Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn làm việc với Giám đốc quốc gia USAID tại Việt Nam

Chiều 5/5, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn đã có cuộc làm việc với bà Ann Marie Yastishock - Giám đốc quốc gia Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam.

Vui mừng được đón tiếp bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc quốc gia USAID tại Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đồng thời cảm ơn sự hỗ trợ của Chính phủ Hoa Kỳ nói chung và của USAID tại Việt Nam đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại cuộc làm việc

Bày tỏ sự cảm ơn đặc biệt vì những đánh giá tích cực của bà Ann Marie Yastishock với giáo dục đại học của Việt Nam, Bộ trưởng cho rằng, mặc dù trong những năm qua, giáo dục đại học của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, với 7 trường đại học lọt top 1000 trường đại học thế giới theo đánh giá của Time Higher Education nhưng vẫn cần nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa.

Trong những vấn đề trao đổi, Bộ trưởng nhấn mạnh đến Dự án tăng cường năng lực giáo dục đại học cho Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Đà Nẵng; đồng thời đưa ra 3 vấn đề ưu tiên.

Theo đó, vấn đề cần sự ưu tiên hàng đầu là trợ giúp cho các nhà khoa học để cải thiện phương pháp dạy học, nghiên cứu; trong đó có việc tài trợ các nhà khoa học làm việc trong những nhóm nghiên cứu chung với các nhà khoa học Hoa Kỳ. Bộ trưởng cho rằng, đây là “con đường rất ngắn” để các nhà khoa học Việt Nam nâng cao năng lực. Cùng với đó, tổ chức các khóa học để huấn luyện các kỹ năng về kiểm tra, đánh giá cho các giảng viên đại học Việt Nam.

Bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc quốc gia USAID tại Việt Nam tại cuộc làm việc

Vấn đề ưu tiên thứ 2 được Bộ trưởng đề cập là nâng cao năng lực quản trị nội bộ của nhà quản lý trong các cơ sở giáo dục đại học; từ đó thúc đẩy quá trình tự chủ đại học của Việt Nam một cách đầy đủ.

Cuối cùng, Bộ trưởng nhấn mạnh đến vai trò của các hoạt động bảo đảm chất lượng và tăng cường năng lực của các trung tâm kiểm định; coi gia tăng năng lực của các trung tâm kiểm định là công cụ quản lý quan trọng để thực hiện tốt quản lý nhà nước với các trường đại học thực hiện tự chủ.

Bà Ann Marie Yastishock tin tưởng Việt Nam hoàn toàn có thể là quốc gia đi tiên phong trong khu vực Đông Nam Á về giao dục đại học. Đồng thời nhấn mạnh, USAID Việt Nam sẽ quan tâm đẩy mạnh hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam phát huy thế mạnh, năng lực vốn có và hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ GDĐT Việt Nam để hiện đại hóa hệ thống giáo dục đại học.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, bà Ann Marie Yastishock và các thành viên hai bên tại cuộc làm việc

Cho đến nay, những hỗ trợ của USAID đối với giáo dục Việt Nam tập trung ở giáo dục đại học. Một số dự án mà cơ quan này hỗ trợ có thể kể đến: Dự án BUILD-IT trong lĩnh vực giáo dục đại học do Trường Đại học Arizona State thực hiện giai đoạn 2015-2020 để hỗ trợ đổi mới chương trình đào tạo, xây dựng mối quan hệ đối tác giữa các cơ sở giáo dục đại học với các doanh nghiệp và đổi mới quản trị đại học trong lĩnh vực đào tạo kỹ thuật, công nghệ. BUILD-IT là sự tiếp nối Chương trình Hợp tác giáo dục đại học ngành Kỹ thuật (HEEAP) do Trường Đại học Arizona State thực hiện.

Cùng với đó là Dự án nâng cao chất lượng đào tạo y tế  ở một số trường đại học Y của Việt Nam, thực hiện trong giai đoạn 2016-2022; Dự án tăng cường năng lực giáo dục đại học cho Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Đà Nẵng...

Hiện, Bộ GDĐT đang trao đổi, đàm phán với USAID về Bản ghi nhớ hợp tác về giáo dục đại học và nghiên cứu. Trong buổi làm việc, cả hai bên đều thể hiện nỗ lực để Bản ghi nhớ này sớm ký kết; từ đó thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Bộ GDĐT và USAID trong tương lai.

Nguồn Trung tâm Truyền thông Giáo dục/moet.gov.vn

Tin cùng chuyên mục

Việc Bộ GD-ĐT chốt phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 chỉ còn 4 môn thi (toán, ngữ văn bắt buộc và 2 môn tự chọn) đặt ra yêu cầu với chính ngành giáo dục, làm sao để việc học không chỉ nhằm phục vụ thi cử.
Thời gian qua, nhiều địa phương áp dụng Nghị định 140/2017/NĐ-CP (Nghị định 140) để tuyển dụng giáo viên cho cơ sở giáo dục.
Để ngành NN-PTNT phát triển bền vững, cần những cơ chế, chính sách chiến lược, căn cơ, lâu dài nhằm phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ phù hợp thực tiễn.
Mới đây, Bộ GD-ĐT trình Chính phủ phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Theo đó, phương án thi 4 môn (2+2) gồm 2 môn bắt buộc là toán, ngữ văn và 2 môn do học sinh tự chọn.
Có ý kiến cho rằng, nếu bỏ thi ngoại ngữ ở kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 mà chưa có nghiên cứu đánh giá tác động là tự cầm gạch đập vào chân.
Khoảng trống giữa đào tạo lâm sàng và lý thuyết trong giáo dục y học đang đặt ra những đòi hỏi cấp bách cho khối trường đào tạo y dược trong bối cảnh kỳ thi quốc gia đánh giá năng lực hành nghề do Luật Khám chữa bệnh quy định sẽ triển khai từ năm 2027.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề