Các startup ASEAN chuyển trọng tâm tuyển dụng sang vị trí tạo doanh thu

Monk’s Hill Ventures (MHV) và Glints đã công bố Báo cáo Nhân tài Khởi nghiệp Đông Nam Á 2023 (Southeast Asia Startup Talent Report 2023).

Bản báo cáo mùa thứ hai này đào sâu vào xu hướng, dữ liệu lương và sở hữu cổ phần cho những nhà sáng lập, lãnh đạo cấp cao và nhần tài khởi nghiệp từ hơn 10.000 điểm dữ liệu và 30 cuộc phỏng vấn với các nhà sáng lập startup ở Singapore, Indonesia và Việt Nam.

Các diễn giả tại buổi công bố Báo cáo Nhân tài Khởi nghiệp Đông Nam Á 2023 của Monk’s Hill Ventures (MHV) và Glints.

Lập trình viên giỏi nhất tại Việt Nam được trả lương tương đương với Singapore

Báo cáo cho thấy rằng, trước thực trạng tái tập trung vào lộ trình đến lợi nhuận, các startup sẽ hướng đến việc đầu tư vào những vị trí tạo doanh thu hơn như bán hàng, phát triển kinh doanh, tiếp thị và quan hệ công chúng vào năm 2023. Một điều đáng nói, trong khi mức lương tiếp tục tăng thì tốc độ phát triển năm nay sẽ giảm đáng kể so với các năm trước, từ trên 30% xuống còn 5 - 7% hàng năm.

Theo ông Bryan Lee, tổng giám đốc của Glints Việt Nam: "Như minh chứng trong báo cáo năm nay, Việt Nam tiếp tục là điểm đến của nhân tài công nghệ chất lượng cao. Các lập trình viên giỏi nhất tại Việt Nam được trả lương cạnh tranh tương đương với nhân tài cùng vị trí tại Singapore. Chúng tôi hy vọng rằng báo cáo này sẽ cung cấp cho các startup địa phương những công cụ cần thiết để tuyển dụng, thu hút và giữ chân nhân tài, đồng thời tạo điều kiện sự phát triển và mở rộng quy mô nhân tài trong hệ sinh thái startup,”.

Báo cáo Nhân tài Khởi nghiệp Đông Nam Á 2023 được MHV và Glint thực hiện bằng cách phân tích hơn 10.000 điểm dữ liệu thu thập từ các startup công nghệ tại Singapore, Indonesia và Việt Nam. Trong đó, hơn 150 điểm dữ liệu đến từ các nhà lãnh đạo cấp cao và nhà sáng lập. MHV và Glint cũng tiến hành một cuộc khảo sát nhân tài với hơn 500 nhân sự công nghệ và phi công nghệ làm việc trong các startup và khảo sát tình hình tuyển dụng năm 2023 với 58 startup tại Singapore, Indonesia và Việt Nam. Các cuộc phỏng vấn chuyên sâu cùng hơn 40 nhà sáng lập, nhà đầu tư và nhà điều hành chủ yếu đến từ Singapore, Indonesia và Việt Nam cũng được thực hiện. Ngoài ra, những nhà sáng lập đến từ Thái Lan, Malaysia và Philippines cũng đóng góp thêm quan điểm của mình.

Các kết quả chính từ báo cáo

Cuộc khủng hoảng nhân tài công nghệ vẫn diễn ra tại Đông Nam Á, các vị trí công nghệ vẫn duy trì nhu cầu ở mức cao, với mức lương trung bình cao hơn 38% so với các vị trí phi công nghệ.

Tiền mặt vẫn chiếm ưu thế hơn vốn chủ sở hữu trong khu vực. Mặc dù 86% các công ty tham gia khảo sát có cung cấp ESOP (cổ phần thuộc sở hữu của người lao động) nhưng trung bình chỉ có 1/3 nhân tài đủ điều kiện sở hữu ESOP.

Mức lương cơ bản trung bình của giám đốc điều hành (CEO) tăng 2,4 lần đối với những người đã huy động vốn từ 0 - 5 triệu USD so với năm 2021 khi các công ty huy động các vòng đầu tư lớn hơn. Có thể do áp lực ở thời điểm hiện tại, ngày càng có nhiều CEO chấp nhận việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần lớn hơn. So với năm 2021, chúng tôi ghi nhận sự sụt giảm 5% về cổ phần đối với các CEO trong giai đoạn gọi vốn từ 5 - 10 triệu USD.

Kỹ thuật vẫn là vị trí công nghệ được tìm kiếm nhiều nhất, với vị trí Phó giám đốc Kỹ thuật có thể kiếm được lên đến 235.200 USD hàng năm. Những kỹ năng chuyên biệt về sản phẩm và dữ liệu cũng được các nhà tuyển dụng đánh giá rất cao. Sau kỹ thuật, các nhân tài thuộc lĩnh vực sản phẩm và dữ liệu cũng được trả lương cao nhất.

Các giám đốc sản phẩm được tăng lương nhiều nhất, với mức tăng lên đến 27% so với năm 2021.

Mô hình làm việc linh hoạt đang trở thành xu hướng phổ biến, với 45% các startup áp dụng hình thức làm việc này và 12% cho phép nhân viên từ nhiều thị trường khác nhau được làm việc từ xa.

Singapore vẫn là thị trường đắt đỏ nhất để tuyển dụng nhân tài công nghệ, với mức lương của các kỹ sư cao hơn gấp 3 lần so với Indonesia và Việt Nam. Các giám đốc sản phẩm tại Singapore cũng được trả lương cao gấp 3 lần so với Indonesia và Việt Nam.

Bằng việc tập trung vào con đường dẫn đến lợi nhuận và dòng tiền tích cực trong năm nay, các công ty trên các thị trường ưu tiên tuyển dụng ba bộ phận là kỹ sư, phát triển kinh doanh và bán hàng, tiếp thị và quan hệ công chúng vào năm 2023.

“Với dân số trẻ có trình độ tay nghề cao, cùng với đó là ngành dịch vụ lớn tiềm năng cho các chuyển đổi số, Việt Nam tiếp tục là một thị trường công nghệ mạnh mẽ bất chấp tình trạng suy thoái kinh tế như hiện nay,” Justin Nguyễn, General Partner tại Monk’s Hill Ventures chia sẻ.

Ông cũng khẳng định thêm: “Ngày càng có nhiều nhà sáng lập từ Việt Nam lấy kỹ thuật làm trọng tâm. Họ đã thúc đẩy văn hóa lấy sản phẩm làm trọng. Đây là lý do đằng sau sự phát triển của một số doanh nghiệp (DN) lớn và biến Việt Nam trở thành trung tâm khởi nghiệp về công nghệ hàng đầu trong khu vực. Lực lượng lao động chất lượng là yếu tố chính mà ngày càng có nhiều DN lớn xây dựng đội ngũ nhân sự chất lượng cao tại Việt Nam”.

Glints là hệ sinh thái nhân sự tại khu vực Đông Nam Á. Glints được ra mắt vào năm 2015 tại Singapore và hiện đã hỗ trợ cho hơn 3 triệu nhân tài và 50.000 tổ chức. Cho đến thời điểm hiện tại, Glints đã có mặt tại Indonesia, Malaysia, Singapore, Việt Nam và Đài Loan.

Monk’s Hill Ventures được thành lập vào năm 2014 bởi các doanh nhân Peng T. Ong và Kuo-Yi Lim, MHV là một công ty đầu tư mạo hiểm đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ giai đoạn đầu ở Đông Nam Á. Được hậu thuẫn bởi các nhà đầu tư tổ chức và công ty gia đình trên toàn thế giới, MHV hợp tác với các doanh nhân lớn để ứng dụng công nghệ để cải thiện cuộc sống của hàng triệu người trong khu vực.

Theo Tuấn Trần/ ICTVietnam

Tin cùng chuyên mục

Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) đang tuyển không giới hạn số lượng thực tập sinh ngành sản xuất chế tạo và xây dựng làm việc tại Nhật Bản với mức lương từ 24-35 triệu đồng/tháng tùy ngành nghề.
Viện Khoa học hình sự Bộ Công an thông báo về việc tuyển dụng công dân đã tốt nghiệp ĐH các ngành hóa, dược, công nghệ chế tạo máy, kỹ thuật điện - điện tử và viễn thông từ các trường khối dân sự.
Năm học 2023-2024 đã qua gần hết học kỳ 1 nhưng TP Thủ Đức và nhiều quận, huyện trên địa bàn TPHCM vẫn chưa tuyển đủ giáo viên. Các địa phương đang ráo riết tuyển bổ sung đợt 2 để đáp ứng nhu cầu giảng dạy của các trường phổ thông. Tuy nhiên, nguồn tuyển được dự báo tiếp tục khan hiếm, nhất là ở các môn năng khiếu.
Sở GD&ĐT Hà Nội chuẩn bị tổ chức thi tuyển 20 chỉ tiêu lãnh đạo, quản lý các phòng và các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Sở.
Hơn 1.200 vị trí tuyển dụng việc làm thời vụ cuối năm và Tết Nguyên đán 2024 đang cần tuyển số lượng lớn nhân sự với mức thu nhập vô cùng hấp dẫn.
TP.HCM dự kiến sẽ chi 147 tỉ đồng/năm để thu hút 10 trường hợp là chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề