Bổ sung hình thức đào tạo thạc sĩ vừa làm vừa học

Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ vừa ban hành đã bổ sung hình thức đào tạo vừa làm vừa học cho chương trình định hướng ứng dụng, thời gian đào tạo toàn khóa dài hơn ít nhất 20% so với đào tạo chính quy.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn vừa ký Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ, thay thế Thông tư số 15 vào năm 2014.

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, Quy chế thực hiện đúng tinh thần nâng cao quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) theo Luật Giáo dục đại học (đã sửa đổi, bổ sung năm 2018). 

Quy chế mới bổ sung phương thức tuyển sinh và giao quyền tự chủ cho các cơ sở đào tạo. Theo đó, các trường quyết định tuyển sinh theo 3 phương thức: Thi tuyển, xét tuyển và kết hợp thi tuyển và xét tuyển.

Song song với quyền tự chủ, cơ sở đào tạo phải thực hiện trách nhiệm giải trình, thường xuyên cập nhật thông tin vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và công khai minh bạch để xã hội cùng các bên liên quan giám sát quá trình tổ chức thực hiện.

Trước khi tổ chức tuyển sinh và đào tạo, cơ sở đào tạo phải công khai Quy chế của trường cùng các quy định liên quan đến tuyển sinh, tổ chức đào tạo và cấp bằng thạc sĩ, quyết định mở ngành đào tạo, các điều kiện bảo đảm chất lượng và thông tin khác theo quy định hiện hành.

Trên trang thông tin điện tử của mình, cơ sở đào tạo phải cập nhật công khai các thông tin: Số lượng học viên trúng tuyển, đang học, thôi học và tốt nghiệp theo từng khóa, từng ngành, chương trình đào tạo và hình thức đào tạo; kế hoạch giảng dạy, thời khóa biểu của từng lớp học; tên đề tài và tóm tắt nội dung các luận văn, đề án có thông tin học viên, người hướng dẫn và ngày bảo vệ luận văn, đề án (trừ đề tài thuộc lĩnh vực bảo mật thực hiện theo quy định của Nhà nước).

Cho phép tuyển sinh trực tuyến

Về tuyển sinh, quy chế quy định khung; ứng viên dự tuyển phải bảo đảm yêu cầu đầu vào quy định tại Thông tư quy định chuẩn chương trình đào tạo.

Cơ sở đào tạo quyết định tuyển sinh theo 3 phương thức: thi tuyển, xét tuyển và kết hợp thi tuyển và xét tuyển.

Quy chế cho phép thi tuyển theo hình thức trực tuyến khi đáp ứng điều kiện bảo đảm chất lượng để kết quả đánh giá tin cậy, công bằng như đối với tuyển sinh trực tiếp.

Các quy định mới về công nhận kết quả học tập và chuyển đổi tín chỉ

Điểm mới của Quy chế là quy định về công nhận kết quả học tập và chuyển đổi tín chỉ nhằm liên thông giữa các trình độ GDĐH, trao đổi học thuật trong nước và với nước ngoài; tạo điều kiện cho cơ sở đào tạo xây dựng chương trình đào tạo (CTĐT) ở các trình độ GDĐH liên thông với trình độ thạc sĩ; tổ chức thực hiện công nhận và chuyển đổi tín chỉ bảo đảm tiêu chuẩn và quy định của pháp luật.

Quy chế của cơ sở đào tạo phải quy định chi tiết điều kiện, tiêu chí đánh giá, quy trình cụ thể cho việc công nhận và chuyển đổi tín chỉ.

Về nguyên tắc trao đổi học viên, số lượng tín chỉ học viên theo học ở cơ sở đào tạo phối hợp được công nhận không quá 25% tổng số tín chỉ của cơ sở đào tạo học viên đang theo học nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo.

Cơ sở đào tạo phải công khai danh mục ngành phù hợp đối với người học đã tốt nghiệp trình độ đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) cho từng cơ sở đào tạo.

Chỉ được đào tạo thạc sĩ tại trụ sở chính hoặc phân hiệu của cơ sở đào tạo

Về địa điểm đào tạo, Quy chế chỉ cho phép đào tạo thạc sĩ tại trụ sở chính hoặc phân hiệu của cơ sở đào tạo.

Các hoạt động thực hành, thực tập, nghiên cứu và trải nghiệm thực tế được tổ chức ngoài cơ sở đào tạo không quá 20% khối lượng CTĐT (ngoại trừ các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe đào tạo tại các cơ sở y tế theo quy định tại Nghị định số 111/2017/NĐ-CP của Chính phủ và của CTĐT cụ thể).

Bổ sung hình thức đào tạo vừa làm vừa học

Theo quy chế, có 2 hình thức đào tạo là hình thức đào tạo chính quy và hình thức đào tạo vừa làm vừa học.

Bộ GD-ĐT cho biết, Quy chế bổ sung hình thức vừa làm vừa học cho chương trình định hướng ứng dụng. Thời gian đào tạo toàn khóa học đối với hình thức đào tạo vừa học vừa làm phải dài hơn ít nhất 20% so với hình thức đào tạo chính quy của cùng cơ sở đào tạo.

Quy chế yêu cầu cơ sở đào tạo xây dựng và công khai kế hoạch giảng dạy và học tập; các học phần trong cơ sở đào tạo được bố trí đều trong các tuần của học kỳ. Trong trường hợp cần thiết phải xếp lịch học tập trung thời gian, số giờ giảng đối với mỗi học phần không được vượt quá 15 giờ trong một tuần và 4 giờ trong một ngày.

Tổng số tín chỉ đăng ký tối đa trong một năm học không quá 45 tín chỉ với hình thức chính quy và không quá 30 tín chỉ với hình thức vừa làm vừa học.­­­

Nội dung ghi trên văn bằng và phụ lục văn bằng thực hiện theo quy định của Bộ GD-ĐT, trong đó phụ lục văn bằng ghi rõ chương trình định hướng nghiên cứu hoặc định hướng ứng dụng.

Đào tạo trực tuyến không quá 30% khối lượng tín chỉ 

Về phương thức đào tạo trực tuyến: Quy chế cho phép đào tạo trực tuyến không quá 30% khối lượng tín chỉ của cơ sở đào tạo.

Quy chế này cho phép đánh giá trực tuyến với điều kiện bảo đảm sự tin cậy, công bằng và khách quan như đánh giá trực tiếp, đóng góp không quá 50% trọng số điểm học phần.

Trường hợp thiên tai, dịch bệnh và bất khả kháng khác, công tác đào tạo và đánh giá trực tuyến các học phần thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

Một người được hướng dẫn tối đa 5 học viên trong cùng một thời điểm

Quy chế quy định học viên chương trình định hướng nghiên cứu phải hoàn thành luận văn; học viên chương trình định hướng ứng dụng phải hoàn thành học phần tốt nghiệp được thể hiện bởi một đề án, hoặc đồ án, hoặc dự án (gọi chung là đề án).

Người hướng dẫn phải có trình độ tiến sĩ trở lên, chuyên môn phù hợp với ngành đào tạo và đề tài luận văn của học viên. Một trong hai người hướng dẫn phải là giảng viên cơ hữu của cơ sở đào tạo. Tại một thời điểm, một người hướng dẫn tối đa 5 học viên.

Sau khi bảo vệ thành công, toàn văn luận văn, báo cáo đề án (đã được chỉnh sửa, bổ sung theo yêu cầu của hội đồng nếu có) phải được lưu trữ tại thư viện của cơ sở đào tạo và công bố trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo trong ít nhất 30 ngày.

Đầu ra phải đạt trình độ ngoại ngữ Bậc 4

Chuẩn đầu ra ngoại ngữ ở trình độ thạc sĩ thực hiện theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Học viên phải đạt trình độ ngoại ngữ Bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, thể hiện bằng các minh chứng như văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ.

Theo Thông tư ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, trình độ ngoại ngữ Bậc 4 tương đương với trình độ B2 theo Khung tham chiếu chung châu Âu CEFR. 

Thông tư 23/2021/TT-BGDĐT ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ.

Theo Phương Chi/Vietnamnet

Tin cùng chuyên mục

Nhóm ngành công nghệ thông tin có rất nhiều trường đại học đào tạo. Học phí các trường có sự chênh lệch rất lớn.
Từ ngày 24 - 28/4, Bộ GD-ĐT tổ chức cho thí sinh là học sinh lớp 12 thử đăng kí dự thi trực tuyến trên Hệ thống quản lý thi. Thí sinh sẽ đăng kí dự thi chính thức từ ngày 2/5 đến 17h ngày 10/5.
Kết quả của đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ được công bố vào đúng một tuần sau khi thi, tức ngày 15-4.
Sau 17 năm thực hiện chuyển đổi từ mô hình trường ĐH dân lập sang trường ĐH tư thục, Trường ĐH dân lập công nghệ Sài Gòn đã nhận được quyết định công nhận trở thành Trường ĐH tư thục Công nghệ Sài Gòn.
Sáng 7/4, hơn 95.000 thí sinh chính thức bước vào kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2024 của Đại học Quốc gia TPHCM. Đây là đợt thi có số thí sinh đông nhất trong lịch sử kỳ thi này.
Bộ Y tế vừa có dự thảo Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực sức khỏe với những nội dung về chương trình đào tạo, học phí, văn bằng...
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề