiện ở tính công bằng) là hàng đầu, thì có thể chấp nhận bỏ đi chút ít lợi ích (tự chủ) của trường”.

PGS Nguyễn Phong Điền(Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội)

Tiến sĩ Nghĩa nói thêm: “Rõ ràng, năm nay các trường không được tự xét tuyển cho trường mình mà phải thông qua Bộ ở tất cả các khâu. Quy định này mâu thuẫn trong thực tế khi từ đầu năm chính Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã khuyến khích các trường có những tiêu chí xét tuyển khác, chỉ xem kết quả thi tốt nghiệp THPT là điều kiện tham khảo. Chưa kể, với việc đưa tất cả phương thức tuyển sinh lên hệ thống tuyển sinh để thực hiện đồng loạt, thí sinh phải đăng ký lại nguyện vọng đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm thì việc thực hiện xét tuyển giai đoạn sớm của các trường không còn ý nghĩa”.

Từ đó, tiến sĩ Nghĩa cho rằng: “Hệ quả rõ nhất của cách thức tuyển sinh năm nay là không trường ĐH nào có thể tổ chức nhập học vào tháng 9 như mọi năm, kế hoạch năm học của các trường muộn hơn mọi năm ít nhất 1 tháng”.

Nói về quyền các trường trong tuyển sinh, tiến sĩ Nghĩa nhấn mạnh: “Bộ chỉ nên đưa ra các quy định chung về tiêu chuẩn, nguyên tắc xét tuyển, nếu có là thời hạn tuyển sinh để các trường tổ chức đào tạo cho thuận lợi. Còn việc tổ chức tuyển sinh như thế nào nên giao cho các trường tự thực hiện, từ khâu đăng ký đến nhập học”.

(còn tiếp)

Theo Qúy Hiên - Hà Ánh/TNO

Tin cùng chuyên mục

Năm học 2023 - 2024, Nghệ An tăng 7.226 học sinh lớp 9, gây áp lực tuyển sinh vào lớp 10. Tại TPHCM, áp lực với học sinh thi vào lớp 10 cũng khốc liệt khi có đến 20.000 thí sinh rớt khỏi “đường đua vào trường công”.
Theo công bố của Bộ GD-ĐT tại hội nghị tuyển sinh 2024, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Khánh Hòa và Phú Yên có hai năm liên tiếp nằm trong top 10 tỷ lệ vào ĐH trên tổng số thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT năm 2023.
Năm học 2024 - 2025 là năm thứ 2 áp dụng mức học phí theo Nghị định 97 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lí học phí. Học phí trở thành nỗi lo của thí sinh khi tham gia xét tuyển sinh năm nay, nhất là nhóm trường Y Dược gần như đã tự chủ.
Từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, ngoại ngữ không còn là môn bắt buộc mà trở thành môn lựa chọn. Theo các chuyên gia, dù chọn thi ngoại ngữ hay không thì những thí sinh có nguyện vọng học đại học cũng không nên bỏ bê, sao nhãng môn này.
Trường ĐH Công Thương TP.HCM công khai kết quả tốt nghiệp của sinh viên được xét tuyển từ học bạ khiến nhiều người bất ngờ.
Hai năm trước, 3 trường ĐH bách khoa và 10 trường ĐH về kinh tế đã có những ký kết hợp tác về việc trao đổi sinh viên trong nước, nhưng đến nay số lượng tham gia còn rất ít, thậm chí có nơi chưa tổ chức được khóa học do chưa có sinh viên nào đăng ký.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề