Bỏ xét tuyển sớm: Thí sinh cần phải tập trung cao cho kỳ thi tốt nghiệp THPT để “tranh suất” vào ĐH?

Thông tin từ Bộ GD – ĐT, năm 2025 hình thức xét tuyển sớm trong phương án tuyển sinh của các trường ĐH sẽ bị bãi bỏ, vậy có phải thí sinh cần phải tập trung hết sức cao độ cho kỳ thi tốt nghiệp THPT để “tranh suất” vào ĐH?

Trong chương trình Tư vấn xét tuyển ĐH – CĐ năm 2025 mang tên “Tiếp bước trường thi” do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp với Đài Phát thanh – truyền hình Long An, Sở GD – ĐT tỉnh Long An thực hiện cùng sự đồng hành của Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH), các chuyên gia tư vấn tuyển sinh đến từ các trường ĐH đã chia sẻ những thông tin quan trọng đến các em học sinh lớp 12 về kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH sắp tới.

Bỏ xét tuyển sớm: Thí sinh cần phải tập trung cao cho kỳ thi tốt nghiệp THPT để tranh suất vào ĐH?

Bỏ xét tuyển sớm: Thí sinh cần phải tập trung cao cho kỳ thi tốt nghiệp THPT để tranh suất vào ĐH?

Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa – Nguyên Phó Giám đốc ĐHQG-HCM, kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi rất quan trọng, chỉ có các em học sinh tốt nghiệp THPT mới được xét tuyển lên các bậc học cao hơn là ĐH – CĐ. Trong khi đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm là kỳ thi đầu tiên của chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều thay đổi không chỉ về nội dung mà cả về quy trình, thủ tục thi. Thêm nữa, Dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH – CĐ năm 2025 cũng có quy định về việc sẽ bỏ hình thức xét tuyển sớm và phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn là phương thức xét tuyển chủ đạo của các trường ĐH trong năm nay. Do đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới sẽ càng trở nên quan trọng hơn.

TS Nghĩa cho biết: “Theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2025 đã ban hành, có 3 nội dung chính mà các em học sinh chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 cần nắm vững: đó là về tổ chức thi, đề thi và cách xét tốt nghiệp.

Về tổ chức thi: Ngay trong kế hoạch năm học, ngày thi tốt nghiệp THPT đã được xác định là ngày 26 – 27/6. Học sinh chỉ thi trong 3 buổi thay vì 4 buổi như trước do số môn thi giảm

Về đề thi: Học sinh sẽ thi 4 môn với 2 môn bắt buộc là toán, văn và 2 môn tự chọn đã được học ở 3 năm THPT trong số các môn ngoại ngữ, lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học, sinh học, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học và công nghệ. Riêng môn ngoại ngữ, học sinh có thể chọn một ngoại ngữ khác với môn ngoại ngữ đã học ở chương trình THPT. Về hình thức thi thì chỉ có môn Văn thi tự luận, các môn còn lại thi trắc nghiệm nhưng được bổ sung thêm dạng thức để đề thi mang tính phổ quát hơn.

Về cách xét điểm tốt nghiệp THPT: Năm 2025 cách xét điểm tốt nghiệp sẽ có sự khác biệt so với mấy năm trước, đó là dựa trên 50% điểm thi tốt nghiệp THPT và 50% của quá trình học 3 năm ở THPT, chứ không chỉ xét điểm trung bình của năm lớp 12. Do đó, trọng số điểm của các năm THPT cũng rất quan trọng với các em, đòi hỏi các em phải nỗ lực ngay từ năm lớp 10.

Riêng về phương thức xét tuyển của các trường ĐH năm 2025 không có nhiều thay đổi, chỉ có sự thay đổi đáng kể về mặt thời gian là không được xét tuyển sớm theo như Dự thảo của Quy chế tuyển sinh ĐH – CĐ năm 2025, ngoại trừ phương thức xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD – ĐT vì đây là phương thức xét tuyển không liên quan đến điểm số”.

Việc bỏ xét tuyển sớm thực tế không ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh mà chỉ là lùi thời gian xét tuyển lại đến sau khi các em có kết quả học tập của cả năm lớp 12, còn các phương thức xét tuyển thì vẫn vậy.

Liên quan đến vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương – Giám đốc Trung tâm Marketing và phát triển thương hiệu Trường ĐH HUTECH chia sẻ, việc xét tuyển của trường đều phải căn cứ vào Quy chế Tuyển sinh ĐH – CĐ của Bộ GD – ĐT và các thí sinh cần phải đọc kỹ đề án tuyển sinh chính thức của các trường. Riêng với trường Hutech năm 2025 sẽ tuyển sinh 61 ngành đào tạo và dự kiến xét tuyển theo 3 cách: xét theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển theo kết quả học tập THPT (học bạ) dựa vào tổng điểm 3 môn của cả năm lớp 12 với điều kiện từ 18 điểm trở lên; xét theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG-HCM hoặc kỳ thi V-SAT.

PGS – TS Huỳnh Quyền- Hiệu trưởng Trường ĐH Tài Nguyên và Môi trường TP.HCM cũng cho biết, về phương thức xét tuyển của trường không thay đổi so với năm trước, duy chỉ có phương thức xét học bạ có chút thay đổi về đối tượng, đó là Xét tuyển kết quả học tập THPT theo tổ hợp 3 môn của 04 học kỳ của 2 năm học lớp 11, 12 và Xét tuyển kết quả học tập bậc THPT theo điểm trung bình 3 học kỳ (HK 2 lớp 11, HK 1 và HK 2 năm lớp 12). Riêng học sinh tốt nghiệp từ 2017 – 2024, trường xét học bạ trên 3 học kỳ theo tổ hợp 3 môn đăng ký xét tuyển. Ngoài ra, trường cũng mở thêm nhiều tổ hợp xét tuyển để phù hợp với chương trình giáo dục 2018.

PGS – TS Huỳnh Quyền còn chia sẻ thêm rằng Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường là trường công lập nên hiện tại học phí còn khá thấp (6 – 8 triệu đồng/học kỳ) vì chưa tự chủ tài chính. Tuy nhiên theo lộ trình đến năm 2026 trường sẽ thực hiện tự chủ tài chính thì mức học phí sẽ khác.

Khó trúng tuyển ngành “hot”: nên chọn ngành "gần"

Lựa chọn ngành “hot”, trường “top” với điểm chuẩn cao thì lẽ dĩ nhiên là khó đậu, vậy có cách nào để tăng cơ hội vào được ngành, trường mình mong muốn?

Thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng TCHC – Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM bật mí: “Những ngành như: Khoa học máy tính, Công nghệ thông tin, Khoa học dữ liệu, Công nghệ sinh học là những ngành “hot” của Trường ĐH Khoa học tự nhiên vì có nhiều bạn đăng ký. Và vì là ngành ‘hot” nên điểm chuẩn sẽ cao và nhiều bạn giỏi đăng ký vào, do đó nếu bạn nào điểm không cao nhưng vẫn muốn vào trường thì phải cân nhắc kỹ và nên xét tuyển ở nhiều phương thức để tăng cơ hội trúng tuyển, đồng thời có thể đăng ký dự phòng những ‘ngành gần”. Ví dụ bạn thích ngành Công nghệ sinh học, nhưng xét thấy khả năng cao mình không đậu thì hãy đăng ký ngành Sinh học vì ngành Sinh học là nền tảng để phát triển Công nghệ sinh học. Hay như muốn vào Công nghệ thông tin nhưng khó quá thì có thể chọn ngành gần là Công nghệ điện tử tin học hoặc Kỹ thuật điện tử viễn thông (ngành này cũng đang “hot” vì liên quan đến vi mạch bán dẫn).

Thạc sĩ Phùng Quán cũng cho biết: trong 3 phương thức xét tuyển của Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM năm nay thì phương thức xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2025 chiếm từ 20 – 60% chỉ tiêu tuyển sinh và đây là phương thức mà các thí sinh có thể chủ động để tăng thêm cơ hội trúng tuyển cho mình. Ths Quán giải thích: 1 thí sinh vừa thi đánh giá năng lực vừa thi tốt nghiệp THPT thì dù cho điểm thi tốt nghiệp THPT có cao hơn nhưng do chỉ tiêu dành cho phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực chiếm đến 60% thì cơ hội trúng tuyển theo phương thức này vẫn cao hơn so với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ chiếm 30% chỉ tiêu. 

Học ở phân hiệu và học tại cơ sở chính bằng cấp có khác nhau?

Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã công bố thông tin tuyển sinh năm 2025 tại cơ sở TP.HCM và phân hiệu tại Vĩnh Long với 2 mã tuyển sinh khác nhau với cùng các phương thức xét tuyển. Vậy học ở cơ sở chính và phân hiệu thì bằng cấp có hác nhau không?

TS Nguyễn Thị Thý Liễu – PGĐ thường trực, Phân hiệu ĐH Kinh tế TP.HCM tại Vĩnh Long – UEH Mekong cho biết: Với phương châm “một thương hiệu, một bằng cấp và một chất lượng” của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM thì các sinh viên học tại ĐH Kinh tế TP.HCM hay học tại Phân hiệu Vĩnh Long thì bằng cấp đều do Giám đốc ĐH Kinh tế TP.HCM cấp bằng. Tuy đào tạo 2 nơi thì sẽ có những điểm chung và cũng sẽ có điểm khác biệt. Trong đó, điểm chung là sự đảm bảo về chất lượng đào tạo và cấp bằng. Cụ thể là thống nhất về chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, giáo trình xuyên suốt trong hệ thống từ cơ sở TP.HCM đến phân hiệu. Còn đối với sinh viên, dù học ở cơ sở đào tạo nào của ĐH Kinh tế TP.HCM đều được dùng chung các tiện ích phục vụ cho việc học cũng như được tham gia học tập trải nghiệm tại các doanh nghiệp, tham gia hoạt động đoàn hội giữa các cơ sở là như nhau.

Về điểm khác biệt chính là mã xét tuyển, chỉ tiêu và điểm trúng tuyển đầu vào của 2 cơ sở khác nhau. Học phí tại phân hiệu cũng chỉ bằng 60% học phí học tại TP.HCM. Sinh viên năm cuối tại phân hiệu sẽ được luân chuyển về cơ sở TP.HCM để tiếp cận các môi trường học tập năng động cũng như những nội dung, kiến thức, chương trình liên quan để chuẩn bị sẵn sàng cho hành trình phía trước.

C.K.Hạ

Tin cùng chuyên mục

Trường ĐH Y dược TP.HCM công bố thông tin tuyển thẳng thí sinh học ĐH trong năm 2025, trong đó có điều kiện tuyển thẳng vào ngành y khoa và răng-hàm-mặt.
17 giờ ngày hôm nay 28.4 sẽ kết thúc đăng ký thi tốt nghiệp THPT năm 2025 trên hệ thống quản lý thi của Bộ GD-ĐT.
Phần lớn trường đại học (ĐH) sử dụng chứng chỉ IELTS để xét tuyển đầu vào, nhưng giá trị quy đổi không giống nhau, khiến thí sinh bối rối...
Đa số đại học phía Bắc đều quy đổi sang điểm 10 đối với chứng chỉ IELTS từ 7.0. Tuy nhiên, tại một số trường/học viện, thí sinh phải đạt IELTS từ 7.5 – 8.0 mới được quy đổi thành điểm 10...
Nhiều thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT cho biết đã được đăng ký thi để xét tuyển vào ĐH năm nay theo chương trình cũ, không còn bị từ chối như vài ngày trước.
Mùa tuyển sinh đại học năm nay, một số trường đại học Hà Nội chính thức bỏ phương thức xét tuyển kết hợp bài thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do các đại học tổ chức...
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề